(Dân trí) - "Người ta có chuyên môn, tự biết phải làm gì tốt nhất. Nếu muốn nhanh thì tự ở nhà chữa. Bác sĩ cũng là con người, đâu phải cái máy" - người đàn ông ngồi chờ em ruột đang cấp cứu chia sẻ.
Đêm trực "sống - chết" của bác sĩ cấp cứu: "Con người, đâu phải cái máy"
(Dân trí) - "Người ta có chuyên môn, tự biết phải làm gì tốt nhất. Nếu muốn nhanh thì tự ở nhà chữa. Bác sĩ cũng là con người, đâu phải cái máy" - người đàn ông ngồi chờ em ruột đang cấp cứu chia sẻ.
Những ngày gần đây, nhiều vụ người nhà bệnh nhân hành hung y bác sĩ đang trực cấp cứu liên tiếp xảy ra ở các bệnh viện tại khu vực phía Nam như TPHCM, Vĩnh Long.
Bên cạnh những ý kiến bức xúc, đề nghị xử nghiêm kẻ hành hung, vẫn có một luồng dư luận cho rằng "không có lửa làm sao có khói", nghi ngờ chính thái độ, cách hành xử của bác sĩ là nguyên nhân xảy ra sự việc. Xã hội dường như vẫn chưa có một cái nhìn trực diện, đầy đủ về những áp lực mà nhân viên y tế cấp cứu nói riêng, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện công lập nói chung phải gánh chịu trong hoàn cảnh hiện tại.
Đến nơi thì bệnh nhân đã mất
Bệnh viện Lê Văn Thịnh nằm tại cửa ngõ phía Đông của TPHCM, khu vực có mật độ dân số đông và tiếp giáp tỉnh Đồng Nai, cũng như rất gần với trục đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Chính vì vậy, nơi đây mỗi ngày phải đón hàng ngàn lượt bệnh nhân vào khám chữa bệnh, trong đó có nhiều trường hợp cấp cứu.
Đêm cuối tuần, áp lực đối với y bác sĩ làm việc tại khoa "đầu sóng ngọn gió" của bệnh viện là hết sức nặng nề.
21h30, trước cổng khoa Cấp cứu bao trùm một bầu không khí căng thẳng. Có người ngồi dưới bậc thềm, tay ôm trán chau mày. Người khác lại đứng tựa cột liên tục thông báo tình hình người thân qua điện thoại. Chốc chốc, họ hướng mắt về phía khu vực chăm sóc khách hàng. Dường như, ai cũng trông chờ sẽ đến lượt mình được gọi tên.
"Xin mời người nhà bệnh nhân D.T.L., 90 tuổi, quê Đồng Nai…" - nghe tiếng nhân viên y tế phát lên, cô Giang (58 tuổi) vội vàng chạy tới. Khi đã xong hết mọi thủ tục viện phí và được thông tin tình trạng bệnh nhân, người phụ nữ lao ngay đến chỗ mẹ đang nằm tạm bợ. Trong căn phòng khoảng 20 giường bệnh đã kín, bà L. co mình lại, bên cạnh là một điều dưỡng truyền nước, trong khi bác sĩ khác dùng ống nghe để kiểm tra sức khỏe.
"Mẹ tôi đi tiểu ra máu mấy ngày nay. Tôi kêu xe cấp cứu đưa bà từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua đây hết 700 ngàn đồng. Từ 6h tối. Tới nơi bác sĩ thấy bà yếu quá nên ưu tiên đưa vào liền rồi chụp CT" - cô Giang nói, mắt không rời ánh nhìn về phía mẹ.
Theo cô Giang, cụ L. đã đi cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh lần thứ 7. Những lần trước, có lúc người con thấy bệnh nhân ra vào liên tục, khiến mẹ phải chờ khá lâu. Dù rất lo lắng cho người thân, cô vẫn kiên nhẫn đợi.
"Tôi biết mẹ đến những ngày cuối đời rồi, nhưng để ở nhà thì xót. Vào bệnh viện công như vầy đã tốt lắm rồi, bác sĩ cũng làm hết sức chứ đâu được ngơi tay" - người phụ nữ chia sẻ.
Cách cụ L. vài chiếc giường, anh Minh (tên đã thay đổi) liên tục dỗ dành bé Đ.P.L. (5 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Người cha trẻ cho biết, con gái mình bị sốt, nôn ói, chảy máu mũi đến nay là ngày thứ 2. Đưa con đến khám một phòng khám tư tại TP Thủ Đức, khi nghe bác sĩ báo tình trạng bé đã nặng, hai vợ chồng anh Minh quyết định chở con vào thẳng Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Sau khi lấy máu của bé L. để làm xét nghiệm, điều dưỡng Nguyễn Kiều Trúc Giang (32 tuổi) giải thích cho người cha cần phải nằm lại để theo dõi. Giữa lúc nữ nhân viên y tế đang loay hoay ghi thông tin hồ sơ bệnh án cho cháu bé, chuông điện thoại của tổng đài cấp cứu vang lên.
