Sức nóng bên trong chốt chặn sinh - tử của những F0 nặng nhất miền Bắc
(Dân trí) - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương suốt 2 tháng qua luôn trong tình trạng hoạt động với cường độ cao, khi các bệnh nhân Covid-19 nặng khắp miền Bắc liên tục được chuyển về.
BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất, toàn bộ Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 122 bệnh nhân Covid-19.
Trong số này, có 40 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, đều là các trường hợp nặng và nguy kịch. Những bệnh nhân còn lại được điều trị tại Khoa Virus - Ký sinh trùng.
"Hiện chúng tôi có 20 ca đang phải thở máy và một trường hợp phải can thiệp ECMO. Hầu hết các bệnh nhân đều là người cao tuổi và có bệnh nền", BS Phúc thông tin.
Trường hợp duy nhất đang phải can thiệp ECMO tại Khoa Hồi sức tích cực là một cụ ông 75 tuổi, có nhiều bệnh nền.
Cá biệt vẫn có các bệnh nhân trẻ diễn biến rất nặng. Điển hình là trường hợp bệnh nhân 36 tuổi, người Điện Biên mắc Covid-19 có tình trạng sốc và suy hô hấp phải hỗ trợ thở oxy. Bệnh nhân được xác định có bệnh nền HIV. Cũng theo BS Phúc, trước đó Khoa đã từng tiếp nhận các bệnh nhân trẻ có bệnh nền HIV diễn biến nặng phải đặt ống thở máy.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 26 tuổi cũng diễn biến nặng vì Covid-19. Các bác sĩ đang thực hiện các xét nghiệm để tìm bệnh nền của trường hợp này.
Đáng chú ý, theo BS Phúc, hiện có khoảng 20% các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa chưa hề tiêm một mũi vaccine Covid-19 nào.
"Nhiều người bệnh và cả gia đình họ có tâm lý vì đã cao tuổi, nhiều bệnh nền nên ngại tiêm vaccine. Tuy nhiên, thực tế chính những trường hợp đó mới là người cần được bảo vệ bởi vaccine nhất", BS Phúc phân tích.
Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân nam, 79 tuổi, sống tại Nam Định có bệnh nền tăng huyết áp, suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính và chưa tiêm vaccine. Sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân tiến triển rất nhanh và phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chỉ sau 2 ngày thành F0.
"Hiện tại bệnh nhân phải thở máy. Với các trường hợp tuổi cao, nhiều bệnh nền như vậy tiên lượng sẽ rất nặng", BS Phúc cho hay.
Tại điểm nóng này, hiện có 8 bác sĩ (6 bác sĩ chính và 2 bác sĩ hỗ trợ) cùng với 6 điều dưỡng chính và 2 học viên hỗ trợ (theo chế độ 3 ca, 4 kíp) đảm nhận khối lượng công việc rất lớn.
Với các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, bên cạnh thực hiện y lệnh, lực lượng điều dưỡng còn phải kiêm luôn các nhiệm vụ chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân từ A đến Z.
Bên cạnh đó, các F0 nặng cũng đòi hỏi các y bác sĩ phải theo dõi sát tình trạng sức khỏe 24/24h vì có thể diễn biến nguy hiểm bất kỳ lúc nào.
Không ít bệnh nhân trong quá trình cai máy thở ngưng dùng thuốc an thần khi tỉnh lại bị kích thích rất nhiều. Những trường hợp này, các y bác sĩ buộc phải cố định tay chân của bệnh nhân.
Theo BS Phúc, để giảm tải cho tuyến đầu, cũng như tối ưu hóa công tác điều trị, các bệnh nhân nặng sau khi chữa khỏi Covid-19 cũng như tình trạng tương đối ổn định sẽ được chuyển xuống tuyến dưới, để tiếp tục điều trị các tổn thương trong cơ thể cũng như bệnh nền cho đến khi được xuất viện.
Với việc bệnh nhân được luân chuyển liên tục, Khoa Hồi sức tích cực vẫn đảm bảo khả năng tiếp nhận khoảng 4 - 6 ca nặng mỗi ngày, suốt 2 tháng cao điểm vừa qua mà không hề bị quá tải.