(Dân trí) - Năm 2024, ngành y tế Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức từ các dịch bệnh lưu hành, tái nổi và mới nổi. Đặc biệt, "khoảng trống vaccine" kéo theo sự gia tăng các bệnh vốn đã được kiểm soát.
Năm 2024, các dịch bệnh lưu hành, tái nổi và mới nổi đặt ra nhiều thách thức đối với ngành y tế Thủ đô.
Đặc biệt, "khoảng trống vaccine" sau đại dịch Covid-19 đã khiến sức đề kháng cộng đồng suy giảm, dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh vốn đã được kiểm soát trước đây như: sởi, ho gà. Trong khi đó, nguy cơ xâm nhập từ các dịch bệnh mới nổi trên thế giới lại luôn hiện hữu.
Là lực lượng chủ lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh, một năm qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã "vá" khoảng trống miễn dịch và kiểm soát dịch như thế nào?
Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với ThS Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội để mang đến bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chống dịch tại Thủ đô trong năm qua.
Ông có thể đưa ra một bức tranh tổng quan về diễn biến dịch tại Hà Nội trong năm 2024?
Theo nhận định của chúng tôi, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại Hà Nội tương đồng với xu hướng và tình hình dịch chung của thế giới và tại Việt Nam.
Năm 2024, trên thế giới có nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và tái nổi như cúm A/H5N1, MERS-CoV, Ebola, Marburg, đậu mùa khỉ (mpox)...
Nhờ kiểm soát tốt, trên địa bàn không ghi nhận các dịch bệnh này. Hà Nội tiếp tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.
Về dịch sốt xuất huyết, toàn thành phố ghi nhận gần 9.000 ca mắc. Số mắc giảm nhiều so với năm 2023 và không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Trong năm qua, Hà Nội cũng ghi nhận 7 ổ dịch dại trên đàn chó, đã được ngành y tế và ngành thú y phối hợp xử lý hiệu quả. Các trường hợp người phơi nhiễm với bệnh dại đều được điều trị dự phòng bằng huyết thanh và vaccine kịp thời, không để xảy ra trường hợp tử vong do bệnh dại trên người.
Bệnh tay chân miệng ghi nhận gần 2.500 ca mắc, đợt cao điểm dịch vào giai đoạn tháng 8-9 hàng năm được khống chế hiệu quả, với số mắc thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, thành phố ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh có vaccine phòng ngừa như sởi (hơn 200 trường hợp) và ho gà (241 trường hợp).
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là tản phát và mắc bệnh do trẻ chưa đủ tháng tuổi tiêm chủng, một số trẻ tiêm chủng chưa đầy đủ, không ghi nhận ổ dịch phức tạp.
Bên cạnh đó, ghi nhận rải rác các dịch bệnh lưu hành khác: liên cầu lợn (10 trường hợp), não mô cầu (3 trường hợp), viêm não Nhật Bản (2 trường hợp), rubella (một trường hợp), uốn ván người lớn (18 trường hợp), Covid-19 (1.207 trường hợp).
Một năm đương đầu với nhiều dịch bệnh lưu hành, mới nổi và tái nổi, CDC Hà Nội đã phải đối mặt với những thách thức nào?
- Hà Nội có mật độ dân cư đông đúc, di biến động dân cư lớn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, cũng như đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý, giám sát phòng chống dịch.
Bên cạnh các dịch bệnh nội tại, Hà Nội còn là cửa ngõ giao thương với quốc tế. Do đó, trong một năm thế giới liên tục "báo động đỏ" vì các dịch bệnh mới nổi, Thủ đô cũng đối mặt với nguy cơ dịch xâm nhập. Điều này đòi hỏi công tác giám sát dịch bệnh tại cửa ngõ hàng không quốc tế phải rất chặt chẽ.
Một vấn đề khác, cần phải nhấn mạnh đó chính là "khoảng trống vaccine". Khi Covid-19 hoành hành, chúng ta tập trung phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội nên tỷ lệ tiêm chủng phòng các bệnh khác sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế này kéo theo khả năng miễn dịch của người dân với nhiều dịch bệnh lưu hành suy giảm.
Đối với các sản phụ không được tiêm/tiêm đủ vaccine phòng bệnh sẽ kéo theo trẻ sinh ra có khả năng miễn dịch yếu. Thực tế, chúng ta có thể thấy, tỷ lệ trẻ không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước, mắc các bệnh đã có vaccine phòng ngừa tăng trong thời gian qua.
Đồng thời vẫn còn một bộ phận người dân không tuân thủ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan bùng phát giữa các khu vực trên địa bàn thành phố và giữa các tỉnh/thành phố.
Vậy CDC Hà Nội đã vượt qua những thách thức này để kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô như thế nào?
- Đạt được những kết quả trong năm qua là thành quả của cả hệ thống chính trị, CDC nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội.
Phải kể đến vai trò của sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể với ngành y tế và sự kết nối chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở với các đơn vị y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.
Ở tất cả các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đã có sự chủ động tham mưu, xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Kế hoạch phòng chống dịch hàng năm được xây dựng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, được rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp từ đặc điểm tình hình thực tế và các khó khăn vướng mắc trong năm trước.
