Tâm điểm
Lê Hồng Lâm

"Đỉnh" và "đáy" của phim Việt

Trong khi nhiều bộ phim quốc tế đang chiến thắng giòn giã tại phòng vé Việt Nam mùa phim hè thì những bộ phim của điện ảnh Việt Nam lại thay nhau thảm bại. Không chỉ trong năm nay, nhiều năm qua, cũng rất hiếm có phim Việt Nam chiến thắng phòng vé trong những tháng hè - mùa phim được xem là quan trọng nhất của những nền điện ảnh lớn trên thế giới. Tại sao có nghịch lý này?

Phim hè Việt Nam thay nhau… chết yểu

Theo dõi điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm, tôi ngạc nhiên khi chưa thấy một hiện tượng phòng vé nào được thiết lập trong mùa hè. Hầu hết những bộ phim lập kỷ lục doanh thu của điện ảnh Việt Nam đều rơi vào hai dịp lễ lớn trong năm là Tết Nguyên đán và dịp lễ 30/4-1/5. Một số phim có doanh thu khá tốt khác, thường rơi vào các dịp lễ cuối năm như Giáng sinh và năm mới.

Mùa phim hè luôn được xem là mùa phim có doanh thu quan trọng hàng đầu của Hollywood và nhiều nền điện ảnh trên thế giới, nhờ những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa. Những bộ phim bom tấn đậm chất giải trí được Hollywood tung ra trong dịp hè chinh phục khán giả khắp thế giới. Các nền điện ảnh lớn ở châu Á cũng có nhiều bộ phim lớn tung ra trong dịp hè, không chỉ chinh phục khán giả nước họ mà còn nhiều nước láng giềng.

Nhìn vào bảng doanh thu phim hè (tạm tính từ tháng 5 đến hết tháng 8) của phòng vé Việt Nam, nhiều bộ phim quốc tế đang ăn nên làm ra với mức doanh thu trên dưới 100 tỷ đồng và thay nhau lập kỷ lục. Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu trở thành bộ phim Nhật Bản ăn khách nhất tại Việt Nam với 147 tỷ đồng; hai bộ phim hoạt hình của Hollywood là Kẻ trộm mặt trăng 4 và Những mảnh ghép cảm xúc 2 đạt doanh thu tương ứng là 101 tỷ (vẫn còn tăng) và 85 tỷ; Gia tài của ngoại cũng lập kỷ lục trở thành phim Thái ăn khách nhất mọi thời tại Việt Nam (88 tỷ đồng). Ngay cả điện ảnh Hongkong, vốn vắng bóng trên rạp chiếu bóng của Việt Nam cũng trở lại ngoạn mục với Cửu Long Thành Trại: Vây thành với doanh thu xấp xỉ 50 tỷ đồng…

Điện ảnh Việt, sau khi lập kỷ lục trong hai dịp lễ lớn là Tết Nguyên đán với phim Mai của Trấn Thành (doanh thu 551 tỷ đồng) và dịp lễ 30/4-1/5 với Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải (482 tỷ đồng), đã hoàn toàn thua cuộc trong mùa phim hè.

Không chỉ không cạnh tranh được với các bộ phim quốc tế, doanh thu đáng báo động của những bộ phim Việt phát hành dịp hè cũng phản ánh thị trường điện ảnh nội địa đang phát triển một cách cực đoan. Điện ảnh Việt, hoặc tạo ra những bộ phim áp đảo phòng vé và tạo ra những cuộc tranh luận rôm rả trên truyền thông và mạng xã hội, hoặc bị khán giả "bơ đẹp", rơi vào cảnh ế ẩm đến thảm thương, từ doanh thu phòng vé đến sự im lặng đáng sợ của khán giả.

Đỉnh và đáy của phim Việt - 1

Một cảnh trong phim "Móng vuốt" (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).

