Tâm điểm
Bùi Hoài Sơn

Hơi thở của dân tộc, nhịp đập của đời sống

Khi tôi còn là một cậu học trò cấp III ở Việt Trì, những trang báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong, Thiếu niên Tiền phong… được cha tôi – một giáo viên dạy toán – cẩn thận gấp gọn, để ngay ngắn trên bàn. Ông đọc kỹ từng dòng, rồi khẽ bảo tôi: “Báo chí không chỉ đưa tin, con ạ. Những trang báo còn dạy ta sống đúng và tử tế.” Lời cha tôi ngày ấy nhẹ nhàng mà sâu lắng, theo tôi suốt cả hành trình sự nghiệp, để rồi càng làm nghề, càng tiếp xúc, càng thấy báo chí thực sự là hơi thở của dân tộc, là nhịp đập của đời sống.

Nhìn lại 100 năm lịch sử báo chí Cách mạng, từ ngày tờ Thanh niên đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đến mạng lưới báo chí rộng khắp hôm nay, chúng ta có thể khẳng định: Báo chí Cách mạng Việt Nam là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nền văn hóa dân tộc xuyên suốt thế kỷ XX đến XXI. Không chỉ là công cụ tuyên truyền, báo chí Việt Nam đã thực sự trở thành nguồn thông tin tin cậy của nhân dân, đồng hành với mọi chuyển động xã hội, là tiếng nói phản biện mạnh mẽ, không ngại đi sâu vào những vấn đề gai góc, nhức nhối của đất nước.

Tôi đặc biệt trân trọng đội ngũ nhà báo chân chính – những người sẵn sàng xông pha vào những nơi hiểm nguy, nóng bỏng, từ những vùng dịch bệnh, bão lũ cho đến những điểm xung yếu nhất về môi trường, đạo đức, niềm tin. Trong mỗi bản tin ngắn, mỗi phóng sự dài, tôi đều cảm nhận được trái tim và trí tuệ của người làm báo, họ sẵn sàng dấn thân vì lý tưởng cao đẹp: “phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.

Trong hành trình dài ấy, báo Dân trí với tôi là một điểm dừng chân đầy xúc động.

Là một tờ báo điện tử ra đời sau thời kỳ Đổi mới, Dân trí có sự nhạy bén hiếm thấy trong việc kết nối hơi thở thời cuộc với chiều sâu nhân văn. Đúng như Tổng biên tập báo, ông Phạm Tuấn Anh, nhìn nhận: Dân trí “ở lại” trong tâm trí của nhiều đối tượng độc giả, từ các công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cho đến cả những bạn trẻ năng động. Tờ báo có một bản sắc rất riêng, hiếm có: Nhân văn, gần gũi và đầy tinh thần trách nhiệm xã hội.

Hơi thở của dân tộc, nhịp đập của đời sống - 1

Ngày 20/6, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Bộ Nội vụ công bố, ra mắt Báo in Nội vụ và Xã hội, đồng thời tổ chức gặp mặt phóng viên, biên tập viên một số cơ quan thông tấn, báo chí. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà dự và chủ trì hoạt động (Ảnh: Hải Long)

Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên cộng tác với Dân trí. Đó là một bài viết ngắn, mang hơi hướng học thuật, về phát triển công nghiệp văn hóa – một đề tài mà thời điểm ấy ít được truyền thông chú ý. Vậy mà, bài viết được biên tập tinh tế, đăng tải trang trọng. Lúc ấy, tôi không chỉ vui vì một bài viết được đăng báo, mà còn cảm động vì nhận thấy tờ báo thực sự trân trọng những vấn đề mang tính chính sách, chiều sâu chiến lược. Một sự đồng điệu khó nói thành lời!

Dần dà, tôi gắn bó nhiều hơn, cộng tác đều đặn với Dân trí. Từ những bài phản ánh vai trò của di sản trong phát triển bền vững, đến những bài thời luận về sáp nhập hành chính, nâng cao năng suất lao động, văn hóa thực thi pháp luật hay xây dựng giá trị sống cho giới trẻ… Lần nào cũng vậy, Dân trí luôn sẵn sàng đón nhận những góc nhìn mới, khai thác các ý tưởng đậm chất học thuật nhưng có tác động sâu rộng tới nhận thức người đọc. Đó chính là điều tôi vô cùng trân trọng, yêu quý, tin tưởng về một tờ báo vừa có chiều sâu chính sách, vừa giữ được mạch cảm xúc của đời sống.

Có một lần tôi trao đổi, chia sẻ ý định viết bài về “văn hóa gia đình trong kỷ nguyên mới” thì được phía báo hồi đáp: “Anh cứ viết theo đúng văn phong của anh – lắng sâu, giàu cảm xúc, có chính kiến rõ ràng – Dân trí sẽ trân trọng điều đó.” Câu nói ấy làm tôi ấm lòng. Vì trong bối cảnh thông tin ngồn ngộn như hiện nay, tìm được một tòa soạn trân quý chính kiến của tác giả là điều không dễ.

Với tôi, báo Dân trí còn là một không gian văn hóa, một mái nhà trí tuệ, nơi những người viết – dù là nhà báo chuyên nghiệp, là học giả, nhà giáo, nhà quản lý hay công dân bình thường – đều có thể cất lên tiếng nói đầy nhân văn và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Dân trí cũng là tờ báo đi đầu trong chuyển đổi số, không ngừng đổi mới, vận dụng công nghệ vào hoạt động đưa tin và tiếp cận độc giả trẻ.

Tôi tin rằng, trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của báo chí hiện nay, báo Dân trí sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh: không chạy theo giật gân, không nhạt hóa vấn đề, mà kiên trì với sứ mệnh làm báo có chiều sâu, có tầm nhìn, có tâm thế khai mở cho xã hội.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ là dịp tri ân những người làm báo, mà còn là lúc để mỗi người dân – trong đó có tôi – cảm thấy biết ơn sâu sắc đối với một nghề cao quý. Một nghề mà mỗi dòng viết đều mang theo cả trách nhiệm và niềm tin, mỗi lần lên trang là một lần góp phần vào sự khai minh xã hội.

Xin được gửi lời chúc chân thành nhất đến những người làm báo hôm nay – những người đang viết tiếp hành trình đầy vinh quang và thách thức của báo chí cách mạng Việt Nam. 

Tác giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn là thạc sĩ chuyên ngành quản lý di sản và nghệ thuật tại Đại học Bắc London (University of North London); tiến sĩ quản lý văn hóa tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Ông hiện là Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Ông đã từng có gần 25 năm làm việc tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, và là Viện trưởng trước khi chuyển sang làm công tác chuyên trách tại Quốc hội.

Những chủ đề quan tâm của ông là quản lý văn hóa, quản lý di sản và nghệ thuật, truyền thông mới, công nghiệp văn hóa.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!