Bài toán 7.000 tấn rác mỗi ngày ở Thủ đô
Thu gom và xử lý rác ở Hà Nội đang là vấn đề lớn. Ngõ nhà tôi ở, nhân viên vệ sinh thu gom rác thải hàng đêm, nhưng cứ lâu lâu lại thấy rác ùn ứ mấy ngày bốc mùi hôi thối, nguyên do là dự án nhà máy điện rác chậm tiến độ, bãi chôn lấp rác đã quá tải… Tình cảnh này dần thành quen với người dân Hà Nội.
Nhiều người còn nhớ rằng trong số những lý do mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008 là thiếu chỗ chôn lấp rác và thiếu đất làm nghĩa trang. Sau nhiều năm phát triển hỏa táng đã cải thiện vấn đề thiếu đất làm nghĩa trang. Nhưng vấn nạn tồn đọng rác thải chưa được cải thiện nhiều, đặc biệt trở nên trầm trọng mỗi khi bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) gặp "trục trặc".
Hà Nội ngày càng mở rộng và phát triển, đáng lẽ vấn đề vệ sinh môi trường phải ngày càng tốt lên song thực tế không được như vậy, thậm chí tình hình còn có những mặt đáng lo lắng hơn.
Theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn. Nhưng hiện thành phố mới có 2 khu Nam Sơn và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) hoạt động. Trong đó khu Nam Sơn sau hơn 20 năm hoạt động, các ô chôn lấp đã quá tải. Những năm gần đây, Nam Sơn nhiều lần phải đóng cửa do người dân sinh sống trong khu vực chặn xe vào.
Cho dù thành phố đã nỗ lực giải quyết các vấn đề phát sinh nhưng với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt 7.000 tấn mỗi ngày; hầu hết xử lý theo phương pháp chôn lấp và chủ yếu là đổ về bãi Nam Sơn trong khi khu vực này đã quá tải.
Thành phố hiện trông chờ vào nhà máy đốt rác phát điện do tư nhân đầu tư, song dự án đã chậm tiến độ và đến tháng 7 vừa qua mới vận hành với công suất khoảng 1.000 tấn rác mỗi ngày.
Siêu đô thị Hà Nội hơn 8 triệu dân không thể chỉ trông chờ vào 1-2 bãi chôn lấp rác đang quá tải và một nhà máy điện rác. Chúng ta cần chiến lược xử lý rác tổng thể và căn cơ hơn, công bằng, bền vững hơn, sao cho toàn thể cư dân đồng thuận với việc thu gom và xử lý rác của chính mình thải ra.
20 năm qua, cùng với làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải trên thế giới đã có những bước tiến không ngừng. Tuy nhiên ở ta bộ máy thực thi và hệ thống chính sách chưa theo kịp sự phát triển, vấn đề xử lý rác còn nhiều bất cập, thậm chí nhiều khi trở thành điểm nóng ở các thành phố lớn.
Từ góc độ một người dân muốn góp ý để Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, tôi xin đề xuất một số vấn đề như sau.
Thứ nhất, Hà Nội cần một chiến lược mới, chủ động từ phân loại, thu gom, vận chuyển cho đến xử lý rác nếu không vấn đề ngày càng phức tạp và bế tắc. Với cách làm bị động, đối phó "tiền hậu bất nhất" của các bên liên quan thì công việc thu gom và xử lý rác thải sẽ để lại hậu quả ngày càng trầm trọng hơn, khi khối lượng rác thải tăng lên, nguồn lực cạn kiệt dần.
Cũng cần nói thêm là việc áp dụng các công nghệ mới trong xử lý rác, ví dụ như đốt rác thành điện, đòi hỏi ý thức cao của người dân trong phân loại rác tại hộ gia đình; không thể có "phép màu" nào hứng được toàn bộ thói quen xả rác vô trách nhiệm.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ mới cũng đòi hỏi cơ quan quản lý nâng cao năng lực thẩm định, giám sát, tránh những rủi ro về khí thải dưới chuẩn, xả thải khí độc hại không kiểm soát (vấn đề nhiều siêu đô thị ở Ấn Độ, Nam Á đang đối mặt); đồng thời tránh thất thoát trong chi phí bù giá hỗ trợ và nhất là tránh phụ thuộc vào một hai đơn vị sở hữu các nhà máy đốt rác quy mô lớn.