"Cấp cứu 115 báo có một trường hợp đã hôn mê, người thân không thấy nhịp thở, có thể đã ngưng tim. Phải đến nhà gấp…" - điều dưỡng Giang nói và huy động ngay xe cấp cứu. Theo sau, bác sĩ Hồng Đại Hùng ôm vội 2 chiếc vali chứa thuốc, vật tư y tế và máy monitor chuyên dụng. Họ khẩn trương bước lên xe, giao lại căn phòng đầy ắp bệnh nhân cho 7 đồng nghiệp còn lại trong kíp trực.
Còi hụ inh ỏi phá tan màn đêm lạnh lẽo. Chiếc xe cấp cứu luồn lách với tốc độ xé gió. "Đường D3, khu dân cư Nam Long, phường Phước Long B, thấy bản đồ chỉ sắp tới rồi. Gọi cho người nhà ra đón đi" - tài xế thông báo cho nhân viên y tế. Thì ra, những thành viên ngồi trên xe không biết trước con đường mình đang đi. Chỉ có mệnh lệnh cứu người kéo họ tiến về phía trước.
Điều dưỡng Giang tâm sự, trung bình mỗi đêm thường có từ 3 đến 4 ca cấp cứu ngoại viện, chủ yếu là tai nạn giao thông. Thời gian thì vô chừng, có khi là nửa đêm, có khi 2-3h sáng. Nếu trường hợp cần cấp cứu nằm sâu trong hẻm nhỏ, nhân viên y tế phải dùng đến xe 2 bánh.
Xe cấp cứu dừng lại khi thấy người nhà chờ sẵn trước cửa. hai bóng áo trắng tiến nhanh vào trong. Nhưng mọi thứ quá muộn. Da cụ ông P.K.V. (SN 1941) tái mét, mạch và huyết áp không còn, tay chân cứng dần, bất động trên chiếc giường xếp.
Điều dưỡng Giang và bác sĩ Hùng kiểm tra lại lần nữa, rồi nhìn người nhà lắc đầu. Nghe thông báo cụ V. đã mất từ 30 phút trước, người con trai buồn bã, nhưng không bất ngờ. Anh thú thật, cụ ông bị tai biến 6 năm qua, không còn giao tiếp được, sức khỏe ngày một suy kiệt dần. Chiều nay, gia đình có gọi bác sĩ phòng mạch đến chăm sóc, định bụng sáng mai vẫn không ổn sẽ đưa đi bệnh viện. Nhưng ông đã không cầm cự được đến lúc đó…
Sau khi tiến hành thủ tục test Covid-19, ghi nhận thông tin bệnh nhân và hỗ trợ thông báo đến công an địa phương, 2 nhân viên y tế cúi người chia buồn cùng gia đình. Họ ôm máy móc bước ra xe ngoài, với nỗi buồn vì bất lực nhìn bệnh nhân ra đi, dù đã cố gắng hết sức.
"Nghề này là vậy, ban đầu mới vào làm còn sốc, giờ thì như cơm bữa. Mình không thể buồn lâu, vì còn hàng chục bệnh nhân khác đang chờ" - chị Giang nói trên đường quay về bệnh viện.
Bác sĩ cũng là con người, không phải cái máy
0h, khoảnh khắc đầu tiên của ngày chủ nhật tại bệnh viện là hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy dừng trước cổng khoa Cấp cứu. Ông cầm bảo hiểm y tế đến cho người nhà.
Tuy nhiên khi rà soát thông tin, nhân viên y tế phát hiện thẻ bảo hiểm đã hết hạn. Nghe vậy, người này tỏ ra khó chịu, liên tục cho rằng bảo hiểm mà mình mang tới có thời hạn sử dụng 5 năm.
Khi được chỉ rõ vị trí ghi mốc thời gian sử dụng, ông ta vẫn tức tối, lẩm bẩm vài câu chửi thề trước khi rời đi. Cô nhân viên chăm sóc khách hàng nhìn theo, thoáng buồn rồi tiếp tục công việc. Bởi đây không phải lần đầu cô nhận lấy phản ứng tiêu cực, dù lỗi không thuộc về mình.
0h10, một cậu thanh niên người còm nhom, dẫn theo cô gái đen nhẻm, mặt nhăn nhó ôm bụng bước vào. Đó là Quốc, 20 tuổi (tên đã thay đổi), dẫn theo em gái ruột tên N.A. (18 tuổi) đang mang bầu 5 tháng vào khoa Cấp cứu.
