Tâm điểm
Nguyễn Cảnh Bình

Đặt điện thoại xuống, cầm cuốn sách lên

Vậy là mùa hè đã tới, trẻ em được ở nhà mà không phải đến trường. Nhiều phụ huynh hỏi tôi "bọn trẻ suốt ngày chỉ xem tivi, rồi cầm điện thoại chơi game, làm thế nào để các con chịu đọc sách". Câu hỏi làm tôi nhớ đến tuổi thơ "đói khát" của mình.

Những năm tháng ấu thơ của tôi gắn với cái nghèo. Thật ra trong ký ức của tôi thì khi ấy nhà nào cũng nghèo. Cuộc sống của một gia đình cán bộ nhà nước như bố mẹ tôi, với 5 miệng ăn, là rất chật vật với số lượng tem phiếu được cấp theo quy định. Cũng như các gia đình khác, sống ở trung tâm Hà Nội song nhà tôi phải nuôi vài con lợn, dăm bảy con gà, nhận thêm những việc như cuốn thuốc lá, bóc lạc thuê… để có tiền cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Thế giới tinh thần của tôi và đám bạn cùng tuổi hồi ấy hầu như không có gì ngoài những trò chơi trẻ con tự nghĩ ra. May mắn cho tôi là mẹ tôi có thói quen đọc sách, nên trong tủ sách gia đình có các tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn và một số đầu sách khác. Trên đường từ cơ quan mẹ tôi - trường đại học Dược - về nhà đi qua phố Lê Văn Hưu và Hàn Thuyên có một cửa hàng cho thuê sách truyện. Mẹ tôi đi qua đó hay thuê truyện mang về. Thế là chúng tôi được đọc rất nhiều, cả sách mẹ mượn ở cơ quan lẫn sách thuê.

Đặt điện thoại xuống, cầm cuốn sách lên - 1

Bố mẹ hãy chọn những cuốn sách phù hợp với độ tuổi, sở thích của trẻ để giữ cho trẻ hứng thú và động viên đọc nhiều hơn (Ảnh minh họa: CV)

Nhờ sách mà tôi "bước ra" được ngoài không gian sống chật chội của gia đình, của khu phố thời bao cấp, hiểu biết hơn về lịch sử, về đất nước, về những danh nhân, anh hùng dân tộc… Lớn lên một chút thì tôi được đọc báo, các tài liệu tham khảo mà bố tôi đưa về nhà. Tôi dần nhận ra rằng ngoài kia, ngoài cái thế giới đơn giản tôi đang sống là những điều mà mình không được biết. Những gì tôi đọc đã định hình nên con người tôi về sau.

Không như thời của chúng tôi, bọn trẻ bây giờ có quá nhiều thứ để vui chơi, giải trí, trong tivi hay trong chiếc điện thoại thông minh có phim ảnh, game, mạng xã hội… mà chúng có thể "giết" thời gian hàng giờ đồng hồ liền không chán. Vậy nên làm thế nào để các con "đặt điện thoại xuống, cầm cuốn sách lên" là một việc vô cùng khó.

Ở đây tôi chia sẻ một số kỹ năng mà các bậc cha mẹ và nhà trường có thể thực hiện để khuyến khích bọn trẻ đọc sách.

1. Tạo thói quen đọc hàng ngày: Cố gắng tập cho con thói quen đọc sách từ nhỏ, có thể ban đầu bạn phải đọc cho con nghe, tốt nhất là trước khi đi ngủ và rồi dần dần đứa trẻ sẽ hình thành thói quen tốt.

Kể cả khi con bạn còn quá nhỏ, hãy để trên đầu giường con vài cuốn sách cho chúng quen với sách, mặc kệ chúng có thể xé hoặc gấp lộn xộn, đừng lo. Dành thời gian cố định mỗi ngày để đọc sách, giúp trẻ xây dựng thói quen và yêu thích việc đọc là một trong những thói quen tuyệt vời tốt và có giá trị cho cả cuộc đời trẻ. Con gái tôi, cháu Bình Minh khi mới biết bò đã cầm lấy những cuốn sách và lớn hơn, cháu xếp những cuốn sách đó thành chiếc tàu hỏa, mỗi cuốn sách là một toa tàu dù cháu chưa biết đọc gì.

2. Chọn sách phù hợp lứa tuổi: Chọn những cuốn sách phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ để giữ cho trẻ hứng thú và động viên đọc nhiều hơn. Hãy kiếm tìm những cuốn khơi gợi trí tò mò, những câu chuyện cổ tích thực sự tuyệt vời.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, bộ não trẻ thực sự phát triển nhờ trí tưởng tượng, vì thế, hãy đọc những chuyện cổ tích, chuyện viễn tưởng khoa học cho trẻ… Truyện cổ tích là "những món ăn bổ nhất cho não của trẻ".

3. Đọc to và đối thoại cùng trẻ: Thường xuyên đọc to cho trẻ nghe, giúp cải thiện kỹ năng ngữ âm và ngữ điệu của trẻ. Sau khi đọc xong, hãy thảo luận về nội dung, nhân vật và đôi khi dừng lại trò chuyện và đặt ra những câu hỏi với trẻ. Hãy hỏi và phát triển câu chuyện, phát triển trí tưởng tượng kể cả khi câu trả lời của trẻ ngô nghê.

