Tâm điểm
Hoàng Anh Tú

Học sinh đi ngoại khóa và "hoa hồng" có gai

Mỗi học sinh sẽ mang về "hoa hồng" cho thầy cô giáo chủ nhiệm 10.000 đồng. Hoa hồng đẹp thật nhưng những cái gai của nó thì chẳng đẹp chút nào. Nhất là khi những cái gai đó đâm cả vào tay người không có hoa hồng.

Câu chuyện vừa xảy ra ở một trường THCS trên địa bàn TPHCM. Khi hiệu trưởng thông báo với các giáo viên về việc vận động học sinh tham gia chương trình ngoại khóa để được nhận bồi dưỡng 10,000 đồng/học sinh tham gia. Thực ra việc này không mới và không chỉ xảy ra ở ngôi trường kể trên, nó đã và đang xảy ra ở nhiều ngôi trường khác. Chỉ là nó không bị tung hê ra.

"Hoa hồng" trong trường học là một thứ có thật và đôi khi còn là sự nghiễm nhiên mà không chỉ giáo viên, nhà trường, các doanh nghiệp muốn vào trường học coi là bình thường. Nhiều phụ huynh cũng coi đó là bình thường. Bồi dưỡng giáo viên thôi mà. 10.000 đồng thôi mà. Chỉ là bọn trẻ nếu chúng biết, chúng sẽ nghĩ gì thì chưa ai nói, chưa ai nghĩ tới, chưa ai bàn luận. Bởi với không ít người lớn: Trẻ con thì biết cái gì.

Những cái gai của hoa hồng luôn sắc nhọn và dễ gây thương tổn cho những người không quen với văn hóa hoa hồng. Đặc biệt là trong môi trường vô cùng nhạy cảm: Môi trường giáo dục.

Học sinh đi ngoại khóa và hoa hồng có gai - 1

Hoa hồng trong trường học là thứ có thật khi các doanh nghiệp muốn bán sản phẩm cho học sinh hoặc các phụ huynh (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ngày còn làm báo Hoa Học Trò, hệ thống phát hành của chúng tôi chọn phát hành báo qua kênh sạp báo thay vì vào kênh trường học cũng vì không muốn trả hoa hồng theo cách đó. Chúng tôi không muốn mượn văn bản của ban giám hiệu hay bất cứ một mệnh lệnh nào đối với học sinh, những độc giả của mình. Nhiều người chê chúng tôi dại vì đó là một kênh phát hành có thể đem đến hàng trăm nghìn độc giả bắt buộc. Nhưng các sếp của chúng tôi khi ấy đã từ chối vì sợ những chiếc gai hoa hồng kia.

Hoa hồng trong trường học là thứ có thật khi các doanh nghiệp muốn bán sản phẩm cho học sinh hoặc các phụ huynh. Họ phải chi ra một khoản trong lợi nhuận để trả công cho các giáo viên hoặc ban giám hiệu. Ai cũng biết rằng nếu không có hoa hồng, chẳng doanh nghiệp nào có thể bước vào được cả đâu. Nó đi cùng "văn hóa phong bì", "bôi trơn". Nó thành thứ luật bất thành văn, sản phẩm tốt cho con trẻ thì cũng phải có lợi cho thầy cô, ban giám hiệu. Nên sinh ra hoa hồng, phết phẩy. Và tất nhiên, nhiều khi nó được giấu trong những vỏ bọc khác nhau.

Tôi không thủ cựu đến mức muốn cấm đoán việc doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm tốt nhất của họ đến học sinh - phụ huynh. Chúng ta cũng nên rõ ràng với nhau về nền kinh tế thị trường, nơi các doanh nghiệp luôn muốn mang sản phẩm chất lượng của mình vào trường học. Điều đó là không sai. Nó chỉ trở nên sai khi lẫn lộn giữa kinh doanh và mệnh lệnh hành chính.

Việc trích từ lợi nhuận kinh doanh để bồi dưỡng giáo viên cũng vậy, tôi cho là hợp lý. Khi giáo viên thực hiện một việc ngoài trách nhiệm của mình thì phải được trả thù lao tương xứng.

Nhưng, tất cả đều phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của mỗi giáo viên và cả từ phía phụ huynh - những người trực tiếp chi trả. Thứ khiến chúng ta lên tiếng là sự nhập nhèm, thiếu minh bạch và có dấu hiệu của áp đặt, ép uổng. Là kiểu nhân danh, mượn danh, núp bóng không đàng hoàng. Trách nhiệm và công việc của một giáo viên không phải và không thể gắn thêm vai trò nhân viên kinh doanh và hiệu trưởng không thể là một chủ doanh nghiệp.

Nhà trường càng không thể đưa "doanh thu" thông qua các hoạt động ngoại khóa vào tiêu chí xét thi đua giáo viên. Ở đâu có việc này thì đó chính là thứ sai trái mà chúng ta cần lên tiếng.

Chúng ta giáo dục trẻ sự chính trực không phải chỉ bằng những bài học trong sách giáo khoa mà phải là ở chính trong cách chúng ta làm mỗi ngày. Sở dĩ khi tôi nói về việc lũ trẻ nghĩ gì nếu biết thầy cô giáo mà chúng yêu kính, thần tượng, ngưỡng mộ lại có được hoa hồng từ chúng là bởi tôi cũng từng nghe những thất vọng, đổ vỡ nơi chúng.

Ở cái tuổi chưa có nhiều trải nghiệm nên đôi lúc suy nghĩ cực đoan, những đứa trẻ rất dễ thất vọng. Cái tuổi "xước măng rô cũng hóa trọng thương buồn" là vậy. Hóa ra cô giáo mình yêu quý đã "được chia" 10.000 đồng từ tiền đóng đi tham gia ngoại khóa của mình sẽ là một thương tổn trong lòng bọn trẻ. Và cả những giáo viên có lòng tự trọng. Liệu đây là điều hiệu trưởng từng nghĩ đến hay ông chỉ nghĩ như một chủ doanh nghiệp muốn bán được nhiều hàng?

Câu chuyện "ban phụ huynh" bị coi là "ban phụ thu" đã từng khiến nhiều phụ huynh bức xúc cũng là vì nhiều hiệu trưởng coi phụ huynh như con bò để vắt sữa, điều hành trường như một chủ doanh nghiệp đang kinh doanh giáo dục. Và lũ trẻ thì biết hết cả đấy chứ không phải trẻ con thì biết cái gì đâu. Tôn sư - trọng đạo không thể chỉ là khẩu hiệu treo tường. Nó phải được xây dựng từ cả sự tôn trọng học trò, cẩn trọng việc giáo dục.

Hoa hồng nào cũng sẽ có những cái gai. Đừng để những cái gai đó khiến môi trường giáo dục thành môi trường kinh doanh. Lũ trẻ chỉ có thể trở thành những đứa trẻ chính trực khi thầy cô luôn minh bạch rõ ràng. Xin đừng tặng nhau hoa hồng kiểu đó nữa!

Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!