Câu hỏi thay đổi tương lai việc làm của tôi
Cách đây 10 năm, tôi làm việc trong bộ máy nhà nước, tham gia quản lý dự án ODA ở Bộ Xây dựng. Tôi khá yêu thích công việc của mình, và cuộc sống công sở tương đối nhàn nhã.
Cho đến một ngày, có người quen của gia đình tôi hỏi: "Cháu nghĩ 10 năm nữa sẽ như thế nào?". Thực sự đây là một câu hỏi khó, vì tại thời điểm đó tôi không nghĩ gì, lên được kế hoạch 3 năm là tốt lắm rồi.
Bác bảo tôi: "Cháu nên học hành chăm chỉ hơn nữa, tiến bộ hơn nữa, để 10 năm sau không ai có thể thay thế mình. Cháu nghĩ xem, 10 năm sau, lứa trẻ mới lên, giỏi hơn cháu, trẻ hơn cháu, nếu cháu không đủ giỏi thì cháu sẽ như thế nào?".
Cuộc đối thoại làm tôi có ý thức hơn với tương lai của mình, và quyết tâm lấy học bổng đi du học.
Những năm du học là quãng thời gian giúp tôi nhìn nhận một cách chính xác 10 năm tới mình muốn là ai, làm gì. Và tôi đã mạnh dạn bước chân ra khỏi khối Nhà nước, thành lập doanh nghiệp riêng của mình về lĩnh vực giáo dục. Nhìn lại cả một hành trình, tôi luôn biết ơn bản thân vì đã dám can đảm theo đuổi đam mê.
Lần bỏ việc ở khối Nhà nước không phải là lần đầu tiên tôi ra khỏi vòng an toàn. Những ngày đầu mới tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào một Quỹ đầu tư Mỹ với mức lương đáng mơ ước ở độ tuổi ấy. Tuy nhiên, sau gần một năm, tôi nghỉ việc vì công việc mặc dù phúc lợi tốt nhưng không giúp tôi phát triển kỹ năng của bản thân.
Sau khi nghỉ việc, tôi thất nghiệp 5 tháng, tiêu sạch toàn bộ số tiền tiết kiệm được. Tôi rơi vào khủng hoảng vì chưa chuẩn bị kỹ càng mà đã nghỉ việc. Mặc dù vẫn có thể kiếm được việc như công việc cũ, nhưng trong cơn khủng hoảng, tôi vẫn quyết tâm tìm kiếm cơ hội mới với mong muốn sẽ giúp bản thân phát triển tốt hơn trong tương lai. Nhớ lại, tôi luôn biết ơn với các quyết định của bản thân. Nhảy ra khỏi vùng an toàn chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng điều đó giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều.
Nhìn vào thực tiễn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), hàng loạt công việc sẽ phải thay đổi và thậm chí là con người bị thay thế bởi AI. Trong lĩnh vực công, chủ trương tinh gọn bộ máy đang được thực hiện khẩn trương. Đây là chủ trương đúng đắn và cần thiết ở tầm vĩ mô, và chắc chắn là sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận người lao động trong bộ máy.
Còn lĩnh vực tư nhân thì xu hướng siết chặt nhân sự cũng đã và đang được áp dụng ở rất nhiều công ty trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Cách đây mấy hôm, tôi đi qua một số tuyến phố lớn, chứng kiến loạt cửa hàng đóng cửa, treo biển cho thuê, khác hoàn toàn bức tranh sầm uất những năm trước.
Lúc này, nếu bạn đang còn một công việc để làm - xin chúc mừng, bạn là người may mắn! Còn nếu công việc của bạn đang bấp bênh, tôi xin chia sẻ với bạn vì tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh như vậy. Có một thực tế trên thị trường lao động là việc chúng ta có nằm trong nhóm người bị thay thế không, tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong đó trước hết là năng lực của mỗi người.
Thế hệ 8X như tôi đã chứng kiến thế hệ 9X với rất nhiều bạn trẻ giỏi hơn về ngoại ngữ, về chuyên môn và kỹ năng tổng hợp. Và chắc chắn rằng thế hệ Alpha (được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2024) sẽ còn vượt trội hơn các thế hệ trước trên nhiều phương diện. Tôi nghĩ đến điều này khi nghĩ về công việc không chỉ của mình mà của các con mình. Con đầu của tôi năm nay 11 tuổi, nghĩa là khoảng 9-10 năm nữa cháu sẽ bắt đầu bước vào thị trường lao động. Con em của các bạn cũng thế. Chúng ta giáo dục cho các con ngày hôm nay, là một phần chuẩn bị cho cuộc sống sau này của các con trong tương lai, trong đó đương nhiên là bao gồm nghề nghiệp.
Để có thể trụ lại với thị trường lao động lâu dài, không bị đào thải và hơn thế là đạt được những thành công trong sự nghiệp, chiếc chìa khóa của chúng ta là nỗ lực trong công việc, học tập suốt đời và không ngừng đầu tư vào bản thân.
Đầu tư vào bản thân chưa bao giờ là khoản đầu tư lỗ. Mỗi năm, bạn chi bao nhiêu tiền cho các khóa học kiến thức, kỹ năng mới; bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách; bạn tham gia được bao nhiêu hội nghị, hội thảo; bạn gặp gỡ được bao nhiêu người hỗ trợ cho việc phát triển sự nghiệp của bạn?.vv.
Khi trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta mới có thể biết được mình đã sẵn sàng cho tương lai hay không. Khi ta đứng một chỗ, có nghĩa là ta đang tụt lùi.
Bạn có sợ bị mất việc không? Tôi thì có. Kinh nghiệm của tôi là đừng né tránh nỗi sợ này mà hãy đối diện với nó. Hãy luôn hình dung ra được bức tranh 10 năm sau, mình sẽ như thế nào, và kiên định theo đuổi mục tiêu. Chỉ có như thế, ta mới có thể tồn tại và sống sót trong thế giới cạnh tranh gay gắt ngày nay.
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Ngân có bằng Thạc sĩ Quản lý dự án, Đại học Monash, Úc; Thạc sĩ Giáo dục, Chuyên ngành giáo dục STEM, Đại học Giáo dục, Mỹ. Chị là nhà sáng lập/giám đốc học thuật của BrainSTEM English Academy, một đơn vị tiên phong giảng dạy tiếng Anh tích hợp STEM chuẩn Mỹ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!