(Dân trí) - Dù TPHCM đã tiêm tổng cộng gần 9 triệu liều vắc xin Covid-19, nhưng tính từ thời điểm siết chặt giãn cách đến nay, chưa có ngày nào số ca mắc mới dưới mốc 4.000 bệnh nhân.
Vì sao TPHCM phủ dày vắc xin vẫn tăng hàng nghìn ca Covid-19 mỗi ngày?
(Dân trí) - Dù TPHCM đã tiêm tổng cộng gần 9 triệu liều vắc xin Covid-19, nhưng tính từ thời điểm siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó" đến nay, chưa có ngày nào số ca mắc mới dưới mốc 4.000 bệnh nhân.
Theo lộ trình bình thường mới, từ ngày 1/10 đến 31/10, TPHCM sẽ bước vào giai đoạn một của quá trình mở cửa kinh tế.
Trước mốc thời gian này, địa phương sẽ ưu tiên tiêm vắc xin, thí điểm "thẻ xanh Covid" và nới lỏng giãn cách ở các địa phương kiểm soát dịch tốt như Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Đến nay, TPHCM đã tiêm tổng cộng gần 9 triệu liều vắc xin Covid-19. Nhưng tính từ thời điểm siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên đó", chưa có ngày nào số ca nhiễm mới dưới mốc 4.000 bệnh nhân.
Vẫn tăng hàng ngàn ca nhiễm Covid-19, có đáng lo ngại?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM) nhận định, việc TPHCM vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày không có gì bất thường, bởi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng và ngành y tế vẫn đang tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.
Tuy vậy khác với thời điểm trước đây, ông Khanh nhấn mạnh số lượng mắc bệnh phát hiện này chủ yếu là F0 nhẹ, không có triệu chứng - đây là thành quả của việc đẩy nhanh tiến độ phủ vắc xin.
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong giảm mạnh trong những ngày qua. Đã 9 ngày liên tiếp, F0 tử vong tại TPHCM dưới con số 200 ca.
"Bệnh nhân tử vong chủ yếu là các trường hợp cũ dồn lại trong thời điểm quá tải điều trị, đã nằm nhiều ngày chứ không phải ca mắc mới. Bây giờ việc đếm số ca mắc mỗi ngày chỉ là thống kê, không còn quá quan trọng. Cái cần chỉ rõ là số lượng bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải thở máy và tử vong mỗi ngày là bao nhiêu" - bác sĩ Khanh phân tích.
Còn theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, qua ước tính bằng modelling (mô hình hóa dữ liệu trong công nghệ phần mềm), hệ số lây truyền Rt (hệ số lây nhiễm theo thời gian) sau 4 tháng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mạnh đã giảm từ hơn 5 (một người nhiễm bệnh có khả năng lây cho hơn 5 người) xuống còn 1,03.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hệ số lây truyền giảm là điều đáng mừng. Tuy nhiên nếu hệ số này cao trong bối cảnh người dân được phủ vắc xin dày thì vẫn tốt, vì sau khi nhiễm và hết bệnh, sẽ có miễn dịch cộng đồng.
Ý thức người dân rất quan trọng
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố (đơn vị đang quản lý chính BV dã chiến điều trị Covid-19 số 4) cùng nhận định dịch bệnh đã len lỏi sâu trong cộng đồng, nên không có gì ngạc nhiên khi thành phố vẫn ghi nhận hàng ngàn ca mỗi ngày. Với biến chủng Detla có khả năng lây nhiễm nhanh và thời gian ủ bệnh ngắn, cộng với xét nghiệm liên tục vừa qua, thì việc hôm nay âm, ngày mai dương là điều bình thường.
"Số lượng ca mắc mới nhiều chỉ tăng gánh nặng cho các cơ sở thu dung, nhận bệnh nhẹ. Còn số lượng ca trở nặng và không triệu chứng đã giảm mạnh so với những tháng trước đây. Người tiêm vắc xin rồi vẫn có thể mắc bệnh nhưng giảm hẳn tỉ lệ có triệu chứng, đã mắc thì vẫn lây cho người khác" - bác sĩ Nam lý giải.
