Giá cổ phiếu và túi tiền tỷ phú
Niêm yết không phải là đích đến mà chỉ là phương thức để huy động vốn
Tuần qua, truyền thông trong nước và quốc tế "dậy sóng" trước sự kiện VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ). Cổ phiếu VFS của hãng xe này ngay sau đó trở thành tâm điểm bàn luận, bởi sau khi tăng hơn 68% trong phiên chào sàn thì đã giảm liền 3 phiên, đóng cửa phiên cuối tuần tại mức 15,4 USD, giảm 58,5% so với đỉnh.
Điều này không có gì bất thường hay vô lý vì những người giao dịch cổ phiếu đều biết, nếu biên độ tối đa trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 30% (với sàn UPCoM là +/- 15%, HNX là +/- 10%, HoSE là +/- 7%) thì chứng khoán Mỹ không có biên độ, nhà đầu tư được mua bán khống, quay vòng cổ phiếu rất nhanh.
Tôi có mặt trong buổi trao đổi online của báo giới với bà Lê Thị Thu Thủy - Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast, ngay sau sự kiện nói trên. Chúng tôi nhận thấy, dù tỏ ra rất phấn khích vì diễn biến giá cổ phiếu phiên chào sàn, như lời bà Thủy là "ngoài tưởng tượng", không nằm trong bất kỳ kịch bản nào đã chuẩn bị từ trước, thì lãnh đạo VinFast cũng hoàn toàn nắm được nguyên nhân, rằng cú "bốc đầu" của VFS chủ yếu là vì thanh khoản quá bé, lượng cổ phần giao dịch tự do chỉ 4,5 triệu trên tổng số cổ phiếu lưu hành lên tới hơn 2,3 tỷ đơn vị.
Bà Thủy còn cho biết, trước phiên giao dịch, bà dò hỏi một số ngân hàng đầu tư thì hầu hết nói rằng cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD. Phía VinFast không có kịch bản nào cho khả năng cổ phiếu lên tới hơn 37 USD như thế, nhưng rõ ràng họ đã chuẩn bị tâm lý cho việc cổ phiếu giảm.
Thực tế là, kể cả khi giá VFS về 10 USD thì mức định giá 23 tỷ USD của VinFast cũng đã cao hơn gấp đôi so với giá trị vốn hóa của Vingroup trên sàn HoSE hiện nay (khoảng hơn 10 tỷ USD).
Bởi vậy, việc vốn hóa VinFast có lúc đẩy lên vượt 85 tỷ USD, qua mặt cả những hãng xe hàng đầu thế giới, hay việc tài sản ông Phạm Nhật Vượng (theo một thống kê) từng xếp thứ 16 thế giới, thì cũng chỉ mang tính chất hiện tượng, nhất thời mà thôi. Thị trường luôn biến động, giá cổ phiếu VFS tới đây có thể lên hoặc tiếp tục xuống, đó là câu chuyện của những nhà giao dịch (trader) mua đi bán lại, ăn chênh lệch qua từng phiên.
Tôi không có tài khoản đầu tư tại Mỹ, nhiều người có lẽ cũng vậy. Thậm chí, tôi cũng không đi xe VinFast, không nắm cổ phiếu VIC, VHM hay VRE. Nhưng, tôi cũng như nhiều người rất thích thú và cảm thấy vui vì VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ - họ đã có một màn ra mắt ấn tượng, gây tiếng vang lớn. Tôi nghĩ rằng, đằng sau sự kiện lớn ấy, thẳm sâu trong chúng ta ít nhiều đều dấy lên sự tự hào, như cách nói vui "V for Vin, V for Vietnam - chiến thắng cho Vin, cho Việt Nam" vậy. Nhiều quỹ đầu tư, nhiều đại lý phân phối, nhiều người tiêu dùng Mỹ và trên thế giới đã biết đến một thương hiệu xe Việt.
Dù thế thì niêm yết chắc chắn không phải đích đến của VinFast, bài toán mà ông Phạm Nhật Vượng và cộng sự của ông cần giải không chỉ dừng ở đây. Vấn đề là sau niêm yết, doanh nghiệp sẽ huy động vốn quốc tế ra sao, sẽ trụ vững như thế nào. Huy động được nhiều vốn hơn nữa từ các nhà đầu tư quốc tế để phục vụ kế hoạch phát triển xe điện của công ty, đó mới là mục đích niêm yết trên sàn Mỹ. Chiều ngược lại, VinFast là doanh nghiệp sản xuất nên sản phẩm cần phải được khách hàng đón nhận, phải khẳng định được thương hiệu, cạnh tranh được với các đối thủ khác trên thị trường thế giới, từ đó, mới thuyết phục được nhà đầu tư.
Nhìn rộng ra với các doanh nghiệp khác, không phải mọi công ty đều chọn cách niêm yết. Niêm yết chỉ là một sự lựa chọn, song nếu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn để niêm yết, đến gần với công chúng bằng sự minh bạch, thì rất đáng hoan nghênh!
