Tâm điểm
Bích Diệp

Đằng sau "hào quang" nghề streamer

Felix Kjellberg - chàng trai sinh năm 1989 tại Thụy Điển, thường được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội với tên gọi PewDiePie. Anh được mệnh danh là "ông hoàng YouTuber" hay "YouTuber số 1 thế giới", một trong những người nổi tiếng và quyền lực nhất của giới streamer (những người làm nghề phát trực tiếp thông qua nền tảng mạng xã hội) cho đến nay.

Câu chuyện lập nghiệp của Felix bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước, vào năm 2010 khi anh lập tài khoản YouTube với mục đích ban đầu là chơi game và đăng tải các nội dung liên quan đến game. Felix vốn theo học tại Đại học Công nghệ Chalmers với chuyên ngành kinh tế công nghiệp và quản lý công nghệ, tuy nhiên, năm 2011, anh đã bỏ học vì không còn hứng thú và sau đó theo đuổi sự nghiệp với kênh YouTube ngay tại thời điểm nền tảng này chưa được coi là định hướng khả thi về nghề nghiệp.

Đến nay streamer đã trở thành một công việc quen thuộc với những người trẻ trên khắp thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Thậm chí, một số bài báo tôi đọc được gần đây phản ánh rằng, đang xuất hiện nhiều bạn trẻ ở độ tuổi học sinh/sinh viên muốn bỏ học giữa chừng để trở thành một streamer để livestream bán hàng, khi họ so sánh thu nhập nghề này mang lại với những công việc văn phòng phổ biến, cho thấy có chênh lệch tương đối lớn.

Với không ít bạn trẻ, ánh hào quang của việc trở thành một streamer nổi tiếng là hấp dẫn hơn nhiều so với công việc văn phòng buồn tẻ.

Tôi nêu vấn đề này với ông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Le Group, một chuyên gia trong ngành truyền thông và marketing), ông nói rằng, xu hướng trên là bình thường trong bối cảnh ngành công nghiệp nội dung số phát triển như vũ bão hiện nay. Cũng như bất cứ nghề nghiệp nào khác, các streamer, Youtuber... có thể kiếm tiền với công việc của mình, đó là doanh thu từ quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, nhận đóng góp từ người xem (donate) hoặc "bật chế độ kiếm tiền" với những video thu hút nhiều lượt xem trên mạng.

Sự phát triển của các nền tảng như YouTube, Facebook, Tiktok… và việc tiếp cận điện thoại thông minh dễ dàng hơn, đã khiến nghề streamer bùng nổ. Giờ đây mở mạng ra là vô vàn video ẩm thực, mỹ phẩm, thời trang, trò chơi mạo hiểm, hướng dẫn kỹ năng, bình luận game online, "đập hộp" đồ chơi, đánh giá phim ảnh… Những công việc này giúp nhiều người có thu nhập từ hàng chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Một số năm gần đây, khi rà soát, chống trốn thuế trên nền tảng mạng xã hội và kinh doanh online, cơ quan chức năng đã tiết lộ không ít cá nhân nộp thuế lên tới cả chục tỷ đồng. Vậy mới thấy, nếu thành công thì nghề sáng tạo nội dung số sẽ mang đến nguồn thu rất lớn cho người làm. Tuy nhiên, truyền thông nói nhiều về sự hấp dẫn của nghề này, nhưng dường như chưa đề cập đầy đủ đằng sau ánh hào quang là gì? Và thực tế đây có phải là loại công việc dễ dàng cho thu nhập cao hay không? Có đáng để bạn trẻ nào đó bỏ học giữa chừng để theo đuổi?

Chúng tôi sẽ không bàn về sự lựa chọn cá nhân, bởi đó là quyền của mỗi người. Song nếu nghiêm túc nhìn đây như một nghề mới nổi, thì chắc chắn rằng cũng như bất cứ nghề nghiệp nào khác trong xã hội, con đường đi đến thành công luôn không dễ dàng.

Theo ông Lê Quốc Vinh, mặc dù không có hoặc chưa có chuyên ngành nào đào tạo làm YouTuber, Facebooker, Tiktoker, streamer chuyên nghiệp, nhưng thực tế, muốn làm được những nghề này thì các bạn trẻ phải học về cách quay phim, cách dựng video, cách làm nội dung…

Bạn có thể may mắn thành công với một vài video ban đầu nhưng để đi đường dài, đây là công việc đòi hỏi sức sáng tạo rất lớn. Các gương mặt nổi tiếng thường phải có đội nhóm hỗ trợ đằng sau. Nói cách khác, đây là loại công việc mà nếu không có chiến lược, trải nghiệm và kiến thức tốt trong lĩnh vực mình "lên sóng" thì thông thường mọi người chỉ dừng lại ở cuộc chơi mang tính giải trí ngắn hạn, lãng phí tiền bạc và thời gian.

Không phải tự nhiên mà một nhân vật đình đám trong giới streamer là Phùng Thanh Độ (Độ Mixi) từng nhấn mạnh tầm quan trọng của quá trình học tập ở nhà trường. Độ chia sẻ rằng việc học đại học không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn học cách làm người, cách xử lý tình huống trong cuộc sống và nâng cao giá trị bản thân.

Chưa kể, như cảnh báo của Độ, nghề streamer, YouTuber ẩn chứa rất nhiều cạm bẫy, dễ dàng đốn ngã những thanh niên vừa chập chững bước ra đời, mang trong mình sự tham vọng viển vông. Không ít bạn trẻ đã sa đà vào làm những nội dung nhảm nhí, để rồi nhanh chóng bị đào thải, tẩy chay. Thậm chí, với những nội dung độc hại, thiếu kiểm soát, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội thì chủ kênh còn có thể bị cơ quan chức năng xử phạt và đối diện pháp luật.

Bản thân người viết cho rằng, định hướng nghề nghiệp là việc hết sức quan trọng với bất cứ bạn trẻ nào. Ngày nay nghề streamer đang trở thành từ khóa phổ biến, phản ánh một xu hướng chứ không đơn giản là nhu cầu giải trí nhất thời, cần sự quan tâm của gia đình và xã hội để đưa vào chương trình định hướng nghề nghiệp với các nội dung phù hợp. Sự quan tâm đúng trước hết là ở việc nhìn nhận đúng thực tế để các bậc phụ huynh không bất ngờ khi nghe con em mình nói rằng: "Muốn trở thành một streamer!".