Những câu hỏi từ vụ cổ phiếu ROS
Đóng cửa phiên 29/8, trong khi cổ phiếu ROS đang bị đình chỉ giao dịch thì các mã còn lại thuộc "họ" FLC đều giảm kịch biên độ trên các sàn, nhiều mã trắng bên mua như FLC, HAI, KLF, AMD. Bất cứ ai đang nắm trong tay các mã cổ phiếu này cũng đều không tránh khỏi đau xót.
Một trong những nguyên nhân tác động xấu tới tâm lý cổ đông "họ" FLC là từ ngày 5/9 tới, gần 567,6 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros - một thành viên thuộc hệ sinh thái này - sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết và 3 cá nhân khác là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung đã bị khởi tố bổ sung để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo cơ quan điều tra, từ năm 2014 đến năm 2016, các đối tượng đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán thì đã bán, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/2, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Tốc độ tăng vốn của FLC Faros (trước và sau khi lên sàn) quả là thần kỳ và con số mà các đối tượng chiếm đoạt theo cáo buộc của cơ quan chức năng cũng vô cùng khủng khiếp.
Với cáo buộc nêu trên, các bị can sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật và cần chờ phán quyết cuối cùng từ Tòa án. Dù vậy đến lúc này với những dữ liệu mà cơ quan chức năng đưa ra, chúng ta có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến sự việc.
Trước hết là với hành vi tăng vốn điều lệ khống (nếu có) như nêu trên, vì sao doanh nghiệp vẫn thuận lợi lên sàn và tồn tại từ năm 2016 cho đến nay? Thậm chí là trong quá trình đó, FLC Faros vẫn còn thêm lần nữa tăng vốn từ 4.300 tỷ đồng lên 5.676 tỷ đồng - mà doanh nghiệp đâu phải muốn phát hành tăng vốn là làm được ngay nếu không có sự phê duyệt của đơn vị quản lý?
Một chi tiết nữa là ngay tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2016 (trước thời điểm cổ phiếu ROS chính thức lên sàn ngày 1/9/2016), Công ty TNHH kiểm toán ASC đã nhấn mạnh: "Tại đợt tăng vốn điều lệ quý I/2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".
Như vậy, đằng sau quy trình lặp lại 18 lần chỉ trong một ngày này là gì, có liên quan đến việc tăng vốn điều lệ khống hay không?
Với thông tin được kiểm toán chỉ ra trong quá trình soát xét như vậy, song doanh nghiệp vẫn lên sàn, cổ phiếu "làm mưa làm gió", thị giá tăng chóng mặt lên hơn 200.000 đồng, từng được chọn lọc đưa vào rổ VN30 (30 cổ phiếu tiêu biểu của sàn HoSE) trước khi "bốc hơi" về mức giá "trà đá" quanh 2.000 đồng.
Đến nay, sau hành trình 6 năm của ROS trên thị trường chứng khoán, việc phân tích nguyên nhân và xác định trách nhiệm dẫu muộn, song có lẽ rất cần thiết. Cần thiết, bởi thứ nhất, đây là một vụ án hình sự, quan trọng hơn là để không lặp lại những sai lầm cũ.
Như đã đề cập ở trên, trong quá trình tăng vốn của FLC Faros trước niêm yết, có sự tham gia của nhiều cá nhân, vậy những người này liên quan như thế nào? Vai trò của các cơ quan quản lý về đầu tư, về chứng khoán, về kiểm toán ra sao trong quá trình nâng vốn, lên sàn của doanh nghiệp?
Nếu không tính thuế, phí giao dịch, một nhà đầu tư bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu ROS năm 2016, đến tháng 11/2017, số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng - mức lãi "siêu khủng". Nhưng nếu người đó vẫn giữ đến hiện tại, số vốn chỉ còn… gần 20 triệu đồng.
Có ý kiến nói rằng, những người giao dịch trên thị trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư của họ, thị trường hàng trăm mã vì sao lại "đâm đầu" vào cổ phiếu này hay cổ phiếu kia? Lúc có lợi nhuận sao không kêu mà đến khi thua lỗ mới kêu? Điều này chỉ đúng một phần, quan trọng nhất là cơ quan quản lý, giám sát phải tạo được môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp phát hành cổ phần và các nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu. Nếu như đến cả thị trường chứng khoán vốn được cho là minh bạch mà cũng phải "liều mạng" bỏ vốn, thì ai còn dám đầu tư nữa?!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!