Học kém không được thi vào lớp 10?
Nghi vấn một số trường ở Hà Nội ngăn học sinh kém thi vào lớp 10 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra chỉ đạo "nóng", yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương làm rõ.
Bộ cũng kêu gọi những người liên quan gửi thêm thông tin và bằng chứng qua email và số điện thoại.
Dõi theo các diễn đàn của phụ huynh, thật bất ngờ khi nhiều ý kiến nói "chuyện này đã diễn ra nhiều năm". Theo đó, học sinh lớp 9 ở trường công nếu học lực không tốt sẽ bị giáo viên "vận động" phụ huynh cho chuyển sang trường tư hoặc cam kết không thi vào lớp 10. Mục đích là để "phân luồng", những em học lực kém được khuyến cáo chuyển hướng đi học nghề vì nhiều khả năng nếu cứ thi vào lớp 10 sẽ trượt.
Đằng sau sự "vận động" này, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường và giáo viên đang lo lắng cho thành tích của họ hơn là tương lai các em. Bởi vì, nếu học sinh trượt lớp 10 THPT công lập, trường và giáo viên dạy sẽ bị ảnh hưởng đến xếp loại. Khi kỳ thi chuyển cấp kết thúc, thứ hạng các trường sẽ được xếp theo kết quả số học sinh thi đậu vào các trường công lập trên tổng số học sinh đăng ký dự thi. Đương nhiên, càng ít học sinh yếu, kém tham gia thi thì tỉ lệ học sinh đậu sẽ cao hơn, thành tích của nhà trường trong bảng xếp hạng sẽ tốt hơn.
Chỉ cách đây khoảng gần một tháng, chị hàng xóm sang chia sẻ với tôi sự lo lắng khi cậu con trai học lớp 9 chuẩn bị cho "kỳ thi phân luồng". Kết quả kỳ thi này rất quan trọng, bởi nếu học sinh không đạt điểm từ 6,5 trở lên cho các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn thứ 4 chưa quyết định, thì sẽ không được đăng ký hồ sơ thi vào lớp 10 trường công lập trên địa bàn thành phố. Tôi cố gắng giải thích cho chị về chủ trương phân luồng hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở, đồng thời khẳng định nếu các em có nhu cầu, nguyện vọng và đủ điều kiện, chắc chắn sẽ được dự thi. Mặc dù vậy, chị vẫn khăng khăng "giáo viên chủ nhiệm của cháu nói". Không tin, tôi hỏi cậu bé và nhóm bạn học, các cháu đều nói rằng nếu không đạt được mức điểm đó sẽ phải học trường dân lập hoặc trường nghề.
Việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh là cần thiết, tuy nhiên, quá trình thực hiện phải căn cứ vào nguyện vọng của học sinh và phụ huynh. Trên thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học các trường tư, học phí đắt đỏ. Hơn nữa, nhiều trường hợp các em chọn trường nghề không phải vì học kém mà do nhu cầu học nghề cũng như cân nhắc việc vừa học nghề vừa học văn hóa để phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Các trường nghề thường có chính sách khuyến khích miễn, giảm học phí cho học sinh.
Tại các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, không ít học sinh trường nghề đạt điểm cao và thi đậu vào các trường đại học danh tiếng. Nói thế để thấy rằng không phải cứ vào trường nghề là học lực kém. Việc "ép" phân luồng đối với học sinh dù được thực hiện dưới hình thức vận động tự nguyện, là điều không được phép xảy ra trong môi trường giáo dục. Trước hết vì điều này vi phạm quyền tiếp cận giáo dục của học sinh. Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng nêu rõ, người đi học được tôn trọng, đối xử bình đẳng và tạo điều kiện trong học tập. Các trường hợp yêu cầu học sinh phải chuyển trường hoặc cam kết không đăng ký thi vào trường công lập nếu có, không chỉ gây tổn thương đến sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ mà còn vi phạm pháp luật.
Chúng tôi hoan nghênh Ngành giáo dục cùng thành phố Hà Nội đã phản ứng nhanh trước thông tin gây bức xúc, chỉ đạo rà soát và cam kết xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm; đồng thời, yêu cầu các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động học sinh không dự thi vào lớp 10.
Thiết nghĩ học lực của các em được hình thành từ sự nỗ lực của bản thân, gia đình và một yếu tố rất quan trọng là chất lượng giáo dục của nhà trường. Bởi vậy, khi học lực của các em chưa đạt yêu cầu, thay vì vận động những em học kém không nên thi vào lớp 10, thì nhà trường phải có trách nhiệm bồi dưỡng, phụ đạo, ôn luyện và củng cố kiến thức để các em chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Ngành giáo dục đã xác định rằng việc học và đăng ký tuyển sinh là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ. Công tác phân luồng sau cấp THCS phải được định hướng cho học sinh rõ ràng, để các em đưa ra lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Với các bậc phụ huynh, khi con em mình đứng trước ngưỡng cửa THPT, hãy chọn lọc thông tin để có quyết định đúng đắn và phù hợp. Nếu có giáo viên nào "gợi ý" học sinh không thi vào lớp 10 chỉ vì em học kém, cần thiết cung cấp ngay thông tin và bằng chứng đến nhà chức trách.