Tâm điểm
Bùi Mẫn

Chiến lược chống ngập cho thành phố "hai mùa mưa nắng"

Khi 7-8 tuổi tôi đã xuống tắm ở Bến Bạch Đằng, lên phà qua bên kia sông Sài Gòn, rồi quay về hái me ở gần Thảo Cầm Viên.

Sài Gòn xưa nguyên là một vùng đất trũng, bao gồm lưu vực sông Sài Gòn, với nhiều con sông nhỏ và kênh như sông Vàm Thuật-Bến Cát-Tham Lương, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Lò Gốm, kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Ông Đội, kênh Ông Nhỏ, kênh Ông Lớn, kênh Cầu Bông, kênh Xuyên Tâm, kênh Bùng Binh, và suối Ông Tiêu. Diện tích mặt nước của sông, hồ và kênh rạch có thể chiếm đến 20% diện tích Sài Gòn.

Chiến lược chống ngập cho  thành phố hai mùa mưa nắng - 1

Bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn trước đây với hệ thống ao hồ kênh mương chằng chịt (Hình tư liệu)

Ngoài các kênh rạch, thành phố còn có các ao hồ đầm lầy tự nhiên gọi là bàu, hay bưng, như Bàu Cát, Bàu Sen, và Đầm Sen. Những dải đất cao hơn hình thành các khu dân cư. Nhìn vào bản đồ cổ của TPHCM, chúng ta có thể thấy các dải đất cao trên "đường chéo"  từ  Đông Bắc đến Tây Nam, tạo nên các Quận 1,  3, và 5; còn lại đến 80% diện tích là "đất ướt" (đầm lầy, ruộng lúa…) và nước mặt. Ngay cả tại trung tâm Quận 1, các đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi trước đây là những con rạch bị người Pháp lấp để làm đường từ đầu thế kỷ 20.

Chiến lược chống ngập cho  thành phố hai mùa mưa nắng - 2

Chiều 15/5, cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức như Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Đặng Thị Rành, Quốc Hương... ngập nặng. Một học sinh ngã nhào xuống đường do nước ngập và chảy mạnh trên đường Lê Văn Việt, TP Thủ Đức (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Sự phát triển, hệ quả, và những thách thức

Dọc sông Sài Gòn và các kênh lớn, có các bến thuyền là nơi giao thương và buôn bán. Nhiều bến lớn cũng là các bến cảng hay chợ đầu mối như Tân Cảng, Cảng Ba Son, Bến Nhà Rồng, Bến Thành, Bến Nghé, Bến Bình Đông, Bến Chương Dương, Bến Vân Đồn, Bình Điền, và Bến Cát.

TPHCM đã thay đổi theo hơn 300 năm lịch sử, nhưng quá trình phát triển thiếu kiểm soát vĩ mô, đặc biệt do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong 30 năm gần đây, hầu hết các vùng đất ướt và nhiều kênh rạch tại thành phố đã bị san phẳng. Bề rộng của các con kênh rạch còn lại cũng bị thu hẹp đáng kể.

Ví dụ, rạch Nhiêu Lộc khi xưa dài 7-8km, thượng nguồn bắt đầu từ khu vực Chợ Hoàng Hoa Thám (Quận Tân Bình),  quanh co đến rạch Ông Tiêu (Phú Nhuận). Rạch Ông Tiêu và Nhiêu Lộc hợp thành rạch Thị Nghè, rồi đổ vào sông Sài Gòn. Bề rộng rạch Nhiêu Lộc xưa khá lớn. Bà ngoại tôi kể lại, khi còn thơ ấu, bà "lội" từ bờ bên này sang bờ bên kia của "sông" Nhiêu Lộc để hái rau muống và chơi với xóm bên kia sông. Ngày nay, bề rộng kênh Nhiêu Lộc còn lại hẹp hơn 20m. Một phần kênh từ Phạm Văn Hai (Ông Tạ) đến khu vực Chợ Hoàng Hoa Thám đã bị lấp hoặc thay bằng cống hộp.

