Tràn ngập nội dung độc hại, nhảm nhí, TikTok vẫn khiến trẻ em Việt "mê mệt"
(Dân trí) - Bất chấp việc TikTok tràn ngập nội dung độc hại, nhảm nhí, thông tin giả mạo… mạng xã hội này lại được rất nhiều trẻ em tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung yêu thích, sử dụng hàng ngày.
TikTok đang trở thành "ứng dụng đáng sợ", bị nhiều quốc gia cấm sử dụng
Tính đến tháng 7/2024, TikTok là một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 1,07 tỷ người dùng thường xuyên, truy cập vào TikTok ít nhất một lần mỗi tháng.
Bất chấp việc lượng người dùng TikTok liên tục tăng, trong những năm qua, mạng xã hội này đã trở thành "ứng dụng đáng sợ và bị hắt hủi" nhất trên toàn cầu, khi liên tục bị nhiều quốc gia đưa vào "tầm ngắm" và cấm sử dụng.
Hiện TikTok đã bị cấm sử dụng tại nhiều quốc gia vì các nội dung độc hại và không phù hợp thuần phong mỹ tục, có thể kể đến Ấn Độ, Afghanistan, Iran, Nepal, Somalia…
Ngay chính tại Trung Quốc, nơi đặt trụ sở của ByteDance - "cha đẻ" của TikTok, mạng xã hội này cũng bị cấm sử dụng. Thay vào đó, ByteDance phải phát triển một phiên bản TikTok dành riêng cho thị trường Trung Quốc, mang tên gọi Douyin.
Dù giao diện, các tính năng và cách thức hoạt động của Douyin và TikTok tương tự nhau, cơ sở dữ liệu của 2 nền tảng này là hoàn toàn riêng biệt. Nội dung trên Douyin sẽ được ByteDance điều chỉnh để phù hợp với luật pháp tại Trung Quốc.
Những du khách quốc tế đã cài đặt TikTok trên smartphone nhưng khi đến Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục truy cập vào mạng xã hội này vì bị chặn.
Mỹ và các quốc gia tại châu Âu chưa cấm TikTok hoàn toàn, nhưng không cho phép các nhân viên chính phủ, quân đội… cài đặt và sử dụng TikTok vì lo ngại về vấn đề an ninh và bảo mật.
Mới đây, 13 tiểu bang của Mỹ và Đặc khu Columbia đã nộp đơn kiện TikTok, cáo buộc mạng xã hội này cố tình sử dụng thuật toán khiến người dùng bị nghiện, đặc biệt là trẻ em vị thành niên.
Tổng chưởng lý New York Letitia James, người đứng đầu vụ kiện, cho biết: "TikTok tuyên bố rằng nền tảng của họ an toàn cho người trẻ, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng".
"Ở New York và trên khắp cả nước, nhiều người trẻ đã tử vong hoặc bị thương khi thực hiện các thử thách nguy hiểm trên TikTok. Nhiều người khác cảm thấy buồn bã, lo lắng và chán nản hơn vì tính năng gây nghiện của TikTok", bà Letitia James nói thêm.
TikTok, ứng dụng có hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, đã phủ nhận mọi cáo buộc, cho rằng những tuyên bố được đưa ra là "không chính xác và gây hiểu lầm", đồng thời khẳng định ứng dụng vẫn "cam kết sâu sắc với công việc chúng tôi đã thực hiện để bảo vệ thanh thiếu niên".
Vì sao nội dung trên TikTok dễ gây nghiện với thanh thiếu niên?
Giống như phần lớn các nền tảng mạng xã hội khác, TikTok cũng giới hạn độ tuổi của người tham gia. Theo đó, trẻ em trên 13 tuổi mới được đăng ký tài khoản và sử dụng TikTok. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ có thể dễ dàng khai man tuổi để tạo tài khoản tham gia TikTok mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Thậm chí, có không ít trường hợp cha mẹ tạo tài khoản TikTok giúp trẻ và cho phép con của mình sử dụng mạng xã hội này như một công cụ để giải trí.
So với các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook hay Instagram… TikTok được đánh giá là trang mạng xã hội có khả năng "gây nghiện" lớn nhất đối với trẻ vị thành niên.
Một trong những lý do chính dẫn đến điều này vì TikTok chủ yếu tập trung vào các video ngắn, thường chỉ vài giây đến một phút, điều này giúp người dùng xem được nhiều video liên tục mà không mất quá nhiều thời gian.
Các nhà khoa học cũng cho biết việc người dùng xem qua hàng loạt video ngắn với nội dung khác nhau cũng sẽ giúp não bộ giải phóng "hormone hạnh phúc" dopamine, khiến người xem cảm thấy hứng thú và liên tục xem video để duy trì cảm giác này. Trẻ em khi xem TikTok liên tục sẽ càng cảm thấy thích thú, khó kiềm chế cảm xúc để dừng hành động của mình.
Đặc biệt, một điều giúp TikTok được trẻ vị thành niên lẫn người dùng trưởng thành yêu thích đó là thuật toán "gây nghiện" của mạng xã hội này.