Tâm và tầm của doanh nhân, doanh nghiệp Việt
Các tỷ phú hẳn nhiên là không quá quan tâm họ có bao nhiêu tiền trong tài khoản, bởi rằng, khi cổ phiếu không giao dịch thì tài sản đó chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, con số đó có ý nghĩa, vì gắn với giá cổ phiếu trên thị trường, gắn với kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng doanh nghiệp trong tương lai; mặt khác, khi lãnh đạo nắm lượng lớn cổ phần cũng thể hiện cam kết gắn bó, đồng hành của họ với doanh nghiệp. Cho nên, sẽ vẫn luôn tồn tại các bảng xếp hạng tỷ phú và vẫn luôn có sự quan tâm của công chúng với tài sản của họ.
Ông Phạm Nhật Vượng là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam được Forbes công nhận năm 2013, đến nay đất nước đã có 7 người vào danh sách này. Không nhiều ý nghĩa về sự giàu lên của một vài cá nhân, nhưng khi cá nhân đó đại diện cho doanh nghiệp, cho ngành nghề thì lại khác. Đằng sau vị trí các cá nhân trên một bảng xếp hạng quốc tế là sự ghi nhận về nỗ lực vươn lên của cả một doanh nghiệp, sự phát triển của một nền kinh tế; đằng sau sự lên xuống của những con số còn là thăng trầm trong sự nghiệp của mỗi doanh nhân qua từng giai đoạn khó khăn, thuận lợi…
14 năm trước, ông Đoàn Nguyên Đức từng giàu nhất Việt Nam, nhưng hiện tại tên tuổi hoàn toàn bị lu mờ trên các bảng xếp hạng tài sản. Ông Đức vẫn sở hữu tỷ lệ lớn chiếm 34,5% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nhưng lượng cổ phiếu lớn mà ông nắm giữ đang được làm tài sản đảm bảo để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
Vị doanh nhân này thừa nhận năm 2012 ông đã sai khi từ bỏ bất động sản, lĩnh vực mà HAGL từng là số một. Tôi cũng có những sự cảm hoài, tiếc nuối khi đi qua dự án trung tâm thương mại của HAGL ở Yangon, Myanmar, dù vậy, tôi vẫn ủng hộ các doanh nghiệp Việt chuyển dịch sang hoạt động sản xuất, thay vì thuần túy kinh doanh bất động sản.
Khó khăn của ông Đức và của HAGL cho thấy thách thức với các doanh nghiệp sản xuất vô cùng lớn, cho nên, khi các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, dù là HAGL, là VinFast hay bất cứ doanh nghiệp nào khác… đạt được một thành công lớn hay nhỏ, họ cũng đáng nhận được sự khích lệ và sự trân trọng.
Tôi cũng quan sát thấy, dù mục đích của doanh nghiệp là doanh thu, lợi nhuận nhưng hầu hết doanh nhân không để ý đến những con số trong tài khoản mà tập trung mối quan tâm cho công việc và họ có lý tưởng riêng. Chẳng hạn, ông Phạm Nhật Vượng từng tuyên bố: "Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời".
Còn nhớ mấy năm trước, trong những lần thực hiện phỏng vấn, một ông chủ ngân hàng lớn thường hẹn tôi vào 4h30 chiều chỉ vì ông ăn trưa vào 4h chiều và ăn tối vào 11h đêm. Ông kể với tôi rằng, trong những lần xử lý tái cơ cấu, họp nhiều đến nỗi chỉ ăn cái bánh mì toàn thịt mỡ cũng thấy ngon. Mới thấy, cả khi nắm trong tay cơ ngơi nghìn tỷ thì các doanh nhân vẫn phải tiếp tục làm việc hàng ngày như bao người lao động khác, và chẳng ai ôm khối tiền ấy nghỉ ngơi quanh năm cả.
Trên vai mỗi doanh nhân là gánh nặng trách nhiệm với doanh nghiệp, là cuộc sống của hàng trăm hàng nghìn lao động, là quyền lợi của hàng triệu khách hàng, người tiêu dùng, rộng ra là trách nhiệm với xã hội, với đất nước.
Tâm lý tò mò và hiếu kỳ của công chúng đối với người giàu là bình thường song những bàn luận về giá cổ phiếu, về tài sản cũng sẽ trôi qua rất nhanh. Điều mà xã hội trông chờ và thực sự ghi nhận là các doanh nhân, doanh nghiệp "làm được gì cho đời", tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động, nộp thuế bao nhiêu cho ngân sách, sản xuất bao nhiêu sản phẩm cho xã hội… Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng cần hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan Nhà nước, sự ủng hộ của công chúng trong quá trình phát triển, vươn ra toàn cầu.
Còn đương nhiên, với một số trường hợp kinh doanh chỉ để vun vén lợi ích cho các cá nhân, chụp giật và không minh bạch, đi ngược với luật pháp, với lợi ích chung… thì sớm muộn cũng bị đào thải và quên lãng, chẳng cần bàn đến làm gì!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!