Do buông lỏng quản lý và thiếu ý thức của người dân, nhiều kênh rạch đã trở thành các "kênh nước đen" ô nhiễm và nặng mùi. Khi còn nhỏ, mỗi lần đạp xe ngang qua các kênh này, tôi phải nín mũi vì không quen với mùi hôi bùn. Nhiều con rạch ô nhiễm đã bị lấp đi, thay bằng cống hộp, giải pháp dễ dàng nhưng bất chấp hệ quả lâu dài.

So sánh bản đồ cũ với bản đồ mới của TPHCM cho thấy các con nước đã mất đi quá nhiều. Quá trình bê tông hóa đi ngược thiên nhiên đã để lại nhiều hậu quả. Trước năm 2000, TPHCM mỗi năm chỉ có 1 hoặc 2 trận ngập. Giờ đây, hầu như hễ mưa là thành phố ngập, ngập thường xuyên và trên diện rộng. TPHCM giờ đây có "hai mùa mưa nắng" đó là 6 tháng nắng nóng và 6 tháng ngập lụt.

Chiến lược chống ngập cho  thành phố hai mùa mưa nắng - 3

Mưa lớn chiều 15/5, nước chảy xiết khiến một nắp cống trên đường Kha Vạn Cân bị bật lên (Ảnh: Nam Anh).

Có thể dự đoán, các dự án chống ngập tại TPHCM sẽ phá sản hoặc có hiệu quả rất hạn chế nếu vẫn theo tư duy chống ngập cũ. Địa hình thành phố, vốn là lưu vực sông là nơi tập trung nước, nay đã không còn chỗ trữ nước mưa, ngoại trừ hệ thống cống già nua. Nước trong cống theo nguyên tắc bình thông nhau, chảy từ nơi áp cao đến nơi áp thấp, đẩy bật nắp cống, rồi tràn ngược lên đường. Mỗi khi mưa, các con đường trở thành những con kênh tạm thời. Ngay cả khi không có mưa, do triều cường, nước cũng từ hệ thống cống tràn lên mặt đường gây ngập lụt.

Tệ hơn nữa, với địa chất yếu, lún sụt địa tầng đã và đang diễn ra trên diện rộng. Việc lún sụt còn tăng thêm do hạ sâu mực nước ngầm, là hệ quả của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát một thời gian dài. Điều này làm vấn đề ngập thêm nghiêm trọng và bế tắc.

Tất cả các yếu tố trên đã mang lại những thách thức lớn cho sự quy hoạch và cải tạo TPHCM, một động lực phát triển cả nước, đóng góp gần 1/6 GDP của Việt Nam.

Mục tiêu của quy hoạch

Nhắc lại lịch sử, địa lý, địa chất, và văn hóa để hiểu rõ nguyên nhân tại sao TPHCM hay ngập, và vì vậy, quy hoạch Sông Sài Gòn không thể tách rời khỏi mục tiêu chống ngập. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, đòi hỏi công tác quy hoạch không chỉ sông Sài Gòn, mà là toàn bộ "hệ thống sông nước Sài Gòn".

Ngoài việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chống ngập, các mục tiêu quan trọng khác trong quy hoạch hệ thống sông nước Sài Gòn cần được kể đến như phát triển không gian công cộng ven sông  và ven kênh để phục vụ nhân dân, phát triển kinh tế sông nước, tạo thương hiệu/bản sắc, và bảo tồn văn hóa sông nước. Việc quy hoạch cần phải khoa học, có tầm nhìn, và cần tuân thủ các nguyên tắc như hài hòa thiên nhiên, phát triển bền vững, đặt nhân dân làm trọng tâm.

Kim chỉ nam cho chống ngập

Chống ngập hiệu quả cần tuân theo hai nguyên tắc chính đó là tăng thể tích chứa nước và tăng tốc độ thoát nước. Nguyên tắc thứ hai chỉ có hiệu quả khi nguyên tắc thứ nhất được thực hiện đủ tốt. Nhiều dự án chống ngập đã thất bại vì chỉ quan tâm đến việc thoát nước nhanh mà bỏ qua việc tăng thể tích chứa nước.

