DMagazine

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch "Delta"

(Dân trí) - Thủ đô đang chạy đua với dịch bệnh bằng các biện pháp "siết" giãn cách, mô hình điều trị 4 tầng và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

NHÌN LẠI HƠN 20 NGÀY HÀ NỘI ĐỐI ĐẦU VỚI SÓNG DỊCH "DELTA"

Thủ đô đang chạy đua với dịch bệnh bằng các biện pháp "siết" giãn cách, mô hình điều trị 4 tầng và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Dịch bùng lên với 11 chùm ca bệnh, lan rộng 30 quận, huyện

Ngày 5/7, Hà Nội bất ngờ phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2, đó là một nam tài xế lái xe đường dài (có tiếp xúc với F0 ở Hà Nam), địa chỉ tại huyện Mỹ Đức và một nam bảo vệ tại Khu công nghiệp Thăng Long (tiếp xúc với F0 là người nhà tại Bắc Giang). 2 ca bệnh này đã kết thúc chuỗi 9 ngày yên bình của Thủ đô, mở đầu cho đợt bùng dịch mới.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 1

Xét nghiệm các trường hợp liên quan F0 tại Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đợt dịch mới chủ yếu gây ra bởi biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 29/7, tức là chỉ sau 23 ngày, Hà Nội đã có thêm 666 F0, với 11 chùm ca bệnh, trong đó có 8 chùm chưa xác định được nguồn lây, dịch lan 30 quận, huyện. Đáng chú ý, những ngày qua, trường hợp F0 phát hiện qua sàng lọc người ho, sốt trong cộng đồng và các ca bệnh thứ phát được ghi nhận với số lượng lớn.

Đặc điểm của đợt dịch lần này là tấn công vào những khu vực "nhạy cảm" như: khu công nghiệp (KCN Thăng Long); bệnh viện (Bệnh viện Phổi Hà Nội); khu vực dân cư đông đúc (các khu phố trung tâm, chung cư); chợ dân sinh (Chợ Bùng, Chợ đầu mối Đền Lừ).

Với đặc điểm mật độ người cao, thường xuyên có tiếp xúc, những khu vực này được các chuyên gia dịch tễ đánh giá có nguy cơ rất lớn và khó kiểm soát.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 2
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 3
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 4
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 5

Đáng chú ý, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc bệnh viện bị Covid-19 tấn công là rất nguy hiểm, bởi các bệnh nhân có sẵn bệnh nền, trong trường hợp mắc Covid-19 thì nguy cơ chuyển biến nặng sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, nếu lực lượng y, bác sĩ bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng nguồn nhân lực chống dịch.

Giãn cách toàn thành phố và hàng loạt biện pháp chống dịch

Trong bối cảnh trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, rải rác ở nhiều quận huyện, đặc biệt nhiều chùm ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, từ 19/7, Hà Nội bắt đầu thực hiện Công điện 15, "siết chặt" các biện pháp giãn cách phòng chống dịch. Nội dung công điện yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện…

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 6

Hà Nội trong ngày đầu tiên giãn cách.

Tối 23/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 7
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 8

Để kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài thâm nhập vào địa bàn thành phố, Hà Nội thực hiện cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch, đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7 của Thủ tướng Chính phủ; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch; công tác công vụ đảm bảo các yêu cầu, quy định phòng chống dịch, được cấp thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng đã đồng loạt thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt khác để kiểm soát dịch bệnh.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 9
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 10
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 11
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 12

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thành lập các tổ công tác để xử phạt trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Tính đến chiều 26/7, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 17, cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội đã xử phạt hành chính số tiền hơn 1,5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. Đa số các lỗi người dân mắc phải như không đeo khẩu trang, ra ngoài không có lý do, tụ tập đông người...

Sáng 26/7, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) kết hợp cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tiến hành phun khử khuẩn diện rộng tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 13
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 14
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 15

Nhằm phát hiện triệt để các F0 đang lẩn khuất trong cộng đồng, ngành y tế Hà Nội đã rà soát, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 với các trường hợp ho, sốt, chưa có nguyên nhân rõ ràng, nghi ngờ mắc Covid-19, không cần yếu tố dịch tễ.

Một số khu vực tại Hà Nội cũng đã bắt đầu phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ, để giảm thiểu mật độ người trong các khu chợ.

Tại phường Nhật Tân, từ 27/7, cơ quan chức năng đã bắt đầu thực hiện phương án này. Mỗi hộ sẽ nhận được một thẻ đi chợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, trên mỗi thẻ sẽ ghi tên hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi thẻ chỉ áp dụng cho một người ra ngoài.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 16

Trước khi vào chợ, người dân được kiểm tra phiếu đi chợ do UBND phường Nhật Tân cấp để đảm bảo không tập trung đông người.

Trong đó, hộ có thẻ ngày chẵn sẽ đi chợ buổi sáng từ 6h45 đến 7h45 cho các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 và đi chợ vào buổi chiều từ 15h30 đến 16h30 cho ngày thứ 7.

Còn hộ có thẻ ngày lẻ sẽ đi chợ buổi sáng từ 6h45 đến 7h45 cho các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 và đi chợ vào buổi chiều từ 16h45 đến 17h45 cho ngày chủ nhật.

Xây dựng hệ thống điều trị 4 tầng, lên phương án cách ly F1 tại nhà

Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến dịch, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn: 1.000, 5.000, 10.000, 20.000, 50.000 giường. Hệ thống điều trị cũng được chia làm 4 tầng:

- Tầng 1: Bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện Hà Nội sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô với quy mô 500 giường và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.

- Tầng 2: Điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở Y tế sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

- Tầng 3 và 4: Gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 17

Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm 4 tại chỗ, bên cạnh các bệnh viện của thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở Y tế sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

Về năng lực xét nghiệm của thành phố hiện tại là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy. Thành phố cũng có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và người về từ vùng dịch để trình Sở Y tế Hà Nội xem xét.

Mục đích của đề xuất này là để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn ngừa tình trạng quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế.

1.200 "dây chuyền", 100 tổ cấp cứu tham gia chiến dịch tiêm chủng lịch sử

Để chủ động "tấn công" dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất lịch sử.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 18

Tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Hà Nội.

Thành phố đã xây dựng phương án tiêm chủng với công suất tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày. Để đáp ứng yêu cầu này, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm chủng. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, thành phố cũng đã chuẩn bị thêm 200 dây chuyền dự phòng. Bên cạnh đó, 100 tổ cấp cứu lưu động được triển khai để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Lực lượng chức năng triển khai chiến dịch tiêm chủng theo 2 hình thức là tổ chức điểm tiêm chủng cố định và điểm tiêm chủng lưu động.

Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 19
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 20
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 21
Nhìn lại hơn 20 ngày Hà Nội đối đầu với sóng dịch Delta - 22

Ngày 27/7, hàng trăm người dân gồm các tiểu thương, người trong khu vực có dịch, khu đông dân đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19, mở đầu cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng ở Thủ đô.

Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc xin. Với nguồn vắc xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.