Kỳ vọng từ hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-EU
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-EU sẽ diễn ra tại Brussels vào ngày 14/12, hứa hẹn là một sự kiện có quy mô chưa từng có, được tổ chức vào thời điểm mà hai khu vực của chúng ta - và trên thực tế là cả thế giới - đang trải qua một bối cảnh ngày càng nhiều thách thức.
Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của chúng ta mang tầm quan trọng như thế nào, và chúng ta hy vọng đạt được điều gì?
Trước khi trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nhìn lại năm 2022 và xem xét kỹ hơn một số đặc điểm và kết cấu chính của quan hệ EU - ASEAN.
Trong suốt năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN đã tổ chức nhiều sự kiện ở Jakarta, ở khắp Đông Nam Á cũng như trong không gian trực tuyến, bao gồm một triển lãm ảnh, một sự kiện đạp xe, một liên hoan văn hóa, cuộc thi vẽ truyện tranh, một chuỗi video với những chia sẻ của các nhân vật quan trọng, cùng một diễn đàn Lãnh đạo trẻ. Tất cả những sự kiện này được kết nối bởi một sợi chỉ chung - kỷ niệm 45 năm Quan hệ Đối tác giữa EU và ASEAN, mối quan hệ đã góp phần dệt nên một bức tranh nhiều màu sắc, đa lớp và phong phú, trong những thập kỷ vừa qua.
EU và ASEAN là hai dự án hội nhập khu vực thành công nhất trên thế giới, và do đó là các đối tác hợp tác một cách tự nhiên - dựa trên một niềm tin chung về chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, và việc nhận ra rằng lợi ích tuyệt đối của sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn sẽ lớn hơn những lợi ích tương đối của sự cạnh tranh và đối đầu.
Chúng ta đã tận dụng tối đa những nền tảng vững chắc này, và đạt được rất nhiều thành tựu. Có thể liệt kê một vài ví dụ, không theo thứ tự cụ thể nào: chúng ta đã là đối tác chiến lược kể từ tháng 12/2020; chúng ta là đối tác thương mại lớn thứ ba của nhau; EU là nguồn FDI lớn thứ hai của ASEAN; chúng ta có khoảng 20 cuộc đối thoại chính sách thường xuyên, cho phép chúng ta trao đổi kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực; và để chọn một bước phát triển gần đây, chúng ta đã ký Thỏa thuận Vận tải Hàng không Toàn diện mang tính khu vực đầu tiên vào tháng 10 năm nay.
Tuy nhiên, các mối quan hệ của chúng ta không tồn tại biệt lập, và thập kỷ này đã được chứng minh là một thử thách đặc biệt với tất cả. Những hy vọng về quá trình phục hồi suôn sẻ sau đại dịch đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, những hành động không phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc nhân đạo. Theo sau những diễn biến này là tình trạng mất an ninh lương thực, năng lượng và lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến toàn thế giới. Tệ hơn nữa, biến đổi khí hậu không có dấu hiệu được khắc phục, tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hành tinh và sự tồn tại của chúng ta.
Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên EU, ASEAN, cũng như các tổ chức tương ứng của chúng ta - với số đại biểu là 40 người - sẽ họp mặt tại Brussels nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh, trong một bối cảnh khó khăn như nhắc đến ở trên. Hội nghị Thượng đỉnh sẽ là cơ hội để kỷ niệm những thành tựu của chúng ta - 45 năm hợp tác trong hội nhập. Quan trọng hơn, đây cũng sẽ là một dịp đặc biệt để thể hiện và chứng minh rằng mối quan hệ chúng ta mang tính đối tác chiến lược và có tính trách nhiệm, chúng ta cam kết hợp tác để giải quyết những thách thức cấp bách nhất của hiện tại và tương lai, theo hướng đề cao sự bền vững.
Với cam kết chung của chủ nghĩa đa phương, chúng ta cũng sẽ gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, vào thời điểm trật tự này đang phải đối mặt với vô số thách thức trong và ngoài các khu vực của chúng ta. Chúng ta sẽ tập trung vào các nguyên tắc cơ bản vốn đã là các cột trụ truyền thống của quan hệ đối tác EU-ASEAN: hòa bình và an ninh, hợp tác kinh tế và thương mại. Chúng ta cũng sẽ xem xét phát triển hơn nữa những điểm tương đồng lớn giữa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Chiến lược Hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hòa bình và thịnh vượng ở khu vực này, với ASEAN ở vị trí trung tâm, vẫn là một yếu tố tối quan trọng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, quan hệ đối tác của chúng ta ghi nhận sự cần thiết phải nhìn về phía trước. Với suy nghĩ này, chúng ta đã xác định rằng khả năng kết nối và tính bền vững là những đặc điểm nổi bật trong tương lai của chúng ta.
Từ phía EU, Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu sẽ được sử dụng làm công cụ chính để tăng cường hợp tác của chúng ta về hai ưu tiên này. Khả năng kết nối dưới mọi hình thức - cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số và giữa con người với con người - sẽ được đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn. Các sáng kiến như Sáng kiến "Team Europe" Xanh, hợp tác cùng ASEAN, đóng góp của EU cho Cơ sở tài chính xanh mang tính xúc tác của ASEAN, sự ra mắt của Đối thoại năng lượng EU - ASEAN, và chương trình thành phố ASEAN xanh và thông minh do EU tài trợ, sẽ đảm bảo rằng tính bền vững sẽ ở vị trí cốt lõi trong các hợp tác giữa châu Âu và Đông Nam Á.
Thay cho lời kết, cho phép tôi nói rằng sẽ còn nhiều điều nữa sắp đến trong tương lai. Ví dụ, các sự kiện bên lề trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh sẽ giúp các doanh nghiệp và cộng đồng thanh niên của chúng ta tham gia trực tiếp; ngoài ra, sẽ có một tuyên bố chung được đưa ra, và một chuỗi kết quả cụ thể sẽ góp phần làm phong phú hơn quan hệ của chúng ta. Vào thời điểm chúng ta đang đi đến chặng cuối trong năm kỷ niệm này, chắc chắn sẽ có nhiều lý do để lạc quan.
Tác giả: Ông Igor Driesmans có bằng Thạc sĩ Lịch sử tại Đại học Gent (Bỉ), trở thành cán bộ của EU từ năm 2003 và hiện là Đại sứ EU tại ASEAN. Ông đảm nhiệm cương vị này từ năm 2019.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!