Đua nhau làm "thợ săn tiền thưởng" quay lỗi giao thông

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc ghi hình "săn lỗi" vi phạm giao thông để kiếm tiền nếu không cẩn trọng, những "thợ săn tiền thưởng" này có thể đối mặt với nguy cơ vi phạm pháp luật.

Từ ngày 1/1, Nghị định 176/2024 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, với một nội dung đáng chú ý là quy định việc chi hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Theo đó, người báo tin sẽ được trích thưởng không quá 10% số tiền xử phạt hành chính thu được, với mức tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc.

Ngay khi thông tin này được công bố, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, bài đăng về việc người dân mang máy ảnh, điện thoại đi lại tại các nút giao giao thông với mong muốn trở thành "thợ săn tiền thưởng". 

Tại một số bài đăng nhiều người bày tỏ ý kiến như: "Làm giàu không khó"; "Nghề mới".

Một số trang còn đăng tải thông tin việc người quay vi phạm bị chủ xe đánh nhập viện. Thậm chí, không ít nội dung cắt ghép, không kiểm chứng cũng được chia sẻ, khiến dư luận lo ngại về những hệ lụy tiềm ẩn.

Đua nhau làm thợ săn tiền thưởng quay lỗi giao thông - 1

Nhiều hình ảnh người dân quay vi phạm tại các ngã ba, ngã tư được chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ, Nghị định 176/2024 là một văn bản pháp luật mới, đáng ghi nhận, nhằm tận dụng sự tham gia của người dân vào việc giám sát, phản ánh vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, do nội dung này còn mới, nhiều người chưa hiểu đúng tinh thần của Nghị định, dẫn đến hành vi và phát ngôn không chính xác, gây ra tác động không tốt trong xã hội.

Theo luật sư, Nghị định quy định rõ ràng, chỉ khi hành vi vi phạm được cơ quan chức năng xác minh, xử lý và thu được tiền xử phạt thì mới có cơ sở trích thưởng cho người báo tin.

Điều này đồng nghĩa với việc thông tin phải được xác thực qua quy trình pháp lý, không phải cứ báo tin là ngay lập tức được nhận thưởng như một số thông tin sai lệch trên mạng xã hội đã lan truyền.

Ông cũng nhấn mạnh rằng việc một số người đăng tải thông tin sai sự thật, dàn dựng các video để câu view, câu like là hành vi nguy hiểm, không chỉ gây hiểu nhầm mà còn tạo ra tâm lý tiêu cực trong xã hội.

Nhiều người vì tin tưởng các thông tin sai lệch đã từ bỏ công việc để tập trung tìm kiếm vi phạm giao thông với hy vọng kiếm tiền thưởng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mà còn gây mất trật tự xã hội.

Đua nhau làm thợ săn tiền thưởng quay lỗi giao thông - 2

Việc ghi hình người tham gia giao thông nếu không cẩn thận có thể vi phạm pháp luật (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Luật sư Cường cũng cảnh báo, việc tự ý quay phim, chụp ảnh người tham gia giao thông mà không xin phép, đặc biệt khi họ không có hành vi vi phạm pháp luật, là không được phép.

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mỗi cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh phải có sự đồng ý của người có hình ảnh, trừ một số trường hợp đặc biệt như phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc từ các hoạt động công cộng.

Nếu vi phạm quyền hình ảnh, cá nhân có thể yêu cầu Tòa án buộc người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy hình ảnh, chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, nếu việc thu thập hình ảnh và thông tin cá nhân trái phép diễn ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên tới 20 triệu đồng.

Một vấn đề khác được luật sư Cường đề cập là sự bùng nổ của các hình ảnh và bài đăng trên mạng xã hội, không ít trong số đó được dàn dựng hoặc chia sẻ sai sự thật. Những nội dung này không chỉ gây hiểu nhầm về quy định pháp luật mà còn tạo áp lực tâm lý tiêu cực cho người tham gia giao thông.

Đặc biệt, các thông tin sai lệch về việc đã nhận được tiền thưởng từ cơ quan chức năng có thể kích động một số cá nhân thực hiện hành vi thu thập thông tin trái pháp luật để trục lợi. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.

Cũng theo luật sư, hiện tại chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác minh thông tin hay quy trình trích thưởng.

Vì vậy, mọi thông tin lan truyền về việc đã nhận được tiền thưởng từ cơ quan chức năng tại thời điểm này là không chính xác. Người đưa thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng.

Đua nhau làm thợ săn tiền thưởng quay lỗi giao thông - 3

Từ ngày 1/1, tài xế xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng, ô tô 18-20 triệu đồng nếu vượt đèn đỏ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Để hạn chế các hệ lụy tiêu cực, luật sư Cường cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người dân hiểu đúng tinh thần của Nghị định 176.

Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xác minh, trích thưởng để đảm bảo minh bạch, công khai và tránh những hiểu nhầm trong xã hội.

Ngoài ra, các biện pháp chế tài cần được áp dụng nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm, đặc biệt là các trường hợp đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Điều này không chỉ giúp răn đe mà còn đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nghị định 176/2024 là một chính sách mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự giao thông, khuyến khích sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy tác dụng, cần có sự hiểu đúng, thực hiện đúng quy định pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và người dân.