Hoàn thành quy hoạch báo chí: Sứ mệnh mới, tầm nhìn mới của báo Dân trí
Ban hành ngày 31/10/2023, giấy phép hoạt động số 411/GP - BTTTT đã chính thức hoàn thành quá trình tái cấu trúc các cơ quan báo chí của Bộ LĐ-TB&XH theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, Báo điện tử "Dân trí" cùng báo "Lao động và Xã hội" được hợp nhất để trở thành báo "Dân trí", cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH.
Như vậy, tính từ giữa tháng 7/2020, thời điểm tiếp nhận báo điện tử Dân trí từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí đã được Bộ LĐ-TB&XH nỗ lực và khẩn trương thực hiện, xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ sớm 2 năm so với kế hoạch đề ra.
Từ góc độ một bạn đọc lâu năm, tôi xin chúc mừng tập thể báo Dân trí và có thể nói, từ nay trở đi, báo đã được nâng lên một vị thế mới do tích hợp và hội tụ được ít nhất ba yếu tố dưới đây.
Thứ nhất, đó là thiện cảm sẵn có của đông đảo bạn đọc với cái tên "Dân trí", cơ quan ngôn luận của Hội khuyến học Việt Nam từ năm 2005. Chính cái tên mang tính đại chúng của tờ báo không chỉ đã tạo nét riêng, mà còn thu hút sự chú ý của công chúng. Hơn thế, tên báo "Dân trí" từ lâu đã được khắc sâu vào tâm khảm của nhiều người thuộc nhiều thế hệ bởi nó phản ánh đúng nhu cầu, khát vọng của toàn thể nhân dân cũng như một trong những trách nhiệm hàng đầu của Nhà nước, đó là nâng cao dân trí.
Thứ hai, đó là uy tín xã hội của Dân trí, thể hiện qua số lượng độc giả đông đảo và vị trí của tờ báo luôn nằm trong nhóm đầu trên các bảng xếp hạng báo chí ở nước ta lâu nay. Thực tế này có thể kiểm chứng qua các khảo sát ngẫu nhiên khi người được hỏi rất dễ nêu tên Dân trí trong số 3 đến 5 tờ báo mà họ thường đọc. Đây là thành quả được tích lũy bởi sự nỗ lực làm việc liên tục, sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên trong gần hai thập kỷ vừa qua.
Tất nhiên, như tôi đã nói ở trên, cùng với cột mốc hoàn thành quy hoạch báo chí trước hạn 2 năm, báo Dân trí hiện nay là sự tích hợp các thế mạnh sẵn có không riêng báo điện tử Dân trí mà cả báo Lao động và Xã hội.
Thứ ba, với hành trình hơn 3 năm qua, khi Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận báo điện tử Dân trí từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (giai đoạn một thực hiện quy hoạch), và đặc biệt từ cột mốc hoàn thành quy hoạch báo chí lần này, báo Dân trí ngày càng có điều kiện để hoạt động nghề nghiệp tốt hơn với vị thế là cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH - một cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách các vấn đề liên quan trực tiếp đến "con người", "vì con người", vì các nhu cầu dân sinh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người dân. Nói cách khác, trở thành cơ quan của Bộ LĐ-TB&XH đã gia tăng vị thế cho Dân trí, cả trong cấu trúc chính trị cũng như trên bình diện xã hội.
Gắn liền với vị thế mới cũng là những thách thức và sức ép. Trước hết, Dân trí sẽ phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản. Tiếp đó, Dân trí phải tiếp tục hoàn thiện để không tự "đánh mất" nhóm độc giả hiện tại, và mở rộng hơn nữa trong tương lai. Thực tế cho thấy, dung hòa giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu đa dạng, phức tạp của các nhóm độc giả khác nhau chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng với mọi tờ báo ở nước ta.
Có lẽ nhận thức rõ những cơ hội và thách thức nêu trên, với tầm nhìn của vị "tư lệnh" ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ cho Ban lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của tờ báo sau khi kiện toàn là phải vươn lên để trở thành một "tổ hợp truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp". Đề bài mà Bộ trưởng nêu ra rất rõ ràng: Dân trí không đơn giản chỉ là một tờ báo, một kênh thông tin và tuyên truyền của đơn vị chủ quản, mà phải trở thành một thiết chế truyền thông hiện đại trong thời kỳ mới.
Quả vậy, để có thể tiếp tục phát triển và trở thành thiết chế truyền thông hàng đầu ở nước ta trong kỷ nguyên số, xã hội thông tin, và những biểu hiện cạnh tranh mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay thì báo Dân trí tất yếu phải tư duy và trả lời được câu hỏi: thế nào là một thiết chế báo chí, truyền thông "hiện đại và chuyên nghiệp"?
