Giúp việc lương 30 triệu đồng và chuyện học nghề
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho hay đã tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành danh mục 77 nghề được đào tạo trong đó có những nghề mới như giúp việc gia đình, bán hàng livestream…
Thông tin trên khiến tôi nhớ lại một bài phóng sự trên báo Dân trí về những người giúp việc ở "khu nhà giàu" Thảo Điền (quận 2, TPHCM). Trong đó có rất nhiều lao động ngoại quốc và đa số là người Philippines. Dù giá thuê một giúp việc ngoại quốc không rẻ, lên đến 1.200 USD/tháng (khoảng 30 triệu đồng) nhưng nhiều gia đình ở TPHCM sẵn sàng chi mức này để được đáp ứng nhu cầu dịch vụ cao cấp.
Không phải tự nhiên mà người giúp việc đến từ Philippines được ưa chuộng ở Thảo Điền và nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Một người bạn tôi đã từng đi Philippines kể rằng anh rất ấn tượng khi những người giúp việc Philippines trở về nước thì họ có hẳn một làn đi riêng với những khẩu hiệu chào đón và cảm ơn. Philippines tổ chức các trường đào tạo quốc gia dành cho nghề giúp việc, nơi người lao động được học từ những kỹ năng cần thiết (dọn nhà, nấu ăn, chăm sóc người già, em bé, sơ cứu, cứu hỏa…) cho đến thái độ chuyên nghiệp, tính trung thực và ngoại ngữ. Hàng triệu người Philippines đã và đang đi khắp nơi trên thế giới với nghề giúp việc, gửi ngoại tệ về cho gia đình và đất nước…
Ở Việt Nam, giúp việc gia đình không phải là một nghề mới mà đã rất quen thuộc trong xã hội từ nhiều năm nay. Nhưng theo tôi phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều người chưa nhìn đây như là một nghề chuyên nghiệp, nhất là một bộ phận người lao động vẫn có tâm lý giúp việc chỉ là nghề thời vụ, làm một thời gian rồi thôi, không xác định gắn bó lâu dài.
Nhiều năm về trước, những người làm nghề giúp việc gia đình đa phần tham gia vào thị trường lao động theo kiểu "trăm hay không bằng tay quen", không được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cơ bản và thực sự thì nhiều người cũng không có nhu cầu học nghề này. Những năm gần đây khi nghề giúp việc gia đình trở nên phổ biến hơn, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ giúp việc đã tự tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, hoặc một số công ty thấy thị trường có nhu cầu và đã đứng ra mở lớp dạy nghề giúp việc. Tuy nhiên đó chỉ là các nỗ lực đơn lẻ nên nhìn chung còn manh mún và chưa hình thành các khóa đào tạo bài bản.
Năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khung trình độ cho ngành chăm sóc gia đình. Mục tiêu của khung trình độ này nêu rõ là nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của nghề "Dịch vụ chăm sóc gia đình" có khả năng làm việc độc lập; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khỏe; tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng làm trở thành một nhân viên chuyên nghiệp phục vụ trong các gia đình, trung tâm, công sở hoặc tự tạo việc làm đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Đối với hệ trung cấp, chương trình học gồm 28 môn trong 60 tuần. Ở phần kỹ năng nghề nghiệp, học viên sẽ được học 11 môn như dọn dẹp nhà cửa, phục vụ ăn, uống, chăm sóc trẻ nhỏ, người già, chăm sóc vườn cây, vật nuôi, sử dụng các thiết bị trong gia đình. Còn hệ cao đẳng, sẽ tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tương đương. Chương trình học gồm 38 môn trong 108 tuần.
Theo tôi được biết thì một số địa phương đã đào tạo được học viên làm nghề giúp việc gia đình theo nhu cầu ở bậc trung cấp và cao đẳng. Năm 2021, Trường Cao đẳng Công Thương Hà Nội đã đưa nghề giúp việc vào danh mục đào tạo với tên gọi: Dịch vụ chăm sóc gia đình. Và mới nhất, trong diễn biến liên quan, thành phố Hà Nội ban hành danh mục 77 nghề đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có giúp việc gia đình, bán hàng livestream như nêu trên.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta đặt ra mục tiêu cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế về nghề giúp việc. Hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng, khi đã xem đây như một nghề thì chúng ta cần cách tiếp cận chuyên nghiệp, cả về phía tổ chức đào tạo nghề giúp việc gia đình cũng như phía đi học nghề. Bản thân tôi từng đến trò chuyện với hàng chục ngôi trường dạy nghề ở Việt Nam. Các nhà trường đều nỗ lực đổi mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tuy nhiên ở một số nhà trường thì các nghề được đưa vào đào tạo còn mang tính truyền thống như nấu ăn, pha chế, thợ cơ khí, sửa xe máy…, trong khi thiếu vắng các nghề mới thiết thực.
Nghề giúp việc hoàn toàn có thể giúp người lao động có thu nhập tốt, dù không phải là mức 30 triệu đồng/tháng thì đó cũng sẽ là mức thu nhập tương xứng với kỹ năng, với sự chuyên nghiệp và tận tâm. Trong thực tế, câu nói "lương sinh viên mới ra trường không bằng lương giúp việc" đã trở nên quen thuộc. Muốn như vậy, phải chăng mỗi người lao động khi tham gia vào thị trường này phải bắt đầu từ thái độ tôn trọng công việc mình sẽ làm, dành thời gian để học nghề và nắm bắt các kỹ năng cần thiết.
Với nghề bán hàng livestream cũng tương tự như vậy. Chúng ta đang dành quá nhiều chú ý cho những "chiến thần livestream" bán được tiền tỷ mỗi phiên lên sóng, nhưng thực tế số "chiến thần livestream" chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nếu nhìn nhận bán hàng livestream là một xu hướng ngày càng trở nên phổ biến trong thương mại điện tử, thay thế dần các loại hình bán hàng truyền thống, thì chúng ta cần quan tâm đúng mức đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực livestream chuyên nghiệp, để họ đáp ứng được những tiêu chuẩn của nghề bán hàng trên nền tảng số.
Và bản thân những bạn trẻ muốn tham gia vào lĩnh vực này cũng nên đi học nghề một cách bài bản, để không chỉ nắm được kỹ năng nghề nghiệp mà còn để thực tế hơn, tránh lâm vào tình cảnh vỡ mộng vì phải nói liên tục hàng chục giờ mỗi ngày, trong khi chỉ nhận được mức thù lao không đủ mua thuốc ho.
Suy cho cùng nghề nào cũng vậy, dù nghề cũ hay nghề mới, thì đào tạo nghề và học nghề là hai khâu quyết định sự phát triển bền vững của nghề đó.
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!