DNews

"Bữa ăn cuối cùng" của TikTok tại Mỹ

Nam Đoàn

(Dân trí) - TikTok giờ đây giống như ngọn nến trước "cơn bão Mỹ", liệu ai có đủ can đảm để giữ ngọn lửa này? Hy vọng của TikTok để có thể sống sót tại quốc gia này quá mong manh.

"Bữa ăn cuối cùng" của TikTok tại Mỹ

Câu chuyện về việc cấm TikTok tại Hoa Kỳ làm dấy lên một cuộc tranh luận lớn về sự thay đổi cán cân quyền lực giữa các nước và những tập đoàn đa quốc gia.

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể thấy các quốc gia ngày càng khẳng định quyền lực của mình đối với các doanh nghiệp toàn cầu, đặt ra câu hỏi về những tác động đối với toàn cầu hóa và động lực kinh doanh quốc tế.

Tháng 4 đen tối

Mới đây, ngày 16/12, ông chủ Tiktok Shou Zi Chew đã ăn tối với Tổng thống Donald Trump với hy vọng có thể thuyết phục ông đảo ngược lệnh cấm đối với TikTok khi các nhà lập pháp Mỹ gửi thông tin yêu cầu Apple và Google xóa nền tảng này ra khỏi cửa hàng ứng dụng của họ.

Đáng buồn hơn, điều này có thể dẫn đến việc khai tử ứng dụng này ở châu Âu và các quốc gia phương Tây khác.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 1

Tại Hoa Kỳ, TikTok đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền kể từ năm 2020; thời điểm đó, chính Tổng thống Donald Trump là người "tấn công" ứng dụng này, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ.

Chính ông Trump là người muốn ép bán TikTok cho Oracle hoặc Microsoft trong vòng 45 ngày, nếu không muốn đột ngột bị cấm tại thị trường Mỹ.

Mạng xã hội này vốn bắt đầu quá trình bán cho công ty Mỹ, nhưng đã thoát cửa tử một cách thần kỳ, đặc biệt khi Tổng thống Trump đã dừng lại sau thất bại từ cuộc bầu cử năm 2020.

Hơn hai năm sau, dưới thời Tổng thống Joe Biden, vào tháng 3/2023, chính quyền Mỹ một lần nữa quyết định tấn công TikTok.

Quốc hội lên án mạnh mẽ ông chủ Shou Zi Chew, cáo buộc ông là gián điệp phục vụ cho Trung Quốc và nền tảng này đe dọa nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ. 

Rất nhanh chóng, họ đã thực thi một luật mới được gọi là Đạo luật Hạn chế, cho phép Hoa Kỳ trừng phạt các công ty Trung Quốc, Cuba, Iran, Triều Tiên, Nga và Venezuela.

Mục tiêu đầu tiên của các nhà lập pháp Mỹ nhắm tới rõ ràng là ByteDance, công ty mẹ của TikTok - với hơn 170 triệu người dùng - dường như là lý do số 1 cho việc tạo ra luật này.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 2

Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tham gia phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24/3 (Ảnh: Numerama).

Một năm sau, vào tháng 4, Quốc hội và Thượng viện chính thức bỏ phiếu cấm TikTok khi Tổng thống Joe Biden ký một đạo luật buộc ByteDance bán Tiktok hoặc bị cấm ở Hoa Kỳ trước ngày 19/1/2025.

Hiện TikTok vẫn còn chút hy vọng, ngày 19/1 chưa phải là ngày cuối cùng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump hoãn lại lệnh cấm trong vòng 90 ngày.

Và nếu không có gì thay đổi, TikTok sẽ phải bị gỡ khỏi App Store và Play Store, đồng thời chặn khỏi các mạng của Mỹ vào ngày 20/1, thời điểm ấn định TikTok chính thức sụp đổ tại Hoa Kỳ.

Tìm cửa sống từ "vị cứu tinh" Donald Trump

TikTok không đơn giản để mất đi thị trường béo bở của mình tại xứ sở cờ hoa, họ cùng một nhóm người sáng tạo nội dung đã kiện để chặn luật này vào tháng 5, với lập luận đây là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.

Cơ hội sống sót của TikTok ở Hoa Kỳ là gì? Vào tháng 12, khả năng ByteDance bán được nền tảng này dường như khó xảy ra, trong khi lệnh cấm chỉ còn tính bằng ngày.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 3

Rõ ràng, ByteDance muốn cứu TikTok và liên tục tăng cường kháng cáo để ngăn chặn luật, song đều bị thẩm phán bác bỏ.

