108 ca ghép gan: 90% sống sau 3 năm

Hồng Hải

(Dân trí) - Ngày 20/1, BV Trung ương Quân đội 108 công bố thực hiện thành công 108 ca ghép gan, trong tổng hơn 300 ca được thực hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ sống sau 3 năm tương đương các nước phát triển.

Ngày 20/1, Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, kể từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện vào tháng 10/2017, đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 108 ca ghép, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (105 ca).

Tại Việt Nam, tổng số ca ghép gan được thực hiện đến nay là hơn 300 ca.

Ghép gan trở thành kỹ thuật được hiện thường quy hàng tuần tại bệnh viện, trung bình mỗi tuần 1-2 ca, có tuần lên đến 5 ca ghép gan (tương đương với nhiều trung tâm ghép gan hàng đầu trên thế giới).

108 ca ghép gan: 90% sống sau 3 năm - 1

Tỉ lệ sống sau một năm, sau 3 năm ghép gan của 108 bệnh nhân được ghép tại viện cao tương đương, có phần nhỉnh hơn so với tỉ lệ trên thế giới.

"Đặc biệt, kết quả sau ghép rất khả quan. Tỉ lệ sống sau ghép gan trên thế giới lần lượt là 90%, 80%, 70% sau một năm, sau 3 năm và sau 5 năm. Trong 108 ca ghép gan tại BV, tỉ lệ sống sau một năm là 95%, sau 3 năm là 90%", GS Mai Hồng Bàng cho biết.

Theo Đại tá TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan-Mật-Tụy thông tin thêm, có những bệnh nhân ghép gan, nhất là ghép sau ung thư gan, chỉ sau 30-40 ngày, nhiều người nhìn họ không thể biết là bệnh nhân ghép gan bởi có chất lượng sống tốt hơn rất nhiều. Ca ghép gan sau ung thư tại bệnh viện đến nay 4 năm vẫn sống khỏe mạnh.

GS Bàng cho biết, trong 108 ca ghép gan, chỉ có 3 ca từ người cho chết não, còn đến 105 ca là từ người cho sống.  Đến nay, bệnh viện làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan từ người cho sống, đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

Trong bối cảnh nguồn cho chết não còn hạn chế, việc hiến gan từ người cho sống mang lại cơ hội điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối, trong khi đó, với người cho vẫn có được cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

"Tại BV 108, 105 trường hợp người cho gan, chưa một ai tử vong. Ca đầu tiên là con trai hiến cho mẹ, đến nay chàng trai lấy vợ, sinh con, có cuộc sống khỏe mạnh bình thường", BS Thành cho biết.

"Thông thường, sau hiến gan từ 7-10 ngày, người hiến gan sẽ được ra viện. Trong thời gian này, sự phì đại của gan sau bị cắt một lá gan đã đạt khoảng 60% và thường sau 6-12 tháng, gan trở về trạng thái 100%. Gan là cơ quan duy nhất của cơ thể có thể "tái tạo" lại sau khi hiến, sức khỏe người hiến gan như bình thường", GS Bàng thông tin.

108 ca ghép gan: 90% sống sau 3 năm - 2

Có những thời điểm, các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện 5 ca ghép gan trong một tuần.

Tại Việt Nam, nhu cầu ghép gan còn rất lớn. Theo BS Thạch tính toán, ở Hàn Quốc, họ thực hiện khoảng 1.400 ca ghép gan mỗi năm (với dân số 51 triệu dân). Tại Việt Nam, dân số gấp đôi, các bệnh lý liên quan phải ghép gan rất lớn, nên nhu cầu có thể lên đến 3.000 ca mỗi năm.

"Dù chúng ta làm chủ toàn