"Nội lực" kinh tế của đất nước

Bích Diệp

(Dân trí) - Theo Quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị công bố ngày 6/2, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chính thức giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Nội lực kinh tế của đất nước - 1

Đây là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, những nội dung mà ông Trần Tuấn Anh chia sẻ tại cuộc trả lời phỏng vấn trên Dân trí ngày 8/2 rất đáng chú ý.

Ông Trần Tuấn Anh dẫn lại lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi tổng kết nhiệm kỳ khóa XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, khẳng định toàn Đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%).  

Điều có nghĩa là, dù thách thức phía trước không hề nhỏ, nhưng những thành tựu đạt được cho đến hiện tại đã là một bệ đỡ vững chãi để nền kinh tế đi lên. Đồng thời, cũng là một phép thử khả năng của thế hệ lãnh đạo mới, làm sao tiếp nối thành quả của những người tiền nhiệm và tạo ra được những bước bật nhảy cao hơn nữa.

Như chúng ta đã thấy, trong năm 2020, với sự hoành hành của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%. Dù vậy, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91% và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Chúng ta tự hào về những gì đạt được. Song nhìn thẳng vào thực tế cũng thấy rằng, bản thân nền kinh tế đã bị tổn thương đáng kể bởi tác động của đại dịch. Muốn hồi phục đã khó, để tạo được bứt phá lại càng không hề dễ dàng.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ quan điểm: "Đối với năm 2021 và những năm tiếp theo, tôi cho rằng bối cảnh và tình hình thế giới đang đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn nhưng cũng tạo nên cơ hội vô cùng quý giá để có thể tận dụng nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và vươn lên mạnh mẽ".

Quả đúng là khi các nền kinh tế lớn đi chậm lại, muốn rút ngắn khoảng cách thì không còn cách nào khác, chúng ta phải đi nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của thế giới và khu vực. Vấn đề là làm sao để chuyển thách thức thành cơ hội, biến rủi ro thành lợi thế?

Tân Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để có thể vượt qua khó khăn, thử thách và tạo được bứt phá trong phát triển, cần quán triệt tinh thần chung: "Ngoại lực là quan trọng, nhưng nội lực đóng vai trò quyết định".

Nói cách khác, trước khi chờ đợi sự thuận lợi từ bên ngoài thì thành, bại phụ thuộc vào chính sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, phụ thuộc vào tài "cầm cương" của người lãnh đạo, sự tận tụy của cán bộ, công chức Nhà nước. Tóm lại là cần có con người tốt và một môi trường thể chế tốt.

Ông Trần Tuấn Anh nêu ra loạt định hướng lớn cần tập trung như hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh; tập trung khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn…

Người viết hoàn toàn tán thành với những luận điểm nêu trên. Riêng trong năm 2021, để tạo cơ sở cho những mục tiêu lớn nói trên, đất nước còn phải giữ được an toàn trước dịch Covid-19 và xây dựng những kịch bản phát triển kinh tế - xã hội tương ứng.

Đúng như ông Trần Tuấn Anh đã khẳng định, "nội lực đóng vai trò quyết định". Chúng ta muốn lớn mạnh, nhưng trước hết phải cùng nhau chống dịch thành công, tạo nền tảng để ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Cũng chỉ khi đó mới thu hút được đầu tư và gia tăng thương mại, hướng đến mục tiêu trở thành một nước phát triển trong tương lai không còn xa.