Cả triệu lượt người thức đêm xem "chuyện đời tư" của người nổi tiếng
Hàng triệu lượt xem buổi phát sóng trực tiếp (livestream) trong đêm 28/3 về cuộc đối chất tình ái ồn ào của một nam streamer. Con số đó vượt xa tưởng tượng của nhiều người, cho thấy sức hút khủng khiếp chuyện đời tư của người nổi tiếng đối với công chúng.
Người nổi tiếng - ở đây tôi chủ yếu đề cập đến giới showbiz (giải trí) - là một phần không thể thiếu của truyền thông đại chúng. Rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng tích cực từ các ngôi sao showbiz đã được công chúng đón nhận, lan tỏa; nhưng ở chiều ngược lại, công chúng cũng đã chứng kiến không ít nội dung vô nghĩa, tầm phào, thậm chí phản cảm từ một bộ phận của giới giải trí, xuất hiện với tần suất dày đặc.
Dĩ nhiên, có cầu thì sẽ có cung. Tin tức giải trí cũng tựa như món ăn tinh thần dành cho đại chúng vậy. Người đọc, người xem càng tò mò, quan tâm, càng truy cập thì những nội dung đó càng xuất hiện nhiều trên các nền tảng. Câu hỏi đặt ra là, liệu có phải truyền thông xã hội đang thoái hóa và sa lầy khi mặc kệ cho những câu chuyện tầm phào về người nổi tiếng hiện diện tràn lan và phát triển đến mức phi mã?

Sự tràn lan tin tức nhảm nhí, phông bạt khiến người ta phải ngán ngẩm với sự xuống cấp của văn hóa xem và thị hiếu đám đông (Tranh minh họa bởi AI).
Từ cách đây hơn 10 năm trước, một vài "người nổi tiếng" theo kiểu Lệ Rơi, bà Tưng,… xuất hiện. Họ thu hút lượng truy cập "khủng" dù chỉ hành động vô nghĩa một cách công khai. Tôi cũng như nhiều người có lúc tin rằng, đây chỉ là thiểu số, thoáng qua và sớm sẽ bị dập tắt bởi sức ép cộng đồng.
Nhưng trái lại, với sự phát triển của các nền tảng công nghệ mới, ngày nay thường trực các đoạn video nhảy giật giật 10 giây gắn theo hàng tá quảng cáo đột ngột xuất hiện trên điện thoại cá nhân. Kèm với đó là vô số "người nổi tiếng" - những "nhà sáng tạo nội dung" hời hợt nhưng lại thu hút hàng trăm nghìn đến cả triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội (follows). Nhóm này phát triển như vũ bão và tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới tương tác: giới thiệu sản phẩm, đưa lời khuyên về phong cách sống, kêu gọi từ thiện…
Sống trong thế giới mà "ai cũng có thể nổi tiếng trong mười lăm phút" (Andy Warhol, 1968) và ngày nay thậm chí là "sẽ bị lãng quên sau mười lăm giây", công chúng ngán ngẩm nghĩ đến sự cáo chung của một kiểu truyền thông chiêu trò, hớt váng, hết lớp sóng thông tin nhảm này đến cơn lũ bê bối (scandal) khác.
Tuy vậy, thực tế là nhu cầu bàn luận về những chuyện "tầm phào" đã xuất hiện từ hơn thế kỷ trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp, nhằm phục vụ mục đích giải trí cho người lao động sau giờ làm việc.
Trên những đại lộ vừa mới được gắn bóng đèn, những gánh xiếc của "người nổi tiếng hời hợt" đầu tiên đã xuất hiện: những anh hề cao hai mét, cô gái có râu, người trưởng thành tí hon… Hai mô hình nổi tiếng là ngôi sao (star) có năng lực phi phàm và kẻ xấu xa gây chú ý (scandal). Một thứ ta khao khát trở thành nhưng biết mình không thể, một thứ ta khao khát tránh xa nhưng vẫn đầy hấp lực.
Đại ý là, công dân đô thị có những câu chuyện chung để nói với nhau, có không gian để tụ tập sau giờ làm và hình thành giá trị sống cộng đồng thông qua khen ngợi hay phê phán người nổi tiếng nào đó trong những cuộc trà dư tửu hậu. Và với sự phổ biến của mình, hình ảnh người nổi tiếng được dùng để tiếp thị, bán hàng: từ bưu thiếp, xà phòng, cho đến thực phẩm chức năng hay tranh vẽ truyền thần.
Nói vậy để thấy rằng, sự xuất hiện và tồn tại chuyện phiếm về người nổi tiếng (theo kiểu hời hợt) đã có từ lâu và có nguyên do về mặt lịch sử xã hội. Một là, lấp đầy nhu cầu kết nối liền cá nhân - thứ bị thiếu hụt do kết cấu chuyên biệt hóa của đô thị, và hai là, thương mại hóa nhu cầu sở hữu những mảnh vật chất phát sinh từ các biểu tượng về giá trị.
Ngày nay, được khuếch đại lên nhiều lần bởi mạng xã hội và nền tảng số, con người hiện đại cô đơn hơn càng đắm chìm hơn vào nhu cầu tiêu thụ tin tức giải trí. Các chương trình truyền hình thực tế, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, những nhân vật "triệu view"… luôn mang lại những chủ đề mới và tức thì để công chúng bàn luận.
Tính chất của tin tức về người nổi tiếng luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực; có những chuyện nghiêm túc và có cả chuyện tầm phào; có sự thú vị và cũng có cả tính độc hại.
Ở đây, tôi muốn đề cập bộ phận "người nổi tiếng hời hợt" và những tin tức nhảm nhí, tầm phào. Với đa số người nổi tiếng tôi cũng tin rằng họ không muốn phơi bày cuộc sống cá nhân, sự riêng tư của bản thân trước công chúng thành những "bữa ăn" tin tức cho công chúng bàn luận - thậm chí là mục tiêu của mũi dùi công kích.
Vậy, làm sao để ra khỏi vũng lầy của sự tầm phào? Càng ít các hoạt động trực tiếp và có ý nghĩa với cộng đồng xung quanh, cá nhân càng cần hào quang nửa hư nửa thực của người nổi tiếng, nhằm lấp đầy đời sống tinh thần và kiến tạo giá trị cá nhân. Khi đời sống tinh thần không được lấp đầy, thì nhu cầu vật chất cũng chỉ đẩy ta mua thêm những món đồ phù phiếm để thỏa cảm giác an lòng tức thì.
Muốn sống cùng thế giới của người nổi tiếng, hãy xác định những giá trị nào là quan trọng nhất với mình, mình sẽ dùng giá trị đó để gắn kết với những ai, để trở thành một cộng đồng chung như thế nào. Bởi trong sâu thẳm, bất kỳ ai cũng muốn trở nên quan trọng và được công nhận là quan trọng với những người thân yêu.
Người nổi tiếng là bằng chứng sống động cho khao khát ấy nhưng đó là thứ phải nỗ lực mà giành lấy chứ không phải chạy theo một ảo ảnh. Thế nên hãy luôn cẩn thận với những giá trị dễ dàng mà ai đó bỗng dưng đem tới cho bạn.
Và thực tế là thuật toán của các nền tảng xã hội luôn cung cấp cho người đọc, người xem những nội dung cá nhân hóa, những vấn đề họ quan tâm. Do vậy, nếu thực sự muốn những nội dung "rác", những yếu tố tầm phào bớt xuất hiện trong cuộc sống của bản thân, rộng hơn là trong xã hội thì hãy giảm bớt tiêu thụ và dung nạp những nội dung ấy.
Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...
Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!