Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Khi cột điện đứng giữa đường

Chuyện những cây cột điện "đứng nhầm" giữa đường đã trở thành một chủ đề thảo luận sôi nổi trong phiên làm việc của HĐND tỉnh Nghệ An chiều 5/12.

Nghe thoáng qua, vấn đề khá đơn giản nên sẽ không có gì phải mổ xẻ thêm, nếu chỉ là sơ suất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng đáng ngại là thực trạng này đã tồn tại nhiều năm trong quá trình xây dựng nông thôn mới không riêng tại tỉnh Nghệ An, và nhìn chung các cơ quan quản lý thay vì nhanh chóng tìm giải pháp khắc phục thì lại đùn đẩy theo hướng xem xét "cột điện hay đường đã nhảy vào chỗ của nhau".

Cần thấy rằng dù nguyên nhân bắt nguồn từ việc làm đường hay dựng cột điện, thì hiện trạng cây cột điện "đứng nhầm" giữa đường làm mất mỹ quan và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông là có thật. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý nên phối hợp, nhanh chóng khắc phục thay vì "nói qua nói lại".

Khi cột điện đứng giữa đường - 1

Một cột điện "đứng giữa đường" tại huyện Đô Lương, Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ở nông thôn là vậy, còn tại các đô thị, cũng không thiếu những sự việc tương tự về bản chất, nhưng phát sinh dưới một hình thức khác mà người dân cũng rất bức xúc. Đó chính là tình trạng nhiều tuyến đường vừa làm xong, lớp nhựa đường còn mới thì đã bị đào lên để lắp đặt hệ thống thoát nước và thông tin liên lạc. Việc thi công và hoàn trả hạ tầng ở nhiều nơi rất "luộm thuộm" khiến con đường mới bụi mù trong thời gian dài, hào rãnh thi công gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân. Sau đó, tuyến đường mới bị những "vết sẹo" lồi lõm ở vị trí thi công, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Người dân than trời, nhưng đường vẫn bị đào lên và lấp lại năm này qua năm khác. Ông giao thông đổ lỗi cho điện lực, điện lực thì bảo viễn thông, viễn thông lại kêu cấp nước và cấp nước chỉ sang giao thông.

Nhìn nhận các hiện tượng trên dưới góc độ công tác quản lý đô thị và nông thôn, tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản là tình trạng thiếu đồng bộ trong xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án hạ tầng, từ khâu lập dự án, xây dựng kế hoạch, quy hoạch đoạn tuyến, đến thực thi đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Theo quy định hiện hành, một dự án đầu tư xây dựng phải được lên kế hoạch triển khai đồng bộ với các quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn hiện có. Tuy nhiên câu chuyện cột điện "đứng nhầm" giữa đường nêu trên cho thấy, trong thực tế khi triển khai dự án thì các ngành liên quan vẫn "mạnh ai nấy làm".

Việc thẩm định cấp phép cho dự án cũng chưa đánh giá đầy đủ các nội dung cần thiết, chưa lựa chọn kỹ càng thời điểm thi công, chưa hạn chế được tối đa các điểm xung đột gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn của người dân.

Ngoài ra, tình trạng nêu trên phần nào cho thấy sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở địa phương, để đến mức phát sinh mâu thuẫn, xung đột trong thời gian dài song các bên liên quan không có giải pháp khắc phục kịp thời.

Thiết nghĩ để chấm dứt tình trạng cột điện "đứng nhầm" giữa đường ở nông thôn, hay hiện tượng đào đường để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật ở đô thị, chính quyền địa phương cần xác định rõ ràng một đầu mối trách nhiệm.

Trước mắt, trong thời gian chờ di dời cột điện hoặc ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật, cấp có thẩm quyền chỉ đạo đầu mối chịu trách nhiệm yêu cầu đơn vị liên quan đặt biển báo, rào chắn xung quanh cột điện, có các biện pháp đảm bảo môi trường ở khu vực thi công, cảnh báo người tham gia giao thông để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Về lâu dài yếu tố quan trọng nhất là quy hoạch và triển khai dự án đồng bộ. Khi lập kế hoạch mở rộng, nâng cấp hoặc xây dựng tuyến đường mới, chính quyền địa phương cần tính toán và phối hợp với các đơn vị liên quan để di dời hoặc hạ ngầm cột điện, hạ tầng kỹ thuật trước khi thi công.

Muốn cột điện không đứng nhầm chỗ thì phải quy trách nhiệm đúng cơ quan và đúng người.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!