Một bình luận từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tô thêm chút hy vọng vào một tương lai vốn u ám của nền tảng này.

Trái ngược với những suy nghĩ trước đây của ông về TikTok, khi đã thông qua luật cấm nền tảng này trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, giờ đây chủ nhân mới của Nhà Trắng cho biết ông có tình cảm nồng hậu với TikTok.

Ông Trump tin rằng ứng dụng đã giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri trẻ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay. Tuy nhiên, không có gì nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ cứu TikTok.

Tuy nhiên, kể từ khi đắc cử, vị tỷ phú dường như đã thay đổi quan điểm.

Trong cuộc phỏng vấn với NBC News mới đây, ông cho biết các thẩm phán có quyền cấm một ứng dụng nếu họ có thể chứng minh được rằng các công ty Trung Quốc sở hữu nó.

Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông không còn ghét TikTok kể từ khi bắt đầu sử dụng nó, nhưng không muốn chống lại công lý. Cuộc chiến của công lý là chống lại các công ty độc quyền khác của Mỹ và thật tệ nếu TikTok phải trả giá.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 4

Trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump vào ngày 16 /12, ông chủ Shou Zi Chew chắc chắn đã cố gắng cứu công ty của mình bằng cách thuyết phục ông Trump rằng, bản chất nền tảng này không gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, ông Trump đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, cử chỉ xoa dịu này có thể được coi là tin tốt cho TikTok, nhưng quyền lực của Tổng thống Mỹ vẫn bị hạn chế trong vấn đề này.

TikTok vẫn còn có chút hy vọng để giành được ân xá, nhưng lệnh cấm của nó giờ đây dường như không thể tránh khỏi.

Lệnh cấm của Mỹ đe dọa sự sống của TikTok ở châu Âu?

Đáng buồn, tại châu Âu, TikTok cũng không có được sự thân thiện từ các nhà chính trị gia.

Nền tảng đã bị một số đại diện chính trị châu Âu cáo buộc đã làm "choáng váng" những người trẻ.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 5

Nếu Mỹ cấm TikTok, ứng dụng có thể chết dần ở các quốc gia phương Tây.

Thứ nhất, do Liên minh châu Âu theo cách tiếp cận ủng hộ quy định, có thể quyết định đi theo Hoa Kỳ: cấm TikTok.

Thứ hai, TikTok bị cấm sẽ không có những người sáng tạo nội dung ở Mỹ, có thể mất 30% doanh thu và hàng triệu nội dung; so với Instagram, Facebook hay YouTube Shorts, TikTok sẽ mất đi sức hấp dẫn ở lục địa già (châu Âu).

Đây cũng là nỗi lo lớn của TikTok, đòi hỏi họ bằng mọi giá để nền tảng này có thể tồn tại ở Hoa Kỳ. 

Bài học từ lệnh cấm TikTok tại Hoa Kỳ

Sự thay đổi cán cân quyền lực hướng đến các quốc gia dân tộc trước những tập đoàn đa quốc gia được minh họa bằng mối đe dọa cấm TikTok, đặt ra cả thách thức và cơ hội.

Điều này không hoàn toàn tốt hay xấu, nhưng nó đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, trong khi thúc đẩy một thị trường toàn cầu cởi mở, sáng tạo và kết nối.

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Ananya Raj Kakoti (Đại học Jawaharlal Nehru), các quốc gia cần xây dựng những quy định minh bạch, hợp tác quốc tế và đối thoại mang tính xây dựng. Đây là điều cần thiết để điều hướng trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi.

Bữa ăn cuối cùng của TikTok tại Mỹ - 6

Điều cần thiết hiện nay là nỗ lực hợp tác để thiết lập các chuẩn mực và tiêu chuẩn toàn cầu nhằm bảo vệ cả an ninh quốc gia và lợi ích của toàn cầu hóa.

Chính phủ và các tập đoàn phải cùng nhau xây dựng các khuôn khổ cân bằng giữa chủ quyền quốc gia với nhu cầu về thị trường mở và đổi mới.

Bằng cách đó, chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường mà cả lợi ích quốc gia và kinh doanh toàn cầu đều có thể phát triển, đảm bảo một tương lai ổn định và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.