Nhiều người mất hàng triệu USD vì "cơn sốt" NFT
(Dân trí) - Từng có giá lên đến hàng triệu USD, nhiều tác phẩm NFT đã trở nên vô giá trị ở thời điểm hiện tại, đồng nghĩa với việc nhiều người đã mất hàng triệu USD vì mua những tác phẩm này.
"Cơn sốt" NFT nguội lạnh, nhiều tác phẩm NFT không còn giá trị gì
NFT, viết tắt của Non Fungible Token (tạm dịch: Token không thể thay thế) là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu, hay còn gọi là chuỗi mã NFT.
Mặc dù không có giá trị hữu hình, mã NFT được lưu trữ trên chuỗi khối, không thể phá hủy và không thể sao chép, có nghĩa nó là duy nhất.
Nhờ vậy, các nhà đầu tư NFT sẽ sở hữu độc quyền những tài sản được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT, thường là những tác phẩm kỹ thuật số như tranh, ảnh, tác phẩm âm nhạc, video hoặc những vật phẩm ảo trong game, vật phẩm trong vũ trụ ảo metaverse…
Dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi về giá trị thực, thị trường NFT đã từng bùng lên vào năm 2021, khi giá trị của các tác phẩm NFT tăng vọt. Nhiều người đã sẵn sàng chi ra hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD, để mua những tác phẩm NFT như một khoản đầu tư chờ bán lại sinh lời.
Tuy nhiên, "cơn sốt" NFT không kéo dài lâu và nhanh chóng hạ nhiệt vào năm 2022, khi giá trị thị trường tiền điện tử giảm mạnh, vốn là nền tảng cho việc giao dịch NFT, kéo theo sự sụt giảm giá trị của các tác phẩm NFT.
Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các tác phẩm NFT đã mất gần hết giá trị hoặc thậm chí không còn chút giá trị nào.
Theo nghiên cứu có tiêu đề "NFT đã chết" được thực hiện bởi NFT Scan, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các thông tin và giáo dục về NFT, thì có đến 69.795 trên tổng số 73.257 tác phẩm NFT hiện đã không còn giá trị gì, nghĩa là tương đương với 95% tác phẩm NFT đã trở nên vô giá trị vì không còn ai giao dịch và mua bán.
Nghiên cứu của NFT Scan cũng chỉ ra rằng 23 triệu nhà đầu tư đã từng chi tiền để sở hữu các tác phẩm NFT, nghĩa là một phần không nhỏ trong số đó đã thua lỗ khi đầu tư vào thị trường này.
"Đằng sau những câu chuyện về những tác phẩm kỹ thuật số được bán với giá hàng triệu USD chỉ sau một đêm, chúng ta quên mất thực tế rằng thị trường này đầy rẫy những cạm bẫy, lừa đảo và những tổn thất tiềm ẩn", báo cáo của NFT Scan viết.
Trong số những người chịu thua lỗ nhiều vì đầu tư vào thị trường NFT có thể kể đến nam ca sĩ Justin Bieber và nhà đầu tư người Iran Sina Estavi.
Khi "cơn sốt" NFT đang lan rộng trên toàn cầu, Justin Bieber đã chi ra 1,3 triệu USD để mua một tác phẩm trong bộ sưu tập NFT Bored Ape nổi tiếng. Đây là những bức tranh vẽ những con tinh tinh theo phong cách khác nhau, được tùy biến phù hợp với nhu cầu hoặc sở thích của người mua.
Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, tác phẩm NFT của Justin Bieber được định giá chỉ còn 59.090 USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với số tiền 1,3 triệu USD mà nam ca sĩ này đã chi ra để sở hữu tác phẩm.
Tương tự, nhà đầu tư tiền điện tử người Iran Sina Estavi cũng đã thua lỗ nghiêm trọng vì NFT. Năm 2021, nhà đầu tư này đã chi ra 2,9 triệu USD để mua tác phẩm NFT là dòng tweet đầu tiên được Jack Dorsey, nhà sáng lập Twitter, viết trên mạng xã hội này.
Sina Estavi từng chi ra 2,9 triệu USD để sở hữu tác phẩm NFT, nhưng tác phẩm hiện chỉ còn được định giá 280 USD (Ảnh: RT).
Sina Estavi sau đó đã tìm cách bán lại tác phẩm NFT của mình, có thời điểm ông còn hạ giá sản phẩm xuống mức 1 triệu USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tác phẩm NFT của Sina Estavi được định giá ở mức 280 USD.
Bill Gates từng gọi thị trường tiền điện tử và NFT là "trò của những kẻ ngốc"
Phát biểu tại một sự kiện về biến đổi khí hậu vào tháng 6/2022, tỷ phú Bill Gates cho rằng thị trường tiền điện tử và NFT hoạt động "100% dựa trên học thuyết kẻ ngốc hơn", nghĩa là kiếm tiền bằng cách định giá tài sản cao hơn mức thực tế và tìm ra những "kẻ ngốc hơn" để tiếp tục bán tài sản đó với giá cao hơn để kiếm lời.
"Giá trị của tiền điện tử chỉ dựa trên phán đoán rằng có người sẽ mua chúng với giá cao hơn, chứ không tạo ra bất kỳ lợi ích nào cho xã hội như các khoản đầu tư khác", tỷ phú Bill Gates chia sẻ.
Bill Gates tuyên bố ông muốn đầu tư vào những tài sản hữu hình và tạo ra sản phẩm thực tế như nhà máy, trang trại hoặc một công ty tạo ra sản phẩm… thay vì những thứ vô hình và không có giá trị thực như tiền điện tử hay các tác phẩm NFT.
Bạn thân của Bill Gates, nhà đầu tư tài ba Warren Buffett, cũng đã thể hiện quan điểm không ủng hộ tiền điện tử và Bitcoin. Buffett từng khẳng định rằng dù có thể mua lại toàn bộ số Bitcoin đang có với giá chỉ 25 USD, ông cũng sẽ từ chối không mua vì Bitcoin không có giá trị thực sự nào.
Theo UL/DTrends