DNews

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên

Hồng Hải Minh Nhật

(Dân trí) - Ngày 24/11, Bệnh viện TWQĐ 108 thông tin về 200 ca ghép gan thành công. Đặc biệt, ca thứ 200 là ca ghép gan bất đồng nhóm máu từ người cho sống đầu tiên được thực hiện thành công tại viện.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên

Ngày 24/11, Bệnh viện Trung ương quân đội (TWQĐ) 108 thông tin về 200 ca ghép gan thành công. Đặc biệt, ca thứ 200 là ca ghép gan bất đồng nhóm máu từ người cho sống đầu tiên được thực hiện thành công tại viện.

Ánh sáng cuối đường hầm

15 tuổi, cô gái bé bỏng đứng trước giới hạn sinh - tử, khi em đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.

Trước đó 6 năm, cô bé được phát hiện xơ gan không rõ căn nguyên. Gần đây bệnh nhân đi khám, phát hiện có khối u gan đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 1

Ngày 30/10, Bệnh viện quyết định thực hiện ca ghép gan không cùng nhóm máu giữa người cho và người nhận gan (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

PGS.Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đứng trước một ca bệnh khó, bệnh nhi có khối u gan nhưng không thể thực hiện được phẫu thuật cắt u vì chức năng gan của bệnh nhi kém do xơ gan, lách to, chỉ có phương án cuối cùng là tốt nhất cho người bệnh: Ghép gan.

Tại thời điểm này, cả bác sĩ, bệnh nhi mòn mỏi chờ đợi nguồn gan hiến. Phương án hiến gan từ người cho sống được tính đến, nhưng người đủ tiêu chuẩn cho gan là bà nội lại bất đồng nhóm máu.

"Nếu không ghép, bệnh nhi khó còn cơ hội", PGS Thành chia sẻ.

Vì vậy, sau nhiều cuộc hội chẩn, ngày 30/10, Bệnh viện quyết định thực hiện ca ghép gan không cùng nhóm máu giữa người cho và người nhận gan (bà nội hiến gan cho cháu gái). Đây là lần đầu tiên tại Bệnh viện TWQĐ 108 triển khai kỹ thuật này cho trẻ em.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 2

Sau 8 giờ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Trước khi đưa ra quyết định này, chúng tôi đã phải tìm hiểu phác đồ điều trị, trao đổi với chuyên gia quốc tế để có thể nắm bắt được tốt nhất, quyết tâm thực hiện thành công cứu sống người bệnh. Theo nghiên cứu, kết quả sống sau 5 năm tương đương với nhóm bệnh nhân cùng nhóm máu", PGS Thành thông tin.

Theo chuyên gia này, về kỹ thuật không có sự khác biệt, nhưng khi ghép bất đồng nhóm máu, người hiến gan phải trải qua quá trình điều trị giải mẫn cảm, lọc huyết tương để đưa nồng độ kháng thể nhóm máu của người  hiến xuống thấp mới có thể hiến gan.

Ca ghép được thực hiện hôm 30/10. Sau 8 giờ, ca ghép gan được thực hiện thành công. Bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 3
Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 4

Sau 7 ngày ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định. Người hiến được ra viện sau một tuần hiến gan. Còn sức khỏe của người nhận phục hồi tốt, chức năng gan ghép hoạt động bình thường, vận động nhanh nhẹn.

Cô bé 15 tuổi hạnh phúc vỡ òa khi tỉnh dậy, chia sẻ: "Từ khi phát hiện xơ gan, cháu đã suốt ngày phải đi viện, rồi bác sĩ chẩn đoán ung thư gan, ngỡ cánh cửa cuộc sống đã khép trước mắt, nhưng rồi các bác sĩ đã động viên em, truyền năng lượng tích cực để em tiếp tục chiến đấu với bệnh. Em cảm ơn các bác sĩ đã tạo cho em một cơ hội sống như ngày hôm nay, để có thể khỏe mạnh, trở lại trường".

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 5

Sau 7 ngày ghép, sức khỏe của người hiến và người nhận đều ổn định (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

TS Thành đánh giá, từ ca ghép bất đồng nhóm máu thành công sẽ mở thêm cơ hội cho những bệnh nhân có bệnh gan giai đoạn cuối có cơ hội được cứu sống khi không có người hiến tương đồng nhóm máu.

Rút ngắn thời gian phẫu thuật

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, 9 trung tâm ghép gan trong cả nước thực hiện được hơn 500 ca ghép gan. Riêng tại Bệnh viện TWQĐ 108 đã thực hiện thành công 200 ca ghép. Bệnh viện cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (198 ca).

"Với 200 ca ghép gan, tỷ lệ sống sau 5 năm là 75%. Các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ sống sau là tỷ lệ sống sau 5 năm từ 70-75 %", PGS Thành cho biết.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 6

Riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 200 ca ghép gan (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Chuyên gia này cũng chia sẻ từ những ngày đầu gian khó, khi mới thực hiện ghép gan, một ca ghép gan các ekip phải thực hiện từ 9 đến 10 tiếng, hiện còn 6-7 tiếng.

Bệnh viện cũng làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt ghi những dấu ấn sâu sắc.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 7
Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 8

"Những ca ghép gan cấp cứu là thách thức bởi mọi công đoạn chuẩn bị tiến hành ghép đều phải nhanh chóng để giành giật sự sống cho người bệnh. Tính đến nay, Bệnh viện đã tiến hành 65 ca ghép gan cấp cứu, cứu sống những bệnh nhân suy gan rất nặng", Giám đốc BV thông tin.

Hay với kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép, đến nay Bệnh viện TWQĐ 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật này.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 9

Bệnh viện TWQĐ 108 là cơ sở y tế duy nhất triển khai kỹ thuật nội soi lấy mảnh gan ghép (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Đây là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các Trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được", TS Thành cho biết.

Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích cho người hiến như can thiệp ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao. Đến nay tại viện 20 trường hợp được hiến gan được lấy gan bằng kỹ thuật này.

Hoàn toàn làm chủ kỹ thuật

"Sau 200 ca ghép gan, chúng tôi tự tin làm chủ hoàn toàn kỹ thuật. Chúng tôi đã đào tạo được hai kíp ghép gan có thể tiến hành độc lập. Từ những ngày đầu thực hiện 1 ca ghép trong một ngày mà không thực hiện các phẫu thuật khác, hiện chúng tôi có thể thực hiện hai ca ghép trong ngày hoặc thực hiện một ca ghép cùng với phẫu thuật 5-7 ca mổ khác", TS Thành thông tin.

Dấu ấn đặc biệt từ ca ghép gan bất đồng nhóm máu đầu tiên - 10

Bệnh viện TWQĐ 108 phấn đấu đạt 100-150 ca ghép gan mỗi năm (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100-150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta.

Giám đốc Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Bệnh viện cũng thực hiện chuyển giao kĩ thuật ghép gan cho bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Quân y 103 và hiện Bệnh viện Đà Nẵng đang học tập tại khoa để có thể thực hiện kỹ thuật này trong năm tới.

Sau hơn 6 năm thực hiện đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người" tại Bệnh viện TWQĐ 108, đến nay đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 700 ca ghép (302 ca ghép thận, 204 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 147 ca ghép tế bào gốc, 52 ca ghép tủy, 3 ca ghép chi thể…).

Các ca ghép được thực hiện với tỉ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.