Hẳn nhiên, vươn lên "hiện đại và chuyên nghiệp" không đơn giản chỉ là mua sắm những trang thiết bị cùng công nghệ mới nhất, xây dựng đội ngũ phóng viên và biên tập viên trẻ trung, năng động, hình thành ý thức và thái độ làm việc chăm chỉ, khuyến khích tinh thần sáng tạo, hay thiết kế giao diện tinh giản nhưng sang trọng cho tờ báo, tạo sự tiện lợi và hấp dẫn cho độc giả.
Hơn thế, tính "hiện đại và chuyên nghiệp" của tổ hợp truyền thông "Dân trí" trước hết cần phải được khẳng định thông qua Sứ mệnh mới và Tầm nhìn mới. Nếu tuyên bố về "Sứ mệnh" nêu bật hệ giá trị cốt lõi mà Dân trí đề cao và theo đuổi, thì "Tầm nhìn" cần đề ra các mục tiêu then chốt cho một giai đoạn phát triển sắp tới. Nhờ đó, Sứ mệnh và Tầm nhìn sẽ không chỉ giúp phân biệt Dân trí với các tờ báo khác, mà còn trở thành điểm tựa cho mọi hoạt động nhằm hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, như đầu đề bài toán đã được đặt ra bởi Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Dựa vào lịch sử hình thành và phát triển thì có thể thấy các giá trị xã hội nên giữ vai trò tạo lập nền tảng, định hình bản sắc, và dẫn dắt sự phát triển cho Dân trí. Cụ thể thì đó là các giá trị liên quan đến con người và mối quan hệ giữa con người với con người, như: Quyền Con Người, Nhân văn, Bình Đẳng, Công Bằng, Phát Triển Bao Trùm, Đoàn Kết Xã Hội. Phụng sự con người chính là sứ mệnh mới của Dân trí.
Dựa vào vị thế hiện nay của Dân trí trong cộng đồng báo chí ở nước ta thì một tầm nhìn khả thi là đưa Dân trí trở thành tờ báo số một Việt Nam về các vấn đề xã hội vào năm 2030. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển tờ báo cần được thiết kế để sau bảy năm nữa, mỗi khi cần tìm hiểu thông tin về các vấn đề xã hội ở nước ta thì người đọc sẽ nghĩ ngay đến Dân trí. Mỗi khi cần nêu quan điểm, tranh luận chính sách xã hội và phát triển xã hội thì các nhà lãnh đạo, đội ngũ chuyên gia sẽ muốn được xuất hiện trên Dân trí.
Nếu việc coi trọng các giá trị kinh tế dễ dẫn đến xung đột lợi ích, thì việc đề cao các giá trị xã hội sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên trong xã hội, hướng tới cuộc sống nhân bản, hòa thuận, và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Tập trung vào các vấn đề xã hội không chỉ cho thấy sự gắn kết chặt chẽ với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, mà còn truyền tải thông điệp: Dân trí theo đuổi khát vọng phụng sự con người, vì chất lượng cuộc sống của con người, vì một cộng đồng xã hội hài hòa và bền vững.
Cũng có nghĩa, bên cạnh thực hiện chức năng thông tin về các lĩnh vực khác nhau như mọi tờ báo thì ưu tiên hàng đầu của Dân trí nên là các vấn đề xã hội. Theo đó, dung lượng thông tin và tri thức về muôn mặt đời sống, đặc biệt là đời sống của các nhóm xã hội yếu thế, nên có tỷ lệ nhiều hơn so với các vấn đề khác. Tiếng nói Dân trí phải là những tiếng nói Dân Sinh, tiếng nói Dân Khí.
Tức là, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, Dân trí cần tiếp tục đa dạng hóa và hiện đại hóa các thể loại sản phẩm báo chí để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của độc giả. Cùng với những thông tin, quan điểm từ phía chính quyền, Dân trí cũng cần cung cấp nhiều diễn đàn cho tiếng nói của các nhóm xã hội khác nhau để từ đó thu lượm được những ý kiến hữu ích, phục vụ phát triển.
Đề cao các giá trị xã hội và tập trung vào các vấn đề xã hội, cung cấp diễn đàn cho tiếng nói của các nhóm xã hội khác nhau, báo Dân trí sẽ từng bước tô đậm bản sắc riêng, và khẳng định được vị thế hàng đầu trong cộng đồng báo chí ở nước ta.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!