Ngoài những bộ phim Việt từ thua lỗ đến mất trắng hoàn toàn tiền đầu tư trong bốn tháng đầu năm như Cái giá của hạnh phúc (26 tỷ đồng), Quý cô thừa kế 2 (6,4 tỷ), Trước giờ yêu (3,8 tỷ), Sáng đèn (3,4 tỷ), Trà (1,6 tỷ) và Đóa hoa mong manh (430 triệu đồng); mùa phim hè tiếp tục ghi nhận thêm sự thất bại của những bộ phim như Mùa hè đẹp nhất (4 tỷ đồng), Móng vuốt (3,8 tỷ), Án mạng lầu 4 (chưa đến 2 tỷ). Một số bộ phim trong số này không đáng phải nhận cái kết đắng như vậy vì xét ở góc độ chuyên môn, đó vẫn là những bộ phim "coi được" và có tìm tòi về thể loại hoặc đề tài, như Móng vuốt, Sáng đèn hay Mùa hè đẹp nhất.

Trong số các bộ phim nói trên, sự thất bại của Móng vuốt có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất và cho thấy một bài học chưa bao giờ cũ với phim Việt: thử nghiệm không phù hợp với thị hiếu khán giả Việt Nam. Bộ phim kinh dị về đề tài sinh tồn của đạo diễn Lê Thanh Sơn, người từng thắng lớn với bộ phim Em chưa 18 tạo cú hích cho thị trường điện ảnh Việt cách đây 7 năm không đáng để bị thua đau như thế. Có lẽ nếu tiếp tục với dòng phim rom-com như dự tính làm phần tiếp theo có tên là Em trên 18 chẳng hạn, anh có thể trở thành đạo diễn của nhiều bộ phim trăm tỷ.

Thay vào đó, Lê Thanh Sơn lựa chọn thử thách bản thân với một bộ phim thuộc đề tài sinh tồn vốn xa lạ với thị hiếu khán giả Việt Nam. Kết quả, bộ phim mất nhiều năm sản xuất và công sức, tiền bạc đầu tư thuộc loại lớn của phim Việt đã nhận thất bại đắng cay tại phòng vé với doanh thu chưa đầy 4 tỷ đồng. Bất chấp dàn diễn viên trẻ và kỹ xảo không đến nỗi nào, khán giả Việt tỏ ra thờ ơ với bộ phim sinh tồn vì một câu chuyện mà họ thấy xa lạ và không liên hệ được với cảm xúc cá nhân.

Thất bại của Móng vuốt, theo lý giải của tôi, cũng như trường hợp Người mặt trời của đạo diễn Timothy Bùi năm ngoái, đều là những thử nghiệm sai lầm nằm ngoài thị hiếu của khán giả Việt. Trong văn hóa của người Việt Nam, hầu như không ai bị ám ảnh chuyện bị gấu tấn công hay những con ma cà rồng sinh sống ngay tại TPHCM.

Một lý do khác khiến phim hè của Việt Nam luôn thất bại là các nhà sản xuất và đạo diễn chưa thực sự chú trọng vào mùa phim quan trọng này. Những dự án phim tung ra vào mùa hè đều là những bộ phim vừa và nhỏ, các đạo diễn chưa có thương hiệu cá nhân, chiến dịch truyền thông yếu ớt và có lẽ cả tâm lý sợ đối đầu với các phim bom tấn Hollywood và các nền điện ảnh lớn ở châu Á dồn dập tung ra vào mùa hè. Đó là những lý do chính khiến phim Việt thua cuộc hoàn toàn trong mùa phim hè, hết năm này đến năm khác. Nếu không có một chiến lược để thay đổi một cách quyết liệt, đặc biệt là thay đổi tâm lý mặc cảm tự ti của các nhà làm phim nội địa, mùa phim hè tiếp tục là "lời nguyền" của những bộ phim Việt Nam trong những năm tới nữa.

Đỉnh và đáy - sự mất cân bằng của thị trường điện ảnh Việt

Xét về mặt doanh thu phòng vé, điện ảnh Việt vẫn trên đà tăng trưởng tốt, thậm chí tốt hàng đầu trong khu vực châu Á và trên thế giới. Năm ngoái, doanh thu phòng vé phim nội địa Việt Nam xấp xỉ 1.600 tỷ đồng, tăng 25% so với mốc kỷ lục cũ được thiết lập vào năm 2019, dù số lượng phim phát hành thấp hơn nhiều.

