Đừng để bi kịch nối bi kịch
Cho đến nay, vụ tai nạn giao thông làm bé gái 14 tuổi tử vong trên đường đi học về ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) vẫn chưa hết xôn xao dư luận. Có thể gọi đây là một vụ tai nạn mang tính bi kịch nối bi kịch. Tai nạn giao thông (ngày 4/9/2024) đã là một bi kịch, đáng tiếc là bi kịch tiếp theo lại xảy ra sau đó 9 tháng.
Trong vụ tai nạn giao thông trên, các cơ quan thụ lý vụ án ở địa phương đều khẳng định tài xế gây tai nạn không có lỗi, thậm chí lỗi có phần do nạn nhân. Không đồng tình, cha của nạn nhân liên tục làm đơn khiếu kiện nhưng bị bác đơn. Đau khổ và quẫn bách, ông dùng súng tự chế bắn tài xế gây tai nạn bị thương nặng rồi tự sát.
Câu chuyện ấy đúng là rất đau lòng, nước mắt hòa trộn với vị đắng, không ai muốn khoét sâu thêm nỗi đau, nhưng sự việc rất cần đặt ra để chúng ta cùng suy ngẫm.

Ảnh thực nghiệm hiện trường vụ tai nạn hồi tháng 9/2014 tại Vĩnh Long khiến cháu bé 14 tuổi tử vong (Ảnh: L.S).
Tuần trước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án tai nạn giao thông ngày 4/9/2024 tại ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn; đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo luật định. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, tài xế gây tai nạn vượt xe không đảm bảo an toàn, phía trước có chướng ngại vật, có xe ngược chiều.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khẩn trương kiểm tra toàn bộ hồ sơ giải quyết vụ tai nạn giao thông này, và kết quả kiểm tra cho thấy có căn cứ xác định hành vi điều khiển xe ôtô của tài xế có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"; đề nghị hủy các quyết định có hiệu lực liên quan đến vụ án.
Theo các thông tin hiện có, vụ việc có vẻ khá đơn giản, chỉ cần kiểm tra và thẩm định hồ sơ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đều có đủ cơ sở để đưa ra các đề nghị như nêu trên. Thế nhưng quá trình xử lý vụ việc trước đó ở địa phương thì lại không như vậy.
Rõ ràng, vụ việc rất cần được giải quyết "khách quan, toàn diện, triệt để", và "xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật". Tất cả những vấn đề liên quan cần được làm rõ.
Chúng ta luôn nêu cao khẩu hiệu "sống và làm việc theo pháp luật". Nhưng phải nghiêm túc thừa nhận, bên cạnh đa số cá nhân và tổ chức tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong mọi hoạt động của mình, thì có lúc ở nơi nọ hay nơi kia, việc đi tìm công lý không dễ dàng. Có lúc nó là cả một con đường dài vất vả, phức tạp, rối rắm. Có người phải hàng chục năm mới thấy công lý, có người "được vạ thì má sưng", tệ hơn nữa là có người chết rồi mà chưa nhìn thấy công lý. Những trường hợp như vậy ít hay nhiều đều làm ảnh hưởng đến niềm tin vào pháp luật.
Tình trạng tiêu cực, đùn đẩy, làm ngơ hoặc chậm xử lý các vụ việc khiếu kiện là có thật. Điều đó dẫn đến những hậu quả khó lường, nhẹ là gây bất bình trong một bộ phận người dân, nặng hơn nữa là dẫn đến khiếu kiện kéo dài hay khiếu kiện tập trung đông người. Đặc biệt là đôi khi dẫn tới hành động tự phát, mất kiểm soát.
Với vụ tai nạn giao thông ở huyện Trà Ôn, giá như các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật và hợp tình - hợp lý với những chứng cứ thuyết phục thì chắc hẳn không đến nỗi rơi vào tình trạng bi kịch nối bi kịch.
Bi kịch của vụ án không chỉ là nỗi đau của một gia đình, mà nó còn phản chiếu những vấn đề bức xúc cần sớm khắc phục. Đó là làm sao để cho công lý không bị thực thi sai lệch. Công lý phải được tới tận từng công dân.
Và bài học lớn nhất đối với công dân là nên thượng tôn pháp luật, bình tĩnh với những sự cố mà mình cảm thấy bị đối xử bất công. Cuộc sống là sự tổng hòa vô số các mối quan hệ, cho nên không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có lúc gập ghềnh và rất trắc trở. Điều cốt yếu là phải tin vào pháp luật, kiên trì đi tìm công lý, đừng để cho lòng người rối loạn mà có những hành vi cực đoan. Vì như vậy là vi phạm pháp luật, thiệt thân, ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình mình và gia đình người khác.
Hãy coi vụ tai nạn giao thông ở huyện Trà Ôn là một vụ việc phải ghi nhớ, phải rút kinh nghiệm.
Tác giả: Ông Lê Thanh Tâm là nhà báo với hơn 40 năm kinh nghiệm, từng công tác tại Đài tiếng nói TPHCM và báo Tuổi trẻ TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!