Khi con gái tôi còn nhỏ, tôi luôn đặt ra câu hỏi, khơi gợi trí tưởng tượng của cháu. Ví dụ cháu thích làm bánh, tôi hỏi khi con lớn, con có muốn mở một cửa hàng làm bánh không? Cháu nói có, thì tôi lại hỏi, con muốn chọn cái tên nào cho hiệu bánh? Con muốn mở hiệu bánh ở đâu…

4. Khám phá các thể loại khác nhau: Cho trẻ đọc vài thể loại sách khác nhau như truyện cổ tích, khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết, sách khoa học, hay ngay cả các bài báo ngắn, thú vị.

Những tin ngắn, về những đứa trẻ xung quanh, về thành tựu, về giải thưởng, về những đứa trẻ ngoan hoặc kể cả việc đứa trẻ nào đó có thành tích hay tài năng gì nổi bật cũng nên đọc cho trẻ biết, khơi gợi cho chúng những bầu trời, ý tưởng mới. Đừng lo chúng không hiểu, v.v.

5. Sử dụng công cụ hỗ trợ đọc sách: Các ứng dụng và trang web như audiobooks, ebooks và phim hoạt hình, minh họa… sẽ làm cho việc đọc sách trở nên thú vị và đa dạng hơn. Đừng cho trẻ xem những thứ đó cả ngày, nhưng đừng sợ đến nỗi cấm đoán chúng. Con gái tôi giờ đây được mệnh danh là "Nữ hoàng Google" ở trường cấp 3 nhờ những khám phá với iPad khi cháu còn rất nhỏ.

6. Khuyến khích trẻ viết nhật ký khi đọc sách hoặc bất cứ ghi chép gì: Động viên và khen ngợi cháu ghi lại những cuốn sách đã đọc, cảm nhận và những gì đã học được sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng viết và tư duy phản biện. Cứ viết ra giấy, lưu lại làm kỷ niệm cho cháu, và xem trẻ trưởng thành, tiến bộ thế nào.

Thật tuyệt vời khi trẻ nhìn thấy những dòng chữ ngô nghê của mình khi bé, nhưng cách viết những suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc của trẻ còn mang lại nhiều phát triển trí tuệ và cảm xúc, trí tưởng tượng cho trẻ hơn là những bài tập máy móc/công thức ở trường.

7. Tham gia câu lạc bộ (CLB) đọc sách: Các trường học, các thầy cô giáo & ngành giáo dục phải dành công sức phát triển các CLB đọc sách ở mọi cấp độ, ở mọi lớp học. Thầy cô và phụ huynh không thể biết được việc hình thành CLB này sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn lao với trẻ. Cha mẹ hãy động viên con tham gia các câu lạc bộ đọc sách cho trẻ em ở trường hoặc tổ dân phố để trẻ có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ bạn bè. Đôi khi, chúng sẽ tìm được những người bạn tuyệt vời từ môi trường này chứ không chỉ từ lớp học.

8. Tạo không gian đọc sách thoải mái: các bạn hãy tạo một góc đọc sách yên tĩnh và thoải mái tại nhà để trẻ có thể tập trung đọc sách mà không bị xao lãng. Thông thường đó chính là bàn học nhưng cũng có thể tạo thêm không gian nhỏ ngoài vườn hay một góc nào đó trong nhà để trẻ không thấy nhàm chán, gò bó như là phải học, làm bài tập vậy. Nếu nhà bạn có khu vườn, đó thật tuyệt, nhưng nếu ở khu phố/chung cư có một không gian đẹp nào đó, hãy cho trẻ xuống đó.

9. Thực hiện các hoạt động sau khi đọc: Tạo ra các hoạt động như vẽ tranh, làm thủ công hoặc diễn kịch dựa trên nội dung cuốn sách để trẻ có thể kết nối sâu hơn với câu chuyện và phát triển sự sáng tạo. Vẽ tranh là cách vô cùng tuyệt vời giúp trẻ phát triển trí não bằng việc kết nối ngôn ngữ và hình ảnh. Đóng kịch với trẻ, hay bắt chước các nhân vật cũng là cách tuyệt vời khác.

Nhiều năm trước, tôi và con gái còn đưa ra sáng kiến là phát triển tiếp chuyện Kính Vạn hoa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi và cháu thi nhau nghĩ ra ý tưởng mới cho Tập 9, tưởng tượng câu chuyện cháu Bi Ngố (tên thường gọi ở nhà) đầu năm lớp 5 được chuyển vào học cùng lớp với Tiểu Long, nhỏ Hạnh, Quý "ròm", và rất nhiều trò siêu quậy được hai bố con tưởng tượng ra. Đó chắc hẳn là cách thức tôi và cháu đóng kịch, lập luyện trí tưởng tượng và tập luyện sáng tạo…

Roald Dahl, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, từng nói rằng "Tôi có niềm đam mê dạy trẻ em trở thành những người đọc sách, để chúng trở nên thoải mái với sách, không bị đe dọa. Sách không nên là một thử thách, sách cần vui nhộn, hấp dẫn và tuyệt vời; và học cách trở thành một người biết đọc sách mang lại một lợi thế tuyệt vời khi trẻ trưởng thành".

Chúc các bạn nhỏ có một mùa hè vui nhộn, hấp dẫn không chỉ với các thiết bị điện tử mà cả với những cuốn sách.

Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!