Hiểu đúng về giá điện âm
Ngày 30/5, đồng loạt nhiều báo dẫn lại nguồn tin từ The Guardian, Bloomberg về giá điện âm ở một vài nước châu Âu do công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tăng đồng thời với nhu cầu phụ tải thấp khiến cung dư thừa so với nhu cầu.
Một số báo cho rằng người tiêu dùng được trả tiền để dùng điện. Tại sao như vậy và điều này thực sự có ý nghĩa gì?
Đầu tiên, giá điện âm là một "đặc sản" có thể xảy ra trong thị trường giao ngay (spot market) của thị trường điện. Thị trường điện giao ngay có nhiệm vụ kết nối nhu cầu bán và mua điện trong thời gian ngắn (dưới một tiếng). Thị trường này phải đảm bảo vận hành hiệu quả kinh tế bằng cách dự báo, tính toán cung - cầu điện năng sát với giao nhận thực tế trong mỗi chu kỳ 1 giờ, 30 phút hoặc thậm chí là 5 phút diễn ra liên tục và liên tiếp nhau.
Trong mỗi chu kỳ thị trường giao ngay, các đơn vị phát điện (người bán) cùng tham gia đấu giá, và cơ chế thị trường chọn mức giá tối ưu nhất cho cả người bán và người mua.
Chúng ta cần lưu ý thêm, ngoài thị trường giao ngay, thị trường điện còn nhiều cơ chế khác tùy theo thiết kế như thị trường hợp đồng tương lai, thị trường dịch vụ phụ trợ, thị trường quyền truyền tải, thị trường công suất, thị trường bán lẻ. Thị trường giao ngay Việt Nam hiện nay cho phép chu kỳ giao dịch 30 phút và chỉ cho phép đơn vị phát điện "chào giá theo chi phí" trong khoảng giá cho phép định trước. Chúng ta sẽ không đi sâu tìm hiểu các thị trường này vì chúng không trực tiếp liên quan đến giá điện âm.
Giá điện âm nêu từ The Guardian, Bloomberg là giá điện năng giao ngay của một vài chu kỳ thị trường giao ngay, xảy ra khi cung vượt cầu mà hệ thống điện không kịp hay không thể lưu trữ để dùng vào những thời điểm khác. Điều này thường xảy ra vào thời điểm giữa ngày khi nhiều nhà máy điện mặt trời cùng sản xuất cao nhất, khi các nhà máy điện gió có nhiều gió bất thường và khi thủy điện nhận được quá nhiều nước về từ mưa lớn hay tuyết tan mà không lưu trữ được. Khi đó, giá điện âm có thể xảy ra từ một hay nhiều lý do sau.
Lý do kinh tế: Đầu tiên, các nhà máy điện NLTT có chi phí vận hành bằng không hoặc rất thấp, nên theo lẽ thường để tránh lãng phí tài nguyên chúng thường được chào giá rất thấp để phát điện trước rồi mới huy động đến các nguồn phát điện có chi phí vận hành cao hơn.
Ngoài ra, các nhà máy điện NLTT thường đã ký trước hợp đồng bao tiêu dài hạn với đơn vị bán lẻ, khách hàng lớn với giá hợp đồng cố định bất kể giá điện thị trường giao ngay là âm. Những nhà máy NLTT này khi sản xuất điện tăng cao sẽ có động lực phát tối đa công suất thông qua chào giá cạnh tranh, kể cả chào giá âm để "tranh nhau" bán.
Giá điện âm khuyến khích tăng nhu cầu phụ tải hệ thống hoặc tăng nạp hệ thống pin lưu trữ, thủy điện tích năng nếu hệ thống điện có những hệ thống lưu trữ điện này để sử dụng cho những giờ cao điểm có giá điện cao hơn.
Lý do kỹ thuật: Các nhà máy nhiệt điện truyền thống như than, hạt nhân, khí, dầu có chi phí vận hành cao hơn rất nhiều so với NLTT sẽ bị buộc phải giảm công suất khi nguồn NLTT tăng cao.
Những nhà máy này, đặc biệt là nhà máy điện than, hạt nhân có những ràng buộc về kỹ thuật như công suất phát tối thiểu, không thể thay đổi (giảm) công suất đột ngột, thời gian tối thiểu phải phát điện một khi đã khởi động, sẽ gặp khó khăn trong vận hành khi các nhà máy điện NLTT chào giá thấp hay chào giá âm.
