Tâm điểm
Bích Diệp

Cảnh tỉnh từ khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng

Ông P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng, trong đó phần nợ lãi là hơn 8,8 tỷ đồng, và 8,5 triệu đồng là nợ gốc.

Quanh vụ việc này hiện vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ và chờ kết luận của thanh tra. Tuy nhiên, vấn đề được công chúng quan tâm hơn cả là cách tính lãi thẻ tín dụng. Trên mạng xã hội, các chủ đề về công thức tính nợ được đặt ra. Người ta khó hình dung về việc vì sao từ khoản nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm có thể phình to tới hơn 1.000 lần!

Tất nhiên là các ngân hàng sẽ có nghiệp vụ và phần mềm tính toán riêng, không bỗng dưng xuất hiện số nợ 8,83 tỷ đồng như vậy. Một vài người thử lắp công thức tính lãi dựa trên dữ liệu đã cho về nợ gốc, tổng lãi, tổng nợ và thời gian, để rồi phải sửng sốt với sức mạnh của cái gọi là "lãi kép": lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con sinh lãi cháu…. Thời gian càng kéo dài thì "phả hệ" của khoản nợ càng khổng lồ.

Có lẽ cũng giống như tôi, những người dùng thẻ tín dụng đều thoáng giật mình. Thậm chí tôi còn phải lên trang web của CIC (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia) để tra cứu xem mình có vô tình có khoản nợ xấu nào đó mà không biết hay không.

Cảnh tỉnh từ khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng - 1

Một loại thẻ có thể dùng để thanh toán quốc tế (Ảnh: Lê Duy Diện).

Tình huống bị ngân hàng đòi gấp 1.000 lần nợ gốc sau hơn một thập kỷ quả là hi hữu nhưng thực tế về gánh nặng trả nợ thẻ tín dụng trong thời đại tiêu dùng ngày nay là phổ biến, trong đó không thiếu trường hợp bị dính hồ sơ nợ xấu trên CIC do vô tình hay cố ý không thanh toán nợ đúng hạn.

Chia sẻ tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 7/2023, có 11 ngân hàng và 4 công ty tài chính đang tham gia lĩnh vực thẻ tín dụng nội địa, với hơn 800.000 thẻ đang lưu hành đến cuối tháng 8/2023, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Số người mở thẻ tăng nhanh một phần nhờ dịch vụ mở tài khoản xác thực trực tuyến (eKYC) đang được các ngân hàng triển khai rầm rộ, qua đó giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thời gian mở thẻ chỉ mất hơn một phút. 

Mở thẻ thì nhanh nhưng không phải chủ thẻ nào cũng biết cách sử dụng thẻ tín dụng, bao gồm việc dành thời gian để đọc hiểu các điều khoản trong hợp đồng mở thẻ với ngân hàng, không nhiều người tận dụng được các ưu đãi, lợi ích mà thẻ tín dụng mang lại cũng như nhận thức rõ cạm bẫy nợ, các rủi ro có thể xảy ra khi không bảo mật thông tin thẻ.

Thứ nhất, thẻ tín dụng cho phép tiêu trước trả sau, chủ thẻ được phép "vay không lãi suất" trong vòng 45 ngày. Trong đó, lưu ý rằng chu kỳ sao kê của ngân hàng là 30 ngày/lần, sau khi ra sao kê thì khách hàng có 15 ngày để thanh toán toàn bộ số dư nợ để tiếp tục hưởng miễn lãi kỳ tiếp theo.

Nếu chỉ trả ở mức tối thiểu thì lãi suất với khoản vay đã là 18-25%/năm. Ở đây, số tiền thanh toán tối thiểu là khoản tiền tối thiểu mà chủ thẻ phải thanh toán cho ngân hàng trong mỗi kỳ sao kê, bao gồm một phần số dư nợ theo quy định riêng của ngân hàng, toàn bộ khoản nợ vượt hạn mức sử dụng của thẻ và số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán của các kỳ sao kê trước (nếu có).

Trong trường hợp đến hạn không thanh toán, chỉ cần trễ hẹn một ngày thì cả khoản vay cũng đã bị tính lãi suất quá hạn 20-40%. Ngoài ra, khách hàng sẽ còn bị tính các khoản phí như phí phạt 5% trên tổng dư nợ, phí vượt mức tín dụng, phí thường niên… Sau mỗi kỳ sao kê, lãi, phí phạt nhập gốc khiến lãi chồng lãi, phí chồng phí.

