Chuyện không nhỏ với cán bộ lớp, sao đỏ trong trường học
Một nữ sinh lớp 7 tát bạn vì tiết lộ bí mật. Mẩu chuyện có vẻ vụn vặt giữa 2 đứa trẻ bỗng gây xôn xao mạng xã hội những ngày gần đây.
Chuyện có lẽ sẽ không có gì để phải bàn tán nhiều nếu nữ sinh sử dụng bạo lực với bạn không phải là lớp trưởng và nếu như bạn lớp trưởng này không bị tố là đã từng đánh rất nhiều bạn từ năm học lớp 6 trong khi học sinh, phụ huynh đều biết mà ngại không dám nói.
Nội dung gây chú ý hơn đối với tôi là cuộc họp được triệu tập đột xuất giữa hiệu trưởng nhà trường, trưởng ban đại diện phụ huynh và toàn thể cha mẹ học sinh trong lớp.
Theo thông tin được báo chí đăng tải thì tại cuộc họp nói trên, các bậc cha mẹ học sinh thẳng thắn trao đổi, phản ánh phương pháp tổ chức, quản lý, giáo dục của giáo viên chủ nhiệm là không phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm giao quyền quản lý cho lớp trưởng và lớp trưởng đã thực hiện nhiệm vụ của mình không đúng quy định.
Cụ thể, khi các bạn mắc lỗi thì lớp trưởng phạt bằng hình thức trực nhật lớp hoặc đứng lên ngồi xuống nhiều lần; đôi khi do bức xúc, lớp trưởng có hành vi đánh bạn. Không đồng tình với phương pháp quản lý, giáo dục của giáo viên chủ nhiệm, nhiều phụ huynh có ý kiến đề nghị thay giáo viên chủ nhiệm lớp.
Dễ thấy trong câu chuyện trên, em lớp trưởng dẫu sai thì vẫn chỉ là một đứa trẻ, cần được nhà trường, giáo viên quan tâm, bảo ban, chỉ dẫn. Phụ huynh không trách trẻ con, mà trách người lớn, mà cụ thể là giáo viên chủ nhiệm với chức trách, bổn phận của mình đã không lựa chọn được một phương pháp giáo dục hợp lý, dẫn đến hệ lụy xấu với học sinh.
Chẳng riêng gì lớp học trên. Có thể còn rất nhiều lớp học khác trên cả nước, rất nhiều giáo viên chủ nhiệm đang lựa chọn cách "trao quyền" cho cán bộ lớp, nhiều nhà trường đang sử dụng hệ thống sao đỏ như một "công cụ kiểm soát", thiết lập trật tự trường học. Và rồi, "lạm quyền" xuất hiện trong thế giới học đường, trở thành một vấn nạn kéo dài nhiều năm, ám ảnh nhiều thế hệ mà đến tận bây giờ, thật ngạc nhiên là vẫn chưa thay đổi.
Có những học sinh sợ đến trường, không phải vì bài vở hay thi cử, mà nhiều khi bởi nỗi khiếp sợ trước các "thế lực" vốn được thầy cô tin tưởng, giao phó trách nhiệm. Sự bắt bẻ, soi mói từng lỗi nhỏ, trách phạt, chỉ trích… khiến trẻ mất tự tin và thậm chí bị cô lập và bắt nạt. Về phía những cán bộ lớp, sao đỏ, nếu không ý thức đúng đắn nhiệm vụ được giao mà "cậy thế", lấy làm oai, không gương mẫu thì chính bản thân các em cũng rất dễ phát triển lệch lạc.
Tất nhiên nếu như các học sinh được giao làm nhiệm vụ sao đỏ, quản lý lớp có sự hướng dẫn và dặn dò hợp lý của giáo viên, người phụ trách thì sẽ tạo ra văn hóa nề nếp tốt cho các học sinh trong lớp, trong trường và cho chính bản thân các em.
Con tôi học tiểu học, phụ huynh không được đưa các cháu vào trường. Tôi từng chứng kiến các thành viên trong đội sao đỏ (thường là lớp lớn) khi gặp những em nhỏ phải mang cặp quá nặng, sẽ thay nhau mang hộ, dẫn các em vào lớp. Sự lễ phép và nhiệt thành của các bạn sao đỏ rõ ràng đã mang lại hình ảnh rất đẹp về môi trường học đường, ít nhất cũng khiến một phụ huynh như tôi cảm thấy tin tưởng, an lòng.
Như vậy, vấn đề không hẳn nằm ở cán bộ lớp hay sao đỏ mà nằm ở cách tiếp cận, cách quản lý của nhà trường và sự hướng dẫn của giáo viên.
Với một lớp học 30-40 học sinh, giáo viên chủ nhiệm khó lòng quán xuyến và sát sao, chính vì vậy, cán bộ lớp thường được coi như sợi dây liên kết để giáo viên nắm bắt nhanh nhạy hơn các vấn đề xảy ra trong lớp. Nhưng, thay vì việc thông qua cán bộ lớp để giáo viên trở nên gần gũi, hiểu hơn về hoàn cảnh, về những vấn đề của từng học sinh trong lớp thì có những nhà trường, giáo viên lại đang sử dụng các chức danh này nhằm mục đích "quản lý".
Để học sinh tự quản có thể giúp phát huy sự tự lập, ý thức với tập thể và kỹ năng mềm của học sinh, đồng thời giảm đầu việc cho giáo viên, tuy nhiên, không thể là sự mặc kệ và phó thác hoàn toàn cho cán bộ lớp. Đó là chưa kể còn trường hợp thầy cô có biểu hiện trù dập, hoặc bao che, dung túng, thiên vị, để xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong lớp học.
Giáo viên chủ nhiệm bằng kỹ năng sư phạm và khả năng nắm bắt tâm lý độ tuổi cần phải đồng hành và theo sát các học sinh của mình để kịp thời giải quyết những vướng mắc. Thực tế, thời gian học sinh ở trường với bạn bè, thầy cô còn nhiều hơn ở nhà, cho nên thế giới học đường vô cùng phong phú và phức tạp. Một số giáo viên lâu năm chia sẻ với tôi rằng, để có thể hỗ trợ kịp thời học trò không chỉ trong vấn đề học tập mà cả những vấn đề đời sống, họ phải mất ăn mất ngủ, dành rất nhiều tâm huyết để lắng nghe và tìm giải pháp, trở thành một người cha người mẹ, người anh người chị của học trò.
Thầy, cô giáo nếu không có đủ sự bao dung và tình yêu thương, quan tâm đến học trò, thì có thể, những cá nhân đó không phù hợp với một công việc yêu cầu đạo đức nghề nghiệp, khả năng sư phạm bên cạnh trình độ chuyên môn như nghề giáo viên.
Sâu xa hơn và để giải quyết tận gốc của vấn đề, chúng tôi nghĩ, vẫn phải dẹp được căn bệnh thành tích, tính hình thức trong ngành giáo dục. Hình ảnh một nhà trường đẹp, trước hết phải ở trong cảm nhận của chính phụ huynh, học sinh đang theo học về một môi trường an toàn và lành mạnh, cho phép các em sống vô tư, hồn nhiên đúng lứa tuổi, chứ không phải thể hiện qua số liệu báo cáo, qua tỷ lệ học sinh giỏi, giáo viên giỏi hàng năm.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!