Để tránh vi phạm ràng buộc kỹ thuật, những nhà máy nhiệt điện truyền thống kém linh hoạt sẽ buộc phải chào giá rất cạnh tranh hoặc âm hơn tương ứng. Đặc biệt là trong tình huống những nhà máy điện kém linh hoạt này phải xem xét quyết định chấp nhận giá điện âm, tức trả tiền để giữ tổ máy, hoặc là quyết định ngưng tổ máy phát điện.
Lý do đơn giản là nếu ngưng tổ máy, các nhà máy này không thể tái khởi động ngay lập tức khi cần và nếu phải khởi động lại khi nhu cầu phụ tải cao hoặc khi NLTT phát ít trở lại sẽ phải tốn một khoản chi phí khởi động lại tổ máy phát điện. Quyết định ngưng và tái khởi động có thể tốn kém, mất doanh thu hơn so với chấp nhận trả tiền và giữ tổ máy phát điện trong một vài hay thậm chí nhiều chu kỳ giao ngay.
Trong trường hợp năng lượng tái tạo dư thừa gây đe dọa an ninh hệ thống điện, điều độ thị trường điện hay hệ thống điện được quyền cắt giảm đầu ra hoặc sa thải nhà máy điện NLTT theo quy định của thị trường.
Người tiêu dùng có "được trả thêm tiền" để dùng điện khi có giá điện năng giao ngay âm không? Không phải như vậy. Nó tùy thuộc vào gói dịch vụ bán lẻ mà người tiêu dùng ký kết với công ty bán lẻ điện như là các Tổng Công ty Điện lực miền hay thành phố lớn ở Việt Nam. Nếu biểu giá điện là một giá đồng nhất, hai hay ba giá (cao điểm, lưng, thấp điểm) thì giá điện năng bình quân trên một kWh điện tiêu thụ cho các biểu giá tương ứng thường là "dương", tức là phải trả tiền để tiêu dùng.
Trong trường hợp người tiêu dùng ký kết với công ty bán lẻ điện với biểu giá điện năng theo thị trường giao ngay (spot pass through, real time pricing hay dynamic pricing) thì người tiêu dùng mới có thể được trả tiền để tiêu dùng điện năng vào những chu kỳ giá điện giao ngay âm.
Tuy nhiên vào những thời điểm ít năng lượng tái tạo hay nhu cầu phụ tải hệ thống cao, giá điện năng thường cao do phải huy động nguồn phát điện chi phí cao, nên giá trung bình phải trả cho mỗi số điện năng trong một chu kỳ hóa đơn là tháng (hay quý) sẽ dương. Thêm nữa, khách hàng chọn biểu giá "thời gian thực" này sẽ chịu rủi ro cao vì giá điện năng giao ngay biến động sẽ gây rủi ro tài chính nếu nguồn phát điện chi phí cao được huy động thường xuyên.
Đó là chưa kể giá điện tiêu dùng ngoài giá điện năng còn phải cộng thêm phí điều hành thị trường điện, điều độ hệ thống điện, phí sử dụng dịch vụ lưới điện, giá cung cấp dịch vụ bán lẻ (chi phí và lợi nhuận bán lẻ) và các khoản thuế phí khác như VAT, phí tuân thủ môi trường, v.v.. Tổng các chi phí này sẽ làm cho hóa đơn tiền điện là dương.
Do vậy, giá điện âm trong một vài thời điểm trong ngày không có nghĩa là người tiêu dùng được trả thêm tiền để dùng điện trong chu kỳ hóa đơn tiền điện tháng (hay quý). Chúng ta cần hiểu đúng bản chất vấn đề để tránh hiểu lầm hay suy diễn lạc quan về năng lượng tái tạo.
Theo quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, Việt Nam sẽ hướng tới đạt tỉ lệ NLTT 31-39% vào năm 2030 và định hướng tỷ lệ này đạt 68-72% vào năm 2050. Điều này là rất tốt về mục tiêu bền vững và hội nhập quốc tế. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể sẽ chứng kiến giá điện trên thị trường giao ngay biến động âm hoặc rất cao và sẽ phải chuẩn bị rất kỹ để quản trị tốt những thách thức không nhỏ về ổn định hệ thống điện.
Tác giả: Thái Doãn Hoàng Cầu là tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong thị trường điện Úc.
Ông là tác giả của cuốn sách "Thị trường điện: các vấn đề cơ bản và chuyên đề kinh tế, thương mại, quản lý" do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật xuất bản vào tháng 10 năm 2022. Cuốn sách 20 chương, 750 trang này cung cấp những kiến thức liên ngành và kinh nghiệm thực tiễn cần biết nhằm giúp ngành điện Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho thị trường điện.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!