Theo đó, ByteDance đã tự phát triển một thuật toán mà theo các chuyên gia công nghệ là có khả năng "gây nghiện" và khiến người dùng kéo dài thời gian sử dụng TikTok. Thuật toán này có thể hiểu rõ những nội dung, xu hướng mà người dùng yêu thích để đưa ra các video gợi ý phù hợp, khiến người dùng đắm chìm vào các nội dung do TikTok cung cấp.
Thuật toán gợi ý nội dung của TikTok chính là một trong những nguyên nhân giúp mạng xã hội này trở nên được yêu thích trên toàn cầu.
Nội dung độc hại, nhảm nhí, sai sự thật… tràn ngập TikTok Việt
Bên cạnh những video được đầu tư thực hiện và chăm chút một cách cẩn thận, không kém phần chuyên nghiệp cả nội dung lẫn các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh… nhiều TikToker tại Việt Nam đang tìm cách "câu view" bằng những video có nội dung độc hại, nhảm nhí, sai sự thật hay thậm chí là những trò đùa nguy hiểm đến tính mạng...
So với những video được đầu tư và chăm chút một cách chuyên nghiệp, những video "bẩn" này thường không phải đầu tư quá nhiều về mặt kiến thức, không tốn nhiều thời gian xử lý video… nên rất dễ thực hiện và được nhiều TikToker tại Việt Nam lựa chọn để phát triển.
Điều đáng nói là những video này thường khơi gợi trí tò mò nên thu hút rất đông lượt người xem, đặc biệt là trẻ em. Có những video đạt lượt xem lên đến hàng trăm ngàn thậm chí hàng triệu dù nội dung không thực sự đặc sắc. Điều này càng khiến cho nhiều video "bẩn" được ra đời và xuất hiện dày đặc trên TikTok.
Chỉ cần lướt qua một vòng trên TikTok Việt trong thời gian ngắn, không quá khó để nhận ra nền tảng này tràn ngập những video với nội dung không phù hợp cho trẻ em, chủ yếu trong đó là video những màn vũ đạo với động tác gợi cảm quá mức của các cô gái trẻ, trong những bộ trang phục có phần "thiếu vải" và không phù hợp với trẻ em.
Nhiều ca khúc nhạc rap Việt với ngôn từ dung tục cũng được sử dụng để làm nhạc nền cho các video clip được lan truyền trên TikTok.
Ngoài ra, nhiều TikToker Việt cũng thường xuyên thực hiện những đoạn video với nội dung là các trò đùa hết sức phản cảm, vô văn hóa hay thậm chí là các hành vi biến thái, khuyến khích xâm hại tình dục…
Dù những đoạn video này chỉ là clip dàn dựng với kịch bản có sẵn, diễn xuất kém tự nhiên và đa phần đều "đạo nhái" theo kịch bản từ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác, nhưng chúng lại thường được xuất hiện trên gợi ý của TikTok, giúp các video tiếp cận và thu hút một lượng lớn người xem rất lớn, trong đó có cả trẻ em.
Nguy hiểm hơn đó là những đoạn video với nội dung giả mạo, sai sự thật trên TikTok. Tuy nhiên, chính vì các đoạn video ngắn, những nội dung này lại dễ truyền tải các thông điệp, giúp giới trẻ dễ ghi nhớ. Việc để trẻ em tiếp cận sớm các nội dung sai sự thật có thể khiến trẻ có cách nhìn không chính xác, lệch lạc… dẫn đến những suy nghĩ sai trái về sau.
Không ít người sau một thời gian sử dụng TikTok đã phải đặt câu hỏi tại sao những video có nội dung nghèo nàn, vô bổ và nhảm nhí… nhưng vẫn thu hút một lượng lớn người xem trên TikTok? Các TikToker thực hiện những đoạn video này cũng có lượng người theo dõi rất lớn và kiếm được không ít tiền từ kênh TikTok của mình.
Dường như chính thị hiếu dễ dãi của một bộ phận cư dân mạng trẻ tuổi đã tạo "đất sống" cho những nội dung "bẩn" trên mạng xã hội, thậm chí góp phần giúp các TikToker tiếp tục tạo ra những phản cảm, kém chất lượng, bởi họ biết rằng những nội dung do mình làm ra vẫn được chính TikTok dung túng và được nhiều cư dân mạng ủng hộ.
Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trước những nội dung độc hại trên internet?
Với việc video "bẩn" và nhảm nhí xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, các bậc phụ huynh cần phải giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của con em mình trên TikTok nói riêng và trên internet nói chung, bởi lẽ không chỉ TikTok hay Youtube mà các nội dung nguy hại, không phù hợp với trẻ đang được chia sẻ tràn lan trên internet ngày nay.
Cha mẹ nên hạn chế để trẻ tự do khám phá nội dung trên mạng xã hội cũng như tiếp xúc quá sớm với internet. Phụ huynh cần biết được trẻ đã tiếp xúc với những nội dung nào trên internet để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời.
Quan trọng nhất vẫn chính là việc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con em của mình, giúp trẻ có thể khám phá cuộc sống thông qua thế giới bên ngoài và trải nghiệm thực tế, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone hay TV.