Khai với bác sĩ, Quốc nói trước đó em gái mình có giỡn với những đứa trẻ trong nhà, bị va chạm trúng bụng. Bác sĩ Huỳnh Trần Đức Lợi tiến đến khám và hỏi thăm, nhưng nữ bệnh nhân chỉ khóc, nhìn về phía người anh mà không trả lời.
"Những trường hợp như vậy thường nghi ngờ do bị đánh vì mâu thuẫn với người nhà. Phải chăm sóc, trấn an tinh thần để bệnh nhân bình tĩnh mới hỏi chuyện được" - Bác sĩ Lợi nói nhỏ.
Đúng như dự đoán, sau khi lấy máu và truyền nước, nữ bệnh nhân đã hết khóc. Vị bác sĩ căn dặn người anh hãy nhẹ nhàng với em mình, rồi hướng dẫn đi đến phòng siêu âm để kiểm tra thai nhi. Lúc này, chính nhân viên y tế lại lo cho bệnh nhân hơn cả người anh ruột.
1h sáng, tranh thủ bệnh nhân tạm ổn định, điều dưỡng Nguyễn Thị Vinh bước vào phòng giao ban, buộc vội thớ tóc rối, uống nhanh ngụm nước. Đã là năm thứ 13 chị Vinh công tác tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trong đó có 12 năm gắn bó với lĩnh vực cấp cứu. Thấy khách hỏi, ngày nào bệnh cũng đông vậy thì sao chịu nổi, chị Vinh mỉm cười, nói đêm nay như vậy đã may mắn lắm rồi.
"Tối đến giờ, chỉ có một ca hai thanh niên đánh nhau phải chuyển lên khoa xử lý vết thương ở chân. Còn lại các bệnh nhân đều hợp tác, không thấy có say xỉn, chửi bới, dọa đánh chém gì. Với nhân viên trực cấp cứu, chỉ cần 2 chữ bình yên", một thành viên trong kíp trực đêm 9 người nói thêm.
Gần 1h30, chú Trương Văn Bảy (65 tuổi) đã ngồi ở ghế đá trước khoa Cấp cứu hơn 3 tiếng đồng hồ. Trước đó vào 22h đêm, chú Bảy đưa người em ruột anh ruột tên Trương Thị Tám vào bệnh viện, sau cơn đau ngực dữ dội. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân được nhận viện để đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu. Mỗi phút chờ có kết quả chính xác bệnh tình của em gái là khoảng thời gian dài đằng đẵng với người đàn ông chạy xe ôm.
Ôm tờ báo trên tay, chú Bảy cho biết, từ lúc vào viện đã quan sát thấy rất nhiều trường hợp vào ra tại khoa Cấp cứu. Chú nhận định, ai cái nghề y cũng rất vất vả, trực đêm suốt, xui rủi còn ăn đòn. Do đó, mỗi bên nên hiểu cho nhau một chút, thay vì lúc nào cũng muốn được ưu tiên số 1.
"Người ta có chuyên môn, tự biết phải làm gì tốt nhất, mình biết gì mà ý kiến nhanh chậm. Nếu muốn nhanh thì tự ở nhà chữa. Mà khám nhanh, khám ẩu không đúng bệnh thì mới chết. Bác sĩ cũng là con người, đâu phải cái máy. Qua mùa dịch Covid-19, còn được ngồi ở đây nói chuyện là may mắn rồi", chú Bảy tâm sự.
2h, kíp trực 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng thấm mệt. Họ bắt đầu chia ca nhau tạm chợp mắt. Nơi nghỉ lưng của các nhân viên y tế là một căn phòng nhỏ có 3 chiếc giường tầng, ngoài mấy ổ cắm sạc điện thoại và gối tự trang bị, không có bất cứ vật dụng nào khác. Hỏi 9 người mà có 6 giường sao đủ chỗ ngủ, điều dưỡng Vinh bật cười tiết lộ: Đâu có khi nào tất cả được dừng tay cùng lúc, lúc đó bệnh nhân cấp cứu lấy ai lo!
"Nằm trên thì mát nhưng không có ổ cắm. Còn nằm dưới thì nóng và có muỗi. Nhưng điện thoại em còn đến 83%, vì cả đêm lo làm có xài đâu mà sạc", bác sĩ Lợi nói rồi chạy lên tầng trên. Có lẽ vì quá mệt, anh thiếp đi trong phút chốc, tranh thủ nạp lại ít sức lực để cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, khi đêm vẫn còn dài.
Thực hiện: Hoàng Lê