Tâm điểm
Bích Diệp

Kinh tế đêm và phát biểu "gây bão" của Chủ tịch Bạc Liêu

Đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại phát biểu của ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bạc Liêu, liên quan đến phát triển kinh tế đêm, xử phạt nồng độ cồn… đã gây "bão mạng" trong những ngày vừa qua.

Mặc dù đây là một cuộc nói chuyện mang tính chất chỉ đạo nội bộ tại tỉnh Bạc Liêu nhưng lại có sức lan tỏa rất lớn và thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng, có lẽ bởi, những vấn đề được Chủ tịch Bạc Liêu nêu ra không chỉ "nóng bỏng" với riêng địa phương này.

Cụ thể, trong đoạn clip, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị lực lượng công an, văn hóa... phải xem lại, hạn chế việc giới hạn giờ buôn bán, vui chơi của người dân và du khách trước 23 giờ.

Kinh tế đêm và phát biểu gây bão của Chủ tịch Bạc Liêu - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trong đoạn clip "gây bão mạng" (Ảnh chụp màn hình).

Ông Thiều đồng thời nhắn nhủ lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) dừng việc "canh bắt phạt" khách đi nhậu tại các quán. Ông cho rằng, cần phải tuyên truyền, giáo dục ý thức; việc canh người vi phạm để phạt không giải quyết được gốc vấn đề mà chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du lịch địa phương.

Chúng ta thấy, đối với phát biểu của ông Phạm Văn Thiều, đứng ở những góc độ khác nhau thì người nghe, người đọc sẽ có những cách tiếp cận khác nhau.

Với những người làm du lịch, những đơn vị cung cấp dịch vụ, kinh doanh quán ăn, nhà hàng và có thể với nhiều thực khách, họ đương nhiên là sẽ ủng hộ ý kiến của vị lãnh đạo tỉnh. Tâm lý người dân vào ăn uống, ai cũng đều muốn dùng bữa một cách thoải mái mà không phải nơm nớp lo lắng rằng, hễ ra khỏi quán là đã có lực lượng CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn.

Yếu tố này cũng góp phần khiến hoạt động kinh doanh nhà hàng, quán ăn bị ảnh hưởng về doanh số, liên đới đến doanh thu du lịch chung trên địa bàn. Nói một cách nôm na, đã phát triển du lịch đương nhiên phải có dịch vụ ăn uống, có ăn uống thì đương nhiên đi kèm với nhậu, sử dụng đồ uống có cồn. Thế nên, kiểm soát chặt nồng độ cồn sẽ có tác động tiêu cực lên doanh số tiêu dùng dịch vụ nhà hàng, quán ăn, gián tiếp tác động đến phát triển kinh tế đêm, phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Tuy nhiên, trên góc độ của người tham gia giao thông thì sẽ khó có ai chấp nhận "xuê xoa" cho những tài xế sử dụng bia rượu. Đã có quá nhiều vụ tai nạn xảy ra vì rượu bia, và sự trả giá cho những lần chếnh choáng này là thiệt hại về người lẫn của, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

Là Chủ tịch tỉnh, ông Phạm Văn Thiều đồng thời cũng là Trưởng Ban an toàn giao thông cấp tỉnh nên ông sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc để xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn. Ông Thiều có ý đúng là không ai mong muốn gây tai nạn, không ai muốn chết. Tuy nhiên, giữa việc "muốn" và thực tế đôi khi là một khoảng cách rất xa. Một khi người cầm lái sau khi vừa sử dụng bia rượu thì việc làm chủ tình huống phát sinh lại không phụ thuộc vào ý chí và mong muốn của họ nữa.

Ở đây chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, bất cứ chính sách nào khi được ban hành cũng sẽ có "tác dụng phụ", sẽ phải đánh đổi. Nếu muốn hạn chế "ma men" trên đường thì buộc phải làm chặt chẽ, nghiêm túc với tài xế dùng rượu bia. Trong câu chuyện này, nếu muốn "được việc" trọn vẹn là rất khó! Cũng tương tự như ở một số quốc gia, họ xử phạt rất nặng việc bán bia rượu, thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Muốn bán rượu bia, thuốc lá, chủ quán phải chắc chắn rằng khách hàng của họ đã đủ tuổi thành niên, thậm chí phải xác minh bằng giấy tờ tùy thân, nếu không muốn đối mặt rủi ro bị phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động.

Có điều, về mặt câu chữ và cách thức xử phạt, việc "canh bắt phạt" của lực lượng chức năng dù đúng trách nhiệm nhưng mang lại cảm giác không thân thiện. Nên chăng, trong cách xử lý, các đơn vị có thẩm quyền cần tiến hành từ mềm mỏng đến cứng rắn, từ nhắc nhở đến phạt hành chính?

Nói cho cùng, trách nhiệm và ý thức của người dân vẫn là căn cơ, theo đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tuân thủ pháp luật, không nên làm những gì pháp luật cấm (mà hành vi lái xe ngay sau khi uống bia, rượu là một trong số đó). Nếu đã xác định đi nhậu, sử dụng đồ uống có cồn thì cần có phương án để di chuyển lúc về, có thể nhờ người khác chở hoặc đi taxi, vì trên thực tế, rất ít người ý thức được tửu lượng và mức độ tỉnh táo của mình đến đâu cho đến khi để xảy ra hậu quả. Bên cạnh đó, sự chủ động của các cơ sở kinh doanh là rất cần thiết. Theo đó, cần bố trí đội ngũ xe taxi hoặc xe đưa đón nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng.

Đoạn clip ghi lại phát biểu của ông Phạm Văn Thiều còn cho thấy một câu chuyện khác đau đáu phía sau, chính là sự sốt ruột của lãnh đạo tỉnh trước tình hình kinh tế địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Sự trăn trở đó của một vị Chủ tịch tỉnh là điều rất đáng trân trọng và cần phải có. Để hồi phục, phát triển kinh tế (không chỉ là kinh tế đêm), cần sự thống nhất của cả hệ thống chính quyền, sự đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Có thể, chính sự trăn trở đó của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã giải thích cho thành tích 3 tháng đầu năm ở địa phương này: Bạc Liêu có tốc độ tăng trưởng đạt 7,01% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể xét trong tăng trưởng chung của cả nước (3,32%).

Tại hội nghị "Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu" tổ chức ngày 25/4 tại TPHCM, một đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ rằng, khó khăn hiện nay không khác gì với thời Covid-19 bùng phát mạnh. Điều này được thể hiện rõ qua các số liệu về kinh tế vĩ mô. Nhiều đề xuất được đưa ra và trên thực tế đã được Chính phủ, các bộ ngành lắng nghe, trong đó hạ lãi suất, cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi. Mới đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó, một giải pháp cần làm trong ngắn hạn là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Còn về trung và dài hạn là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trên tinh thần đó, nếu lãnh đạo tỉnh nào cũng đều xông xáo và nghĩ cho dân, lo cho doanh nghiệp, ắt kinh tế địa phương sẽ được nhờ, chứ không riêng gì các hàng quán, chốn ăn nhậu về đêm.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!