Tâm điểm
Hà Huy Phong

Hợp tác với doanh nghiệp Mỹ: "Điệu Tango phải có hai người"

Một trong những chủ đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, là việc triển khai cụ thể hóa Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có các nội dung về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Từ góc độ một luật sư có quá trình làm việc với các đối tác quốc tế và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, tôi nghĩ rằng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Hoa Kỳ không chỉ nên xem xét ở góc hẹp là hợp tác với một quốc gia cụ thể, mà nên coi đó là sự hợp tác với thế giới phương Tây nói chung, với cách tư duy và luật lệ có những khác biệt nhất định với chúng ta.  

Điều không thể phủ nhận, Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế, và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với họ. Người phương Tây có một câu nói quen thuộc rằng "Điệu Tango phải có hai người", hiểu nôm na là để hợp tác cùng có lợi thì phải có sự chủ động và hòa hợp từ cả hai phía. Để hợp tác thành công với các đối tác Mỹ, chúng ta cần hiểu về nét đặc trưng trong văn hóa đối ngoại và văn hóa kinh doanh của họ, với một trong những nét đặc trưng là tính thực dụng, hiệu quả. Và một đặc điểm khác không kém quan trọng là tính tuân thủ trong mọi hành động, trọng duy lý hơn duy tình.

Hợp tác với doanh nghiệp Mỹ: Điệu Tango phải có hai người - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, tháng 3/2023 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đặc điểm này ít nhiều có phần khác biệt với lề thói truyền thống của xã hội và của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng đặc điểm này không phải riêng có với các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ mà là của các nền kinh tế phát triển ở thế giới phương Tây, với lịch sử phát triển kinh tế thị trường nhiều trăm năm. Nền kinh tế thị trường là bà đỡ của cạnh tranh và cũng được thúc đẩy phát triển bởi chính cạnh tranh. Hành lang của cạnh tranh lành mạnh chính là sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy tắc cuộc chơi.

Trước Covid vài năm, tôi tham gia đoàn thanh sát của một doanh nghiệp Hoa Kỳ tại một doanh nghiệp Việt Nam để kiểm tra tình trạng sử dụng lao động và nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu. Khi tiếp xúc, giám đốc doanh nghiệp Việt Nam phát biểu một cách khá ngây thơ, chất phác, đại ý rằng "Chúng tôi cam kết cung cấp hàng hóa đúng chất lượng, số lượng theo cam kết cho các ông là được rồi, nếu sai thì chúng tôi chịu phạt, mắc mớ chi mà các ông lại đi kiểm tra việc tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nhà của chúng tôi". Tôi tin chắc rằng, đây không phải là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam suy nghĩ vậy.

Có dịp tư vấn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình làm ăn với đối tác đến từ Hoa Kỳ và châu Âu, tôi nhận thấy một vấn đề thuận lợi và thường diễn ra suôn sẻ là giá cả, nhưng lại rất khó khăn trong các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, đến việc cam kết tuân thủ chống tiêu cực, minh bạch…

Có những doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn "gật đầu bừa" để ký được hợp đồng rồi tìm cách đối phó sau. Nhưng đó không phải là văn hóa kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ và châu Âu. Văn hóa tuân thủ của họ và tính giữ cam kết của họ tốt hơn rất nhiều. Cá nhân tôi cho rằng, đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi hơn là tìm cách đối phó.

Những thói quen tuân thủ của doanh nghiệp phương Tây đã trở thành một nét văn hóa kinh doanh mà không phải là những chiêu thức trong hành xử thương mại. Văn hóa đó đến từ nhiều yếu tố, mà trước hết là luật pháp và văn hóa nước sở tại mà bản thân doanh nghiệp đó phải tuân thủ nếu muốn tồn tại trên đất nước của họ. Tuân thủ chính là để bảo vệ lợi ích của chính họ. Tất nhiên cũng có những doanh nghiệp phương Tây làm ăn không nghiêm túc, thậm chí lừa đảo, nhưng tình trạng này không phải là phổ biến.

Muốn làm ăn, kinh doanh thành công với các doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, cần phải hiểu họ, tôn trọng văn hóa của họ và biết cách hài hòa lợi ích của cả hai bên.

"Điệu Tango phải có hai người", doanh nghiệp Việt Nam cần xác định văn hóa tuân thủ là thứ nên học hơn là phải đối phó. Việc tuân thủ quy định pháp luật, quy định của hợp đồng, quy tắc thương mại mà hai bên đã thiết lập một cách xuyên suốt, nhất quán và kiên định là công việc cần phải làm để thiết lập nên một nét văn hóa mới cho chính doanh nghiệp của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cần có sự thay đổi nhanh chóng để tận dụng được những cơ hội đến từ việc hợp tác với Hoa Kỳ, đến từ Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ.

Việc hợp tác ở đây không chỉ xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ mà hợp tác với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên chính đất nước Việt Nam. Dự báo tương lai gần, sẽ có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu tham gia vào thị trường Việt Nam và đó là một cơ hội rất lớn cho nền kinh tế chúng ta. Tận dụng được cơ hội hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, và vì lợi ích của chính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, của đất nước Việt Nam.

Tác giả: Ông Hà Huy Phong hiện là luật sư thành viên, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, trọng tài viên, giảng viên Đại học Luật Hà Nội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!