Việc tăng thể tích trữ nước có thể được thực hiện thông qua nhiều giải pháp. Đầu tiên là việc nạo vét định kỳ sông Sài Gòn và toàn bộ hệ thống kênh rạch. Đồng thời quy hoạch giải tỏa mở rộng lòng kênh (rộng nhất có thể), tăng độ sâu kênh (sâu nhất có thể), và làm bờ kè thẳng đứng. Song song đó là việc nâng cấp hệ thống thoát nước ngầm hiện hữu bằng việc thay mới cống có thể tích lớn hơn, và duy tu nạo vét hệ thống cống thường xuyên.

Theo tôi, như thế vẫn chưa đủ. TPHCM cần đào mới các hồ điều tiết, các con kênh nhân tạo, và khôi phục các con kênh rạch đã bị lấp. Nhiều nơi trên thế giới đã thành công trong việc khôi phục lại các kênh cũ như dự án Cheonggyecheon (Hàn Quốc), Madrid Rio (Tây Ban Nha), và Rotterdam Waterplan 2 (Hà Lan).

TPHCM đang thực hiện hai dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát và kênh xuyên tâm với tổng chiều dài 38km. Đây là cơ hội quý hiếm để thành phố tăng thể tích trữ nước, cải tạo hiện trạng thoát nước một cách hiệu quả. Nếu không tận dụng đúng đắn cơ hội này, thành phố sẽ phải trả giá cao hơn nhiều trong tương lai để chống ngập. Do đó, thành phố cần đặt lại tầm nhìn, mục tiêu cao hơn và quy mô lớn hơn cho các dự án cải tạo kênh mương.

Trong quy hoạch đô thị mới, hoặc cải tạo đô thị cũ, cần thiết kế hồ điều tiết và kênh mương nhân tạo, ngoài nhiệm vụ thoát nước, còn tạo cảnh quan, điều tiết vi khí hậu, và tăng giá trị bất động sản. Điều này phải trở thành quy định của nhà nước để tất cả dự án phải tuân theo. Tỷ lệ diện tích nước mặt của một khu dân cư phải đủ lớn để tự điều tiết nước mưa, không gây quá tải cho hệ thống cống ngầm hiện hữu.

Nhà nước cũng cần quy định và khuyến khích sử dụng vật liệu có độ thấm lớn, nôm na dễ hiểu là vật liệu bọt biển, để tăng quá trình trữ nước trong lòng đất.

Tăng thể tích chứa nước còn có thể được thực hiện bởi từng gia đình, công ty, và cơ quan thông qua việc lắp đặt các bồn thu hoạch nước mưa để sử dụng, vừa tiết kiệm nước, vừa góp phần chống ngập.

Để tăng tốc độ thoát nước, cần đặt máy bơm công suất lớn đặt ở những nơi có địa hình trũng cục bộ, và xây nhiều "cống ngang".

Chiến lược chống ngập cho  thành phố hai mùa mưa nắng - 4

(Minh họa hệ thống cống ngang)

"Cống ngang" là cống có chiều dài ngắn và độ dốc thủy lực lớn. Các cửa cống ngang được bố trí  tại các kênh mương hoặc hồ điều tiết gần nhất của khu dân cư.  Cần nhắc lại, các giải pháp tăng tốc độ thoát nước chỉ có hiệu quả khi có đủ kênh mương và hồ điều tiết để chứa nước.

TPHCM với lịch sử và địa lý đặc trưng, đang đương đầu với tình trạng ngập lụt ngày càng phổ biến và nghiêm trọng. Việc quy hoạch và thực hiện các chiến lược chống ngập trở nên cấp bách. Bằng cách kiên trì thực hiện các biện pháp chống ngập khoa học và hiệu quả, tôi hy vọng TPHCM sẽ trở thành nơi đáng sống.

Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ Sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.

Ông từng làm giảng viên cầu đường tại Đại học Bách khoa TPHCM, và từng làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Weller.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!