Cách tính phức tạp cộng với những từ ngữ chuyên ngành và điều khoản rối rắm trong hợp đồng tín dụng nhìn chung là khó hiểu đối với số đông đại chúng. Chính vì vậy, khách hàng dễ dàng trở nên yếu thế khi xảy ra tranh chấp với ngân hàng.

Thứ hai, tiêu trước trả sau có nghĩa là vay ngân hàng để tiêu dùng, và việc để khoản vay quá hạn bị tính vào nợ xấu dù chỉ là những khoản vay vô cùng nhỏ thì chủ thẻ cũng đã phải gánh hậu quả lớn: không thể mở thẻ tín dụng hay vay vốn ở các ngân hàng khác.

Thứ ba, thẻ tín dụng khi thanh toán không cần nhập mật khẩu và có thể bị đánh cắp thông tin. Nếu không theo dõi kỹ các khoản chi tiêu, chủ thẻ có thể phải thanh toán cho cả những giao dịch phát sinh mà không phải do chính mình thực hiện.

Thứ tư, người dùng thẻ sẽ khó kiểm soát chi tiêu và có thể trở thành con nợ thường xuyên của ngân hàng với thói quen quẹt thẻ vô tội vạ. Một số người bạn của tôi cho biết, việc "cai nghiện" mua sắm trở nên vất vả khi các gợi ý tiêu dùng xuất hiện mọi lúc mọi nơi, từ ngoài cửa kính ô tô cho đến trên màn hình điện thoại, khắp mọi nền tảng mạng xã hội đến các trang web tin tức.

Với thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng, không ít người vẫn phải chật vật để cân đối tài chính khi không thể kiềm được cám dỗ chi tiêu; một khi trở thành thói quen sống, thu nhập càng lớn các khoản chi tiêu càng tăng, chuỗi thời gian lao động chỉ luẩn quẩn với nợ và trả nợ.

Thông thường, hạn mức tín dụng dành cho khách hàng mới của ngân hàng hiện nay sẽ cao hơn lương từ 2-3 lần (cũng có một số ngân hàng cho phép hạn mức gấp 4-6 lần thu nhập hàng tháng) và có thể nới hạn mức sau khi mở thẻ. Với mức lương 6 triệu đồng đã có thể mở thẻ tín dụng như hiện nay, một số người, đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ dễ ảo tưởng về khả năng tài chính của mình, mua sắm vượt khả năng chi trả và đối mặt với tình trạng túng quẫn, không thể thoát ra được vì gánh lãi suất cao.

Cuối cùng, sự có mặt của thẻ tín dụng có tác động tích cực đến việc thúc đẩy tiêu dùng, người dùng thẻ nếu biết tận dụng sẽ hưởng lợi lớn nếu tận dụng được các chính sách ưu đãi giảm giá, tích điểm, hoàn tiền, trả góp... Kích cầu tiêu dùng có lợi cho kinh tế vĩ mô, tuy nhiên, trên phương diện cá nhân, không phải ai cũng phù hợp với việc mở thẻ tín dụng, nhất là với những người có sức khỏe tài chính không bền vững, chưa trang bị đầy đủ kiến thức quản lý tài chính; những người không có hoặc ít có nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thường xuyên để tận dụng được tiện ích thẻ.

Về phía ngân hàng, việc thu hồi nợ của khách hàng nợ thẻ tín dụng không phải dễ dàng (vì không có tài sản đảm bảo). Không lâu trước đây, một ngân hàng lớn đã phải rao bán hơn 400 khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, tổng dư nợ hơn 8,7 tỷ đồng, các khoản nợ từ vài chục nghìn đồng đến hơn 100 triệu đồng.

Thiết nghĩ, để xây dựng một nền kinh tế tiêu dùng lành mạnh, các ngân hàng cần nâng cao quản trị khâu phát hành thẻ tín dụng, không nên chạy đua số lượng để phát hành tràn lan, kém hiệu quả và dễ phát sinh những tranh chấp không đáng có; đồng thời, sát sao trong công tác chăm sóc khách hàng bởi họ là những người mang lại lợi nhuận, gián tiếp nuôi sống nhân viên ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, việc quản lý tài chính cá nhân cần được giáo dục bài bản từ nhà trường đến gia đình. Tấm thẻ tín dụng với vô vàn tiện ích nhưng cũng ẩn chứa tính sát thương rất lớn, dễ khiến người dùng đứt tay. Thói quen "đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng" không bao giờ thừa cả!

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!