F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Vạch đỏ thứ 2 trên que test nhanh Covid-19 dần hiện lên khiến tôi như "đổ sụp". Người đầu tiên tôi nghĩ đến lúc này là mẹ, bởi bà năm nay đã 67 tuổi, bị bệnh nền nặng.

LTS: Chị Trương Ngọc Bảo Trân, 29 tuổi, sống tại quận 8, TPHCM cùng 15 thành viên khác trong gia đình không may mắc Covid-19. Cả nhà đã cùng sát cánh bên nhau tự chữa trị Covid-19, trải qua những giờ phút như "đứng tim" vì người mẹ đã cao tuổi kèm thêm bệnh nền tiểu đường và cao huyết áp, trở nặng.

Được sự đồng ý chia sẻ câu chuyện và hình ảnh của nhân vật, Dân trí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc quá trình vượt qua bạo bệnh của gia đình chị.

Cả gia đình 16 người đều là F0

Điều không mong muốn nhưng đã được đoán trước: Mẹ tôi cũng dương tính SARS-CoV-2 và rồi tiếp đó tất cả thành viên trong nhà đều nhận chung kết quả.

F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19 - 1

Gia đình của chị Trương Ngọc Bảo Trân.

Hai đứa cháu học cấp 2 òa khóc khi biết mình dương tính, còn người lớn trong nhà có lẽ cũng không "khá khẩm" hơn khi ai nấy đều lòng nặng trĩu, hoang mang.

"Mẹ và mấy đứa nhỏ sẽ bình an chứ?", tôi tự hỏi.

16 thành viên trong nhà bước vào cuộc chiến với Covid-19 mà gần như chưa chuẩn bị được gì và thật sự cũng không biết phải làm gì, bởi lúc đó chưa ai có triệu chứng gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi đều ý thức được rằng, không thể bị động ngồi yên chờ căn bệnh ập đến.

Thế là mỗi người một việc, anh hai tất bật nhờ người quen mua thuốc. Chả biết thuốc nào cho đúng nên mua hẳn 2 thùng với đủ các loại, 6 máy phun khí dung để đề phòng; còn tôi lên mạng tìm hiểu và đặt mua máy đo SpO2 cho cả nhà.

Đút từng thìa cháo, mớm từng viên thuốc

Sẵn sàng thuốc men, máy móc, thực phẩm và kha khá kinh nghiệm học được từ các hội nhóm F0 tự điều trị, chúng tôi phần nào vững tâm hơn và thậm chí đã nghĩ rằng "đau gì thì uống thuốc đó" là có thể dễ dàng thắng được Covid-19. Nhưng chỉ ngay hôm sau, căn bệnh này đã cho chúng tôi biết là mình đã nhầm.

F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19 - 2

Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng mà gia đình Trân đã sử dụng trong quá trình điều trị Covid-19.

9h tối, mẹ đang ngồi thì đột nhiên cảm thấy trong người chóng mặt, khó chịu. Tôi chỉ nghĩ bà bị tăng huyết áp hoặc đường huyết. Vừa quay đi lấy máy để đo thì bên này bà đã nôn dồn dập.

Kết quả đo cả huyết áp lẫn chỉ số đường huyết đều tăng mạnh, trong khi đó SpO2 của bà tụt dưới 90%. Mẹ vẫn tiếp tục nôn không có dấu hiệu gì cải thiện. Cả nhà tôi rối lên vì lo lắng. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ.

Tôi cố định thần lại, tiêm cho mẹ một liều Insulin để hạ đường huyết rồi cho bà uống tiếp một viên hạ huyết áp và một viên ngừa đột quỵ.

Anh hai cũng tức tốc nhờ người quen mua bình oxy về ngay trong đêm.

Được ít phút sau mẹ lại nôn. Ơn trời, mẹ không nôn ra thuốc nhưng lại có một thứ gì đó như kén tằm cỡ đốt tay có màu đỏ hồng bao xung quanh (Sau này tìm hiểu tôi mới biết là máu đông).

F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19 - 3

Huyết áp của mẹ Trân lúc chuyển biến nặng.

Cuối cùng bình oxy cũng về tới nhà. Người bán bình oxy là một dược sĩ nên điện thoại chỉ dẫn rất tận tình. Sau khi mở oxy ở mức 5, tôi cho mẹ uống thêm thuốc chống đông máu theo chỉ dẫn. Bà dần ổn định trở lại, cả nhà trút được một gánh nặng sau mấy giờ đồng hồ căng như dây đàn. Đêm hôm đó, các thành viên thay nhau túc trực canh bên giường của mẹ.

Sáng hôm sau, tôi liên hệ được với y tế cộng đồng và được tư vấn, hỗ trợ rất tận tình. Trạm cũng cho gia đình mượn bình oxy 40 lít vì bình oxy 5 lít tại nhà không đủ đáp ứng với tình trạng của bà nếu trở nặng.

Nhiều người khuyên chúng tôi đưa mẹ đi bệnh viện, nhưng cả nhà đều sợ vào trong đó bà không có người thân bên cạnh. Do đó, chúng tôi thống nhất để mẹ ở nhà theo dõi và điều trị thêm, khi tình huống quá xấu sẽ đưa bà đi.

Hôm đó, thêm anh hai bất ngờ trở nặng, có lẽ là do mấy ngày qua lo toan cho cả nhà quá nhiều. Anh sốt cao 40 độ, chỉ số đường huyết tăng, SpO2 giảm. Tôi nhận nhiệm vụ chạy lên, chạy xuống 2 tầng để chăm mẹ và anh.