Phương châm "4 tại chỗ" được áp dụng linh hoạt để các địa phương có thể chủ động trong công tác phòng, chống dịch với các nguồn lực sẵn có tại địa phương, kết hợp sự hỗ trợ, chỉ đạo của tuyến trên mà không bị phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến trên.
Chúng tôi cũng thiết lập và duy trì hệ thống giám sát dịch một cách chủ động (tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng) thông qua hoạt động giám sát chủ động tại 65 bệnh viện trong và ngoài công lập đóng trên địa bàn (từ tuyến Trung ương đến tuyến quận/huyện/thị xã) do CDC và các TTYT thực hiện.
CDC Hà Nội thành lập 5 đội cơ động chống dịch và phân công mỗi đội hỗ trợ 6 đơn vị quận huyện để thường xuyên kết nối, trao đổi, hỗ trợ và trực tiếp xuống phối hợp, kiểm tra, giám sát, điều tra xử lý tại các địa phương.
Đơn vị cũng đã định kỳ, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các buổi giao ban chuyên môn để trao đổi, thảo luận, hướng dẫn thống nhất thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội.
Như ông có đề cập, khoảng trống vaccine do Covid-19 gây ra là một trong những thách thức lớn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Vậy khoảng trống vaccine đã dẫn đến những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh ở Hà Nội như thế nào, điển hình là dịch sởi?
- Tiêm chủng đã bảo vệ hàng triệu trẻ em tại Việt Nam khỏi nhiều loại bệnh truyền nhiễm trong suốt hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và hoạt động tiêm chủng dịch vụ tại Hà Nội đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vaccine.
Chương trình tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm như: sởi, rubella, ho gà, bạch hầu... đã bị gián đoạn trong suốt thời gian cao điểm của Covid-19. Việc trì hoãn hoặc giảm tỷ lệ tiêm chủng khiến cho cộng đồng dễ dàng bị tấn công bởi các mầm bệnh vốn đã được kiểm soát trước đây.
Khoảng trống vaccine do đại dịch Covid-19 gây ra là một vấn đề quan trọng trong việc phòng chống các dịch bệnh ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng.
Tại Hà Nội, khoảng trống này đã ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh, trong đó điển hình là bệnh sởi khi Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca mắc. Trong đó, tỷ lệ ca mắc không tiêm chủng đầy đủ chiếm tỷ lệ tương đối.
Ngoài ra, mặc dù dịch Covid-19 đã giảm dần, nhưng tâm lý lo ngại về việc tiêm chủng trong cộng đồng vẫn còn, việc người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào các loại vaccine hoặc không kịp thời tham gia chương trình tiêm chủng có thể dẫn đến nguy cơ các dịch bệnh tái phát.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi, vaccine (td) uốn ván - bạch hầu là một trong những biện pháp để "vá" khoảng trống miễn dịch do Covid-19 gây ra trên cả nước. CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị triển khai chiến dịch này như thế nào, cũng như các kết quả đạt được ở thời điểm hiện tại?
- Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi, uốn ván - bạch hầu trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai trong tháng 10-11/2024.
Trước tình hình một số dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, CDC đã chủ động tham mưu thành phố đề xuất Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bộ Y tế cho Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ 1-5 tuổi và vaccine phòng uốn ván - bạch hầu đối với trẻ 7 tuổi trên địa bàn toàn thành phố.
Nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn tham gia nên việc triển khai chiến dịch được thuận lợi, hiệu quả và an toàn.
Trong đó đặc biệt là việc rà soát đối tượng trẻ 1-5 tuổi diễn ra ở cả cộng đồng (những trẻ chưa đi học) và trường học (những trẻ đi nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo).
Việc rà soát trẻ tại cộng đồng có sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, chính quyền (tổ dân phố, ban ngành đoàn thể), còn tại trường học có sự phối hợp từ nhà trường nên diễn ra nhanh chóng và toàn diện, hạn chế bỏ sót trẻ thuộc diện tiêm chiến dịch.
Chiến dịch được triển khai tiêm tại các trạm y tế, trường học với các nhân viên y tế đều đã được tập huấn an toàn về tiêm chủng và đảm bảo dây chuyền tiêm theo quy định, trong đó khu vực theo dõi sau tiêm chủng luôn đảm bảo đầy đủ cơ số y tế chống sốc và cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe trẻ, các nhân viên hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe trẻ sau tiêm, đặc biệt là các triệu chứng cần vào viện theo dõi.
Kết quả chiến dịch tiêm vaccine sởi đã tiêm được cho 55.640/61.590 trẻ thuộc diện tiêm, tương đương với tỷ lệ 96,3%, đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra là trên 95%, tiêm vaccine uốn ván - bạch hầu cho trẻ 7 tuổi cho gần 38.000 trẻ, đạt 100% theo kế hoạch.
CDC Hà Nội có kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh trong tương lai?
- Dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường. Sự xuất hiện của Covid-19 là một hồi chuông báo động toàn thế giới về điều này.
