Tâm điểm
Lang Minh

Kỳ thi vào lớp 10: Có nên gia tăng áp lực bằng "bốc thăm"?

Kỳ thi đầu vào cấp 3 tại Hà Nội, cuộc sàng lọc được cho là khắc nghiệt bậc nhất cả nước, ở năm học 2024-2025 này lại càng thêm căng thẳng bởi là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong bối cảnh đó, nhiều học sinh và phụ huynh càng thêm lo lắng khi Bộ Giáo dục & Đào tạo công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành. Phương án dự kiến được đưa ra là sẽ thống nhất tất cả các tỉnh thành thi 3 môn gồm Ngữ Văn, Toán và 1 môn do Sở GD&ĐT tự bốc thăm (công bố trước 31/3).

Dự thảo trên nếu được áp dụng thì có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất là chấm dứt việc mỗi địa phương quy định một kiểu khác nhau đối với kỳ thi vào lớp 10 mà thống nhất trên toàn quốc một phương án. Thứ hai là thi ba môn thì có một môn không biết trước, sẽ bốc thăm ngẫu nhiên.

Kỳ thi vào lớp 10: Có nên gia tăng áp lực bằng bốc thăm? - 1

Thí sinh thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Vì sao ở trên tôi nói nhiều học sinh và phụ huynh thêm lo lắng? Là vì ngoài hai môn Toán - Văn thì môn thứ ba "lơ lửng" cho đến tháng 3 năm sau mới biết. Và nếu bốc thăm ngẫu nhiên vào một trong hai môn tích hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội thì quả là thách thức lớn cho học sinh; bởi chính lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo từng phát biểu trên báo chí rằng môn tích hợp là điểm vướng mắc nhất trong việc đổi mới chương trình.

Phương án trên nhận nhiều ý kiến trái chiều từ công luận. Đơn cử, trong cuộc tham khảo ý kiến trực tuyến của một trang mạng lớn, gần 90% (hơn 40.000 phiếu) độc giả mong muốn được thi cố định 3 môn Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ.

Theo tôi phản ứng với kiểu thi "bốc thăm" là dễ hiểu bởi:

Một là, phương án này được đưa ra với tầm nhìn chính sách cơ bản là nếu cố định môn thi có thể khiến học sinh học lệch, học tủ (theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT). Ý tưởng này dẫn đến giả định rằng: Lấy kỳ thi để điều chỉnh việc học?

Hiện tượng học sinh học tủ học lệch, thay vì điều tra nguyên nhân từ chương trình, sách giáo khoa, thực hành sư phạm của thầy và trò…, lại giải quyết đằng ngọn bằng cách biến kỳ thi thành điểm chặn đầu để người học phải lo nơm nớp mà "học đều để thi"?

Biến học tập thành trò chơi "đuổi bắt ú òa" càng gia tăng khi thời hạn công bố là trước 31/3, ngay sát thời gian kết thúc năm học. Sao không phải trước 5/9 (khai giảng) hay 1/1 (kết thúc học kỳ I) để thầy và trò có thể lên kế hoạch ôn thi một cách nghiêm cẩn?

Thực tế cũng cho thấy, nhiều tỉnh thành đã áp dụng phương án thi bốc thăm một vài năm qua, nhưng không hề cho thấy dấu hiệu cải thiện tình trạng học lệch học tủ. Ngược lại, một số địa phương như TPHCM, Bình Dương lâu nay vẫn ấn định thi ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào lớp 10, và đều trong nhóm những tỉnh, thành có điểm trung bình thi tốt nghiệp cấp 3 cao nhất cả nước.

Thêm nữa, kỳ thi này có nhiệm vụ sàng lọc từ trên xuống đối với những thí sinh có khả năng tiếp tục theo đuổi các trường cấp ba công lập, chứ không phải nhiệm vụ kiểm tra việc học đã "toàn diện" hay chưa. Nhiệm vụ kiểm tra này thuộc về các bài đánh giá giữa và cuối kỳ trong từng năm học của thí sinh.

Hai là, phương án này tước đi tính tự chủ của người học. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học 2024-2025 (tốt nghiệp cấp 3) đã được chấm dứt tình trạng "bốc thăm", khi học sinh được chọn đến 2/4 môn thi (cố định hai môn Toán - Ngữ văn và thí sinh tự chọn 2 môn bất kỳ trong Chương trình phổ thông). Kỳ thi vào lớp 10 lại làm ngược lại, đặt quyền lựa chọn vào tay "thần ngẫu nhiên". Phải chăng là thiếu tin tưởng vào sự lựa chọn của người học?

Nếu do quy mô tổ chức không thể đáp ứng đa dạng lựa chọn của người học (hội đồng thi cấp tỉnh không thể tổ chức và xét tuyển theo nhiều môn thi), thì cần cố định môn thi chứ không thể yêu cầu người học phải thay đổi theo quy mô tổ chức.

Tựu trung, việc Bộ có chính sách tập trung để thống nhất kỳ thi đầu vào cấp 3 tại các địa phương là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh triển khai Chương trình mới, cũng như những diễn biến phức tạp tại một số địa phương (như sự kiện hàng chục học sinh "đỗ thành trượt" ở Thái Bình; hoặc thủ khoa đầu vào lại thành không đủ điểm đỗ do quá trình hồi phách tại Thanh Hóa…).

Tuy vậy, không nên duy trì bất kỳ phương án hoàn toàn ngẫu nhiên kiểu bốc thăm nào khi quyết định môn thi, bởi điều này đi ngược lại việc tôn trọng quá trình kiểm tra đánh giá xuyên suốt bốn năm học cũng như khả năng tự quyết của cá nhân người học.

Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...

Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!