Tâm điểm
Bích Diệp

"Đặt hàng" các tỷ phú đô la

Các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức hàng năm thường được ví như "hội nghị Diên Hồng" trong lĩnh vực kinh tế.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp năm nay được tổ chức sớm, đúng theo tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu tại Hội nghị của Ban Bí thư Trung ương hôm 4/2: "bắt tay ngay vào công việc sau nghỉ Tết", "không ăn Tết kéo dài".

Đặt hàng các tỷ phú đô la - 1

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Năm nay, hội nghị có thêm điểm mới. Ngoài đối thoại chính sách, Thủ tướng còn "huy động nguồn lực" một cách trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp, mời doanh nghiệp tham gia vào những dự án cụ thể, có quy mô, tầm vóc rất lớn.

Những dự án được Thủ tướng nêu ra là: đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân…

Bên cạnh đó là một số đầu việc lớn, gồm: tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…

Thủ tướng nêu rõ, trong các việc lớn nói trên của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ở đây có mấy thông điệp: Một là, Chính phủ thể hiện sự tin tưởng vào tiềm lực, khả năng của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và sẵn sàng trao cơ hội để các doanh nghiệp Việt được tham gia những dự án trọng điểm của đất nước.

Hai là, Chính phủ đặt kỳ vọng vào sự đóng góp của khối doanh nghiệp nội, với sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn ở những nhiệm vụ trọng đại sắp tới.

Ba là, về phía doanh nghiệp, ai có năng lực đến đâu thì đăng ký. Điều quan trọng là "không tư lợi".

Hơn nữa, trong cuộc gặp giữa một bên là lãnh đạo Chính phủ và một bên là các lãnh đạo doanh nghiệp thì "lời mời" của Thủ tướng rất cụ thể và rất thực tế, không hề "đãi bôi".

Bằng chứng rõ nét là vừa qua, Thủ tướng đã "đặt hàng" tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao; tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao; tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…

Cách đây không lâu, Thủ tướng cũng cho biết đã đề nghị ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TPHCM đến huyện Cần Giờ.

Vấn đề là, Chính phủ kỳ vọng và tạo điều kiện là một chuyện còn các doanh nghiệp có tự tin đủ năng lực để chớp lấy cơ hội hay không?

Tại hội nghị, ông Trần Bá Dương cam kết tập trung tham gia làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép theo chỉ đạo trước đó của Thủ tướng. "Tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành", Chủ tịch THACO nói tại hội nghị.

Còn Chủ tịch Hòa Phát cam kết đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng công ty đường sắt để làm dự án. "Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, Hòa Phát cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu", ông Trần Đình Long cho hay.

Trên đây là sự quả quyết của 2 trong số 6 tỷ phú USD của Việt Nam và là lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp. Nếu làm được như lời 2 vị đó, rõ ràng sẽ tiết kiệm được đáng kể nguồn lực và mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, xã hội và đất nước.

Quan sát thấy rằng, trước đây, trong danh sách những người giàu nhất hầu hết là các doanh nhân thuộc lĩnh vực bất động sản. Hiện nay, ngày càng có nhiều thêm sự xuất hiện của những doanh nhân thuộc lĩnh vực khác như công nghiệp ô tô, cơ khí, bán lẻ, hàng không… Ngay cả một số tập đoàn bất động sản hàng đầu cũng chuyển dịch sang lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, công nghệ.

Đặt hàng các tỷ phú đô la - 2

Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Qua số liệu cung cấp tại hội nghị, quy mô và đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước ghi nhận sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh, lực lượng doanh nghiệp đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Chúng ta không phủ nhận vai trò của FDI (và tương lai vẫn tiếp tục thu hút mạnh mẽ hơn nữa), nhưng một nền kinh tế mạnh và tự chủ phải xuất phát từ sức mạnh của doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc.

Xin nhắc lại mối băn khoăn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại một sự kiện hôm 15/1. Ông đề nghị "nhìn sâu" vào những con số báo cáo "có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào" về thành tích xuất khẩu, gia công phần mềm…; nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.

Chúng ta tự hào về "made in Vietnam" (sản xuất ở Việt Nam) nhưng càng cần hơn là "made by Vietnam" (sản xuất bởi Việt Nam) và để làm được là cả một cuộc cách mạng, cần sự bứt phá, đồng thuận và đoàn kết.

Khi mà lực lượng doanh nghiệp Việt chủ yếu vẫn quy mô vừa và nhỏ (chiếm đến 98%) thì vai trò của 2% còn lại rất quan trọng. Họ là những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, sử dụng lao động lớn và được kỳ vọng là "sếu đầu đàn" - tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế. Với vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", nhóm 2% này sẽ chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Trong loạt giải pháp mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở tại hội nghị, tôi chú ý đến việc tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là "đột phá của đột phá", tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chính phủ quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể".

Một cuộc gặp với mục tiêu rất rõ ràng với những con người, đầu việc cụ thể. Sự kiện này diễn ra trong không khí khẩn trương, bắt tay vào công việc ngay từ đầu năm để đạt được mục tiêu mà Trung ương đã giao: tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Ngay trước khi gặp các doanh nghiệp thì Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực.

Với khí thế phấn khởi đầu năm mới của doanh nhân, doanh nghiệp cả nước cùng thông điệp của Thủ tướng: Chính phủ, bộ, ngành, địa phương "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", hơn cả mục tiêu các con số tăng trưởng, người dân còn chờ đợi được chứng kiến các đại công trình, cơ sở hạ tầng Việt với công nghệ Việt, bởi các doanh nghiệp Việt trong tương lai.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!