"Chụp hình, lĩnh thưởng"
Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1, cho phép thực hiện cơ chế chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, với mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Chúng ta có thể hiểu được vì sao quy định này được dư luận quan tâm, và bước đầu đã có những ý kiến khác nhau về cách thức áp dụng việc "chụp hình, lĩnh thưởng" trong thực tế ("lĩnh thưởng" đặt trong ngoặc kép vì Nghị định 176 sử dụng cụm từ "hỗ trợ" cho người cung cấp thông tin về vi phạm hành chính). Đơn giản vì giao thông là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến mọi người, mọi nhà và mức chi tối đa lên tới 5 triệu đồng/vụ việc là khoản tiền đáng kể.
Ngoài ra, nhiều người băn khoăn chuyện "chụp hình, lĩnh thưởng", vì nhìn ở góc độ quan hệ xã hội thì dường như đó là việc bạn cung cấp thông tin về vi phạm của người khác, người ấy bị phạt còn bạn được nhận hỗ trợ.
Trước hết cần khẳng định là ở thời điểm hiện nay, việc "thưởng tiền" theo Nghị định 176 chưa được triển khai do thiếu các hướng dẫn chi tiết của cơ quan thi hành về phương thức tiếp nhận, xác thực thông tin, chi trả "tiền thưởng".
Trở lại với băn khoăn nêu trên, trong tình huống giả thiết là bạn mong muốn người vi phạm chịu phạt với mức tiền càng nhiều càng tốt (để bạn được "trích" tối đa 10%)? Khi nhận quyết định xử phạt, người vi phạm buồn bã còn bạn vui sướng. Ở đây có gì đó không ổn về khía cạnh quan hệ xã hội, cho dù bạn có thể tự an ủi bản thân rằng người kia bị chịu phạt là chính đáng vì anh ta vi phạm pháp luật, và bạn đang góp sức giúp cơ quan chức năng thực thi công vụ có hiệu quả.
Với những người không tán thành cơ chế chi hỗ trợ vì băn khoăn này, lập luận chủ yếu tập trung ở khía cạnh: Việc khuyến khích người dân cung cấp thông tin vi phạm cần xuất phát từ tinh thần tự giác và trách nhiệm với cộng đồng. Khi gắn liền hành động này với "phần thưởng", ai đó thay vì hành động vì lợi ích chung có thể bị cuốn vào tư duy trục lợi.
Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ khi chúng ta cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về việc anh X vượt đèn đỏ, thì rõ ràng không làm thay đổi bản chất là anh X đã thực hiện một hành vi vi phạm hành chính, và đó là một hành vi đáng lên án (về mặt đạo đức) cũng như đáng bị phạt (về mặt pháp lý).
Dĩ nhiên không thể tránh khỏi những ý kiến trái chiều, nhưng tôi cho rằng nhà quản lý đã chọn một giải pháp phù hợp với thực trạng giao thông ở Việt Nam lâu nay.
Cơ chế giám sát cộng đồng này được quy định trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, và đã được áp dụng có hiệu quả trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, pháp luật xây dựng quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phải công khai nội dung giấy phép xây dựng (bảng hiệu ghi thông tin công trình) tại địa điểm thi công để mọi người theo dõi và giám sát, nếu không thực hiện thì có thể bị xử phạt hành chính. Pháp luật về đầu tư cũng quy định về quyền giám sát đầu tư của cộng đồng…
Tôi cho rằng giải pháp này mang lại lợi ích chung cho cộng đồng, bởi về lâu dài, nó sẽ cải thiện ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Hiện nay, một bộ phận người dân thường chỉ tuân thủ luật lệ khi thấy cảnh sát giao thông trên đường, chẳng hạn trước vạch đèn đỏ, nếu thấy cảnh sát thì họ dừng lại, không thấy cảnh sát thì họ ngang nhiên đi tiếp - tức là họ chỉ tuân thủ luật bởi "sợ cảnh sát giao thông". Khi triển khai phạt nguội, họ có thêm nỗi sợ khác: "sợ camera giám sát".
Nhưng cảnh sát giao thông hay camera giám sát cũng không xuể, khi có thêm "vũ khí" lợi hại hơn hẳn: hàng triệu chiếc điện thoại có gắn camera của cộng đồng, thậm chí các thiết bị quay phát chuyên dụng…, người dân sẽ định hình ý thức buộc phải tuân thủ pháp luật và về lâu dài, từ việc bị "cưỡng chế" tuân thủ luật (một cách thụ động) sẽ hình thành nếp, tạo ra một thế hệ mới tích cực tuân thủ luật, coi đó là chuyện đương nhiên phải làm chứ không phải là chỉ để tránh mất tiền.
Một ví dụ tương tự, ý thức của người dân về đội mũ bảo hiểm để bảo vệ bản thân khi đi xe máy hiện nay được hình thành từ việc sợ bị phạt.
Sau khi áp dụng thành công trong lĩnh vực trật tự giao thông, giải pháp này có thể được áp dụng sang nhiều lĩnh vực khác để người dân chung tay cùng nhà nước phát hiện, xử lý các vi phạm trong nhiều lĩnh vực, gồm trật tự xây dựng (xây dựng sai phép), môi trường (xả rác bừa bãi, tập kết rác tại các ngõ, hẻm gây mất vệ sinh…), an ninh trật tự…
Bản thân tôi đã gửi kiến nghị về việc đỗ xe trái phép tại khu phố nơi mình sinh sống trên ứng dụng iHanoi và được chính quyền giải quyết chỉ sau vài ngày. Nếu bổ sung cơ chế "thưởng" cho người cung cấp thông tin về vi phạm, phương thức này sẽ càng gia tăng hiệu quả. Dĩ nhiên, giải pháp này cần gắn với các hướng dẫn chi tiết của cơ quan có thẩm quyền, từ phương thức tiếp nhận, xử lý thông tin vi phạm cho tới chi trả "tiền hỗ trợ" và bảo mật thông tin của người cung cấp.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!