Còn trong năm nay, dự tính đến hết tháng 7/2024, doanh thu phim Việt đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Dù vậy, sự tăng trưởng của điện ảnh Việt đang rơi vào sự mất cân bằng nghiêm trọng khi tạo ra hai cái đỉnh và đáy ngày càng cách biệt nhau. Nếu Mai của Trấn Thành và Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải vươn đến những con số kỷ lục trên dưới 500 tỷ đồng, thu hút được 6-7 triệu lượt khán giả đến rạp thì ngược lại, có rất nhiều bộ phim Việt phải ngậm ngùi cay đắng rời rạp với chỉ vài tỷ hoặc tệ hơn là vài trăm triệu đồng.

Đỉnh và đáy của phim Việt - 2

Khán giả xếp hàng mua vé xem phim tại rạp (Ảnh: Mộc Khải).

Hiện nay, số tiền sản xuất đầu tư một phim chiếu rạp ở Việt Nam thường rơi vào mức kinh phí dao động khoảng 20-40 tỷ đồng (phim độc lập ở mức trên dưới 10 tỷ đồng). Trừ đi chi phí ăn chia với rạp chiếu và marketing, một bộ phim Việt phải đạt doanh thu từ 50 đến 80 tỷ đồng (khoảng trên dưới 20 tỷ đồng với phim độc lập) mới được coi là hòa vốn. Với những bộ phim Việt có doanh thu khoảng vài tỷ đồng (hoặc vài trăm triệu đồng) nói trên, sự thất bại mà các bộ phim thua lỗ phải gánh chịu là rất nặng nề.

Đó là lý do khiến thị trường điện ảnh Việt, dù vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt, vẫn là một thị trường đầy rủi ro và mạo hiểm trong đầu tư. Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng mới đây, bà Ngô Phương Lan, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, chia sẻ rằng có hơn 500 hãng phim Việt được cấp giấy phép để hoạt động, nhưng con số các hãng phim hoạt động thực sự chỉ có khoảng 30-40 hãng phim.

Theo tôi, trên thực tế, con số hãng phim hoạt động thực sự còn thấp hơn nếu chỉ tính các phim sản xuất để chiếu rạp. Và có hơn 70% hãng phim trong số này đầu tư thua lỗ, được thể hiện qua hàng loạt bộ phim Việt thất bại mỗi năm.

Thị trường điện ảnh Việt chỉ thực sự phát triển lành mạnh và thúc đẩy các hãng phim hoạt động năng nổ nếu khoảng cách giữa đỉnh và đáy được thu hẹp lại. Và bên cạnh những bộ phim phá kỷ lục phòng vé thu đến hàng trăm tỷ đồng như Trấn Thành và Lý Hải đã làm được trong vài năm qua để khai phá thị trường, điện ảnh Việt cần phải có một nhóm các nhà làm phim trụ "ở giữa" để cân bằng lại, với những bộ phim đạt doanh thu từ khoảng 80-150 tỷ đồng. Năm ngoái, Nguyễn Quang Dũng (Đất rừng phương Nam), Victor Vũ (Người vợ cuối cùng), Vũ Ngọc Đãng (Chị chị em em 2 và Con Nhót mót chồng), Võ Thanh Hòa (Siêu lầy gặp siêu lừa) và Lưu Thanh Luân (đạo diễn phim đầu tay Quỷ cẩu) đã làm tốt điều này, giúp cho phim Việt lần đầu tiên có tới 7 phim đứng đầu trong top 10 phim ăn khách nhất năm.

Năm nay, bên cạnh hai cái đỉnh do Trấn Thành và Lý Hải thiết lập, mới chỉ có bộ phim Gặp lại chị bầu của Nhất Trung gần chạm mốc 100 tỷ đồng. Chỉ còn vài tháng nữa để phim Việt thu hẹp khoảng cách giữa đỉnh và đáy này với một số phim tung ra vào những tháng cuối năm.

Đây là một thách thức không nhỏ để thu hút khán giả tới rạp và tạo thế cân bằng cho điện ảnh nội địa. Bởi nếu không phá vỡ được thế mất cân bằng này sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu cho thị trường: "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra".

Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!