Thứ hai, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), 98% thành phần rác ở Hà Nội có thể tái sử dụng, thậm chí 38% chất trơ (phế thải xây dựng) cũng có thể dùng để san lấp, chỉ có 2% độc hại phải xử lý đặc biệt… Như vậy phần lớn rác thải ở Hà Nội có thể phân loại, tái sử dụng - về cơ bản rác là tài nguyên của nền kinh tế tuần hoàn.
Trên quy mô toàn cầu, nhiều nước đã đi vào nền kinh tế tuần hoàn với các chuỗi giá trị mới sản sinh liên tục, phế thải của chuỗi sản xuất này là nguyên liệu của chuỗi sản xuất tiếp theo. Thành phố Hà Nội nếu thực sự mong muốn xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thì việc đầu tiên là bố trí nguồn lực, không gian cho "vòng đời" của rác, các chương trình, dự án ưu tiên vật liệu thân thiện với môi trường, các hoạt động tái chế…; quy hoạch chuỗi xử lý rác khép kín.
Nhiều nơi quanh Hà Nội đã và đang hình thành làng nghề thu gom, xử lý và tái chế rác thải, từ giấy vụn đến kim loại, thủy tinh, nhựa, dầu mỡ thực phẩm và công nghiệp... Các làng nghề này hoạt động tự phát nên gây ô nhiễm môi trường. Thay vì cấm đoán và thực tế không thể cấm, ngành Tài nguyên Môi trường và các địa phương cần đầu tư nguồn lực thu gom, xử lý chất thải, nước thải độc hại, hướng dẫn và hỗ trợ người dân bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng cách tiếp cận này là thực tế và khả thi, thay vì chỉ trông chờ vào các dự án nhà máy đốt rác, xử lý nước thải luôn chậm tiến độ.
Thứ ba, về chế tài, trong 6 năm qua, cơ quan quản lý đã 3 lần soạn thảo Nghị định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Gần đây nhất là Nghị định 45 quy định rất chi tiết các loại vi phạm và mức phạt tương ứng. Nhưng thực tế khi triển khai thử tại cấp phường, chỉ tập trung vào một vài hành vi đơn giản đã gặp không ít khó khăn.
Đơn cử, một quận trên địa bàn Hà Nội đã "khoán" mỗi phường phạt 30 trường hợp/tháng với hành vi đổ rác sai vị trí và sai giờ quy định, bước đầu có chuyển biến rất tích cực. Tuy vậy, ngân sách hạn chế không đủ lương cho nhân viên vệ sinh thu gom theo đúng thời gian, lộ trình; việc lập biên bản thu tiền phạt từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng cũng không dễ được sự chấp nhận từ các bên liên quan.
Ngoài phạt các tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi, chúng ta cũng cần phạt nặng những cán bộ quan liêu, đề xuất chính sách xử lý vi phạm môi trường không thể triển khai trong thực tế.
Thành phố cũng nên nhìn lại hiệu quả các chính sách, dự án cải tạo môi trường trong thời gian qua, xem liệu có hay không nhà máy thu gom, xử lý nước thải không có tác dụng thực tế; dự án nào đó chi phí đắt đỏ nhưng nước sông hồ vẫn ô nhiễm tràn lan; hoặc quyết định đầu tư nhà máy xử lý rác song vẫn để nước rác ô nhiễm, khói đốt rác độc hại xả ra môi trường…
Cuối cùng, việc vận động phân loại, thu gom rác thải được cộng đồng hưởng ứng, nhưng nhiều nơi không có phương tiện vận chuyển phù hợp cũng như đơn vị tiếp nhận rác đã phân loại. Người dân phản ánh là họ mất công phân loại rác tại nhà song ra đến đầu ngõ lại thấy tấp vào một chỗ.
Cần lưu ý rằng việc phân loại rác tại nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế. Trước mắt thành phố có thể triển khai tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, công tác thu gom, ý thức người dân... sau đó nhân rộng ra.
Trong số những việc cần làm ngay của Thủ đô, tôi cho rằng xử lý rác thải là vấn đề ưu tiên hàng đầu và đã đến lúc không thể chậm trễ.
Tác giả: Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, là nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc và quy hoạch, xây dựng đô thị.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!