Chúng tôi luôn ý thức được rằng, phải đi trước dịch bệnh một bước để đảm bảo sự an toàn của Thủ đô.
Có thể kể ra 5 nhiệm vụ quan trọng nhất để có thể sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai:
- Thường xuyên theo dõi sát, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam, đặc biệt là thông tin về các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi/tái nổi, dịch chưa rõ tác nhân gây bệnh.
- Chủ động giám sát, đánh giá, nhận định, dự báo đầy đủ về tình hình dịch để xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch hàng năm sát với thực tế. Các kế hoạch này cần chi tiết, cụ thể để có thể áp dụng được ngay tại các tuyến, không mất thời gian điều chỉnh, xây dựng lại khi xảy ra bùng phát dịch.
- Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ mạng lưới phòng chống dịch trên toàn thành phố.
- Nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát dịch.
- Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ vật tư, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng chống dịch tại các tuyến.
Những bài học quan trọng nào trong công tác phòng chống dịch đã được rút ra từ các đợt dịch vừa qua đặc biệt là Covid-19 và dịch sốt xuất huyết của năm 2023?
- Qua 3 năm căng thẳng phòng, chống đại dịch Covid-19 và vụ bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn năm 2023 trên địa bàn thành phố, chúng tôi rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, có thể nêu ra một số bài học điển hình như:
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn (giám sát, cách ly, xử lý dịch, truyền thông) thì việc đánh giá chính xác diễn biến tình hình dịch có thể nói là quan trọng nhất.
Hệ thống giám sát phản ánh chính xác, kịp thời, đúng với diễn biến thực tế của vụ dịch sẽ giúp cho công tác nhận định, dự báo, tham mưu các giải pháp đáp ứng được phù hợp và chính xác, tiết kiệm và hiệu quả nhất (đặc biệt đối với các dịch bệnh không có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu).
Công tác này phải từ sớm từ xa, phải giám sát đánh giá hết sức chi tiết. Khi đã có nhận định về nguy cơ tình hình dịch trên địa bàn cần có sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt đồng bộ xuyên suốt từ thành phố đến xã phường.
Khi dịch bệnh được phát hiện cần phải xử lý sớm, triệt để kịp thời không để cho ổ dịch lây lan, diễn biến phức tạp. Từ ca bệnh đầu tiên không kiểm soát tốt phát hiện muộn để dịch lan ra, công tác chống dịch sẽ rất vất vả và kém hiệu quả.
Một yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là sự tham gia, hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân là quan trọng nhất. Nó đóng góp 70% cho sự thành công trong công tác phòng, chống dịch. Chính vì vậy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và huy động sự tham gia vào cuộc của người dân là đặc biệt quan trọng.
Về vấn đề này, các hoạt động truyền thông nguy cơ cần đa dạng về hình thức và nội dung, cần "đi trước đón đầu" và y tế có vai trò định hướng, tham mưu tuyên truyền hướng dẫn người dân để nâng cao nhận thức và sự tự giác thực hiện các khuyến cáo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực, vật tư, hóa chất, máy móc, trang thiết bị cần thiết cho các hoạt động phòng, chống dịch cũng rất quan trọng để các đơn vị, địa phương có thể sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh phát sinh đột xuất, mà không bị lúng túng, bị động, bất ngờ do thiếu vật tư, hóa chất...
Tết Nguyên đán sắp đến. Đi cùng với sự gia tăng đột biến về di biến động dân cư và những hoạt động tụ tập đông người là nguy cơ lây lan dịch bệnh. CDC Hà Nội có những phương án nào để người dân được đón Tết vui vẻ, an toàn?
- Lễ Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi nhưng lại là khoảng thời gian cao điểm đối với lực lượng phòng chống dịch.
Việc giao lưu, giao thương thăm hỏi tăng lên rất nhiều. Di biến động người dân không chỉ trong nước mà cả quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát dịch.
Như mọi năm, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể trong cao điểm lễ cũng như tham mưu thành phố chỉ đạo để kiểm soát dịch từ sớm, từ xa.
Mạng lưới từ thành phố đến xã phường đều có lực lượng ứng trực Tết. Nếu có các lễ hội vui chơi giải trí thì các địa phương có kế hoạch cụ thể đáp ứng kiểm soát, giám sát xử lý dịch kịp thời.
CDC Hà Nội có 5 đội phòng chống dịch cơ động và lãnh đạo đơn vị trực ngày lễ 24/24h, để hỗ trợ địa phương kiểm soát, đánh giá, xử lý dịch nhanh nhất, sớm nhất và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch tránh lây lan phức tạp.
Mỗi đội phòng chống dịch cơ động có 5-7 thành viên với đủ các bộ phận chuyên môn tham gia để có thể tiếp cận và đáp ứng kịp thời khi có yêu cầu.
Cùng với đó, CDC Hà Nội cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về dịch bệnh từ người dân.
CDC Hà Nội nói riêng và các đơn vị trong ngành y tế Thủ đô nói chung đều xem việc giám sát, xử lý dịch là đặc biệt quan trọng để người dân được vui xuân đón Tết an toàn.
Xin cảm ơn ông!