Theo bác sĩ Nam, những ngày gần đây lượng bệnh Covid-19 nặng tại BV dã chiến số 4 đã giảm từ khoảng 250 ca xuống còn 100 ca. Tương tự ở BV Nhi đồng Thành phố, từ 25 ca bệnh Nhi nặng nằm cùng lúc khi cao điểm nay chỉ còn 10-12 trường hợp.
Bác sĩ Nam cho rằng khi đến thời điểm mở cửa kinh tế, chủ trương điều trị tại nhà của ngành y tế nên tiếp tục được đẩy mạnh thay vì đẩy mạnh xét nghiệm để bóc tách F0. Dịch đã lây lan sâu, xét nghiệm diện rộng ở TPHCM trong bối cảnh hiện nay không còn phù hợp.
Ngoài ra, cần tăng tốc hơn nữa việc tiêm chủng vắc xin mũi 2 cho người dân, từ đó có thống kê các khu vực đã phủ vắc xin tốt để tiến hành mở cửa những nơi này trước.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, kiêm quản lý khoa Điều trị Covid-19, BV Nhi Đồng 2 cho hay, đặc thù nơi ông làm việc là tuyến cuối điều trị cho trẻ em nên bệnh nhân ở đây chủ yếu là các trường hợp trẻ sơ sinh, trẻ dưới 12 tháng và trẻ có bệnh lý nền nặng như ung thư, bệnh về huyết học, nội tiết, suy thận, phổi mãn tính… Tuy nhiên trong khoảng một tuần trở lại đây, lượng bệnh đã giảm khoảng 40%, từ hơn 228 bệnh xuống còn khoảng 140 ca. Số lượng tử vong cũng dừng ở con số 11 trường hợp từ lâu.
"Việc chủng ngừa mũi một và mũi 2 vắc xin khá lớn giúp tỉ lệ bệnh nặng giảm, giảm áp lực cho hệ thống y tế. BV cũng đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất đầy đủ nên không còn bị động trong việc điều trị như thời điểm ban đầu, khả năng cứu sống trường hợp nguy kịch cũng cao hơn" - bác sĩ Việt nói.
Cũng theo bác sĩ Việt, đến ngày 1/10 có thể hy vọng khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Việc không còn F0 trong cộng đồng là điều không thể, bởi phủ vắc xin dày không đồng nghĩa việc bệnh nhân có miễn dịch hoàn toàn và không mắc bệnh, mà chỉ làm giảm tỉ lệ nhập viện. Bệnh nhân nhẹ có thể tự điều trị tại nhà.
Bác sĩ Việt khẳng định, để TPHCM mở cửa phục hồi kinh tế thì ý thức người dân thời điểm này rất quan trọng.
Cụ thể nếu ra đường, hãy xem tất cả những người mình đối diện là F0 để tự bảo vệ. Phải tiếp tục tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, giãn cách, rửa tay… Nếu là F0 đang mắc bệnh, tuyệt đối phải cách ly ở nhà. Cần phải có chính sách kiểm soát chặt chẽ, không để F0 tự do đi lang thang.
Kể cả người thân ở chung nhà với F0 cũng phải có ý thức việc mình đang là mối nguy cơ cho những người xung quanh nếu chẳng may bị nhiễm. Họ phải chủ động báo chính quyền, cơ quan chức năng để được lưu ý theo dõi, thậm chí tự xin ở nhà chăm sóc người thân thay vì tới cơ quan làm việc dù đã được tiêm vắc xin.
"Nếu không có ý thức, người dân có thể mang nguồn lây đi khắp nơi. Do đó, việc mở cửa cần tính toán, phân loại kỹ các nhóm đối tượng chứ không thể "bung" ra hết được" - bác sĩ Đỗ Châu Việt chia sẻ.