Lại thêm một ngày nữa chồng chất khó khăn, mẹ tôi dường như ngủ suốt trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, không ăn uống gì được vì mệt và mất vị giác.

Tôi xay cháo thật nhuyễn, động viên mẹ ăn nhưng bà gắng lắm cũng chỉ húp được 2-3 muỗng là lắc đầu. Đổi sang nước yến, sữa rồi cả nước lọc nhưng tất cả bà cũng chỉ uống được 2-3 muỗng là ngừng.

Tôi vẫn kiên trì cứ 15 - 30 phút lại tiếp tục đút cho bà như vậy. Cả ngày, bà cũng gắng được hết một chén cháo loãng và nửa hộp sữa cho người tiểu đường.

Xong bữa ăn lại sang ép mẹ uống thuốc, đút từng viên một. Rất may bà nửa tỉnh nửa mê nhưng vẫn rất cố gắng nghe lời mình.

Còn anh hai dù không nặng như mẹ, nhưng phải thở oxy liều thấp và khó ăn uống. Trộm vía, mấy đứa nhỏ khỏe mạnh, nên cả nhà cũng đỡ lo phần nào, chỉ dồn lực cho mẹ và anh.

Ngày thứ 7 của cuộc chiến, mẹ phải thở oxy mức 12. Liên hệ oxy trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cả nhà trong những ngày này, vì bình 40 lít của mẹ chỉ thở được trong 10 tiếng.

Tôi vẫn tiếp tục nhiệm vụ đút từng thìa cháo, từng viên thuốc cho bà. "Hôm nay, mẹ đã ăn lên được 2 chén cháo loãng, gần một hộp sữa và uống được một ít nước yến rồi nhé", cả nhà đều phấn khởi ra mặt khi tôi thông báo tiến triển của bà.

Một ngày "đứng tim" nhiều tập

Đến ngày thứ 8, mẹ lại làm cả nhà một phen đứng tim nhiều tập. Cả ngày mẹ chỉ đi vệ sinh được một lần duy nhất và cực khó khăn. Mỗi lần bà di chuyển, con cháu người thì đỡ bà, người lại phải vần cả bình oxy 40 lít đi theo.

F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19 - 4

Mẹ của Trân trong giai đoạn bệnh diễn biến nặng.

Vừa dìu bà trở lại phòng, tôi lấy máy đo SpO2 ngay. Cả nhà "đứng tim" khi trên màn hình hiển thị con số 60% - rất nguy kịch. Tôi cố gắng không khóc, nén hết cảm xúc lại để mở thêm bình oxy 5 lít lấy dây thở bằng mũi cho mẹ và chụp thêm mặt nạ thở của bình 40 lít ra ngoài để tăng tối đa oxy.

Lắp đặt xong, chúng tôi đỡ mẹ nằm nghiêng, ráng vỗ bên hông sườn cho khí vào phổi. Sau tất cả nỗ lực, chỉ số SpO2 của mẹ đã nhích dần lên 80% rồi 83%.

Tối đó, thấy môi mẹ hơi sưng. Tôi liền lên mạng tìm hiểu thì được biết nếu môi sưng phù lên, người bệnh có thể ra đi trong lúc ngủ. Tới đó là không dám đọc nữa.

Cả đêm tôi chỉ nhìn mẹ, chốc chốc lại khẽ gọi cho mẹ mở mắt rồi đút nước, đút sữa, không dám để mẹ ngủ quá dài. Cứ như vậy tới sáng.

Ban ngày mẹ đỡ hơn chút, SpO2 có khi lên được 90% nhưng cứ đêm xuống là lại trở nặng.

"Chúng tôi vẫn còn có mẹ để ôm vào lòng!"

Ngày thứ 9 của cuộc chiến, chúng tôi may mắn liên hệ được với bác sĩ bệnh viện 115 xuống khám cho mẹ và cả nhà. Sau khi khám, bác sĩ cho thêm thuốc, bảo cho mẹ uống liền và theo dõi nếu SpO2 không cải thiện thì nên nhập viện.

May sao, mẹ đáp ứng tốt với thuốc, ngay ngày hôm sau SpO2 tăng lên 92 - 94%. Ăn uống được nhiều hơn chút ít. Hôm sau nữa, tình trạng của bà tiếp tục cải thiện, SpO2 nhích lên được 95%.

F0 ở TPHCM kể chuyện giành lại mẹ già từ tay Covid-19 - 5

Mẹ của Trân thời điểm dần hồi phục.

Từ ngày thứ 12 đến ngày thứ 15, mẹ tiến triển nhiều hơn, hạ mức thở từ từ. Cả nhà không phải đi chạy vạy oxy khắp nơi nữa.

Hơn nửa tháng chiến đấu với căn bệnh quái ác, mẹ đã dần hồi phục, ăn được đủ 3 bữa cơm, 2 hộp sữa, một chai yến mỗi ngày. Bà cũng dần tỉnh hơn, môi không còn tím tái, lúc này vui không thể tả mặc dù bà vẫn phải thở oxy.

Từ ngày thứ 20, mẹ đã cai được oxy. Và 3 ngày sau, cả gia đình vỡ òa khi cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm PCR âm tính SARS-CoV-2 của bà.

Dù vẫn còn một chặng đường dài để mẹ có thể hồi phục hoàn toàn sức khỏe vì bà còn yếu, thậm chí quên khá nhiều tên con cháu nhưng điều quan trọng là qua giai đoạn khó khăn nhất, chúng tôi vẫn còn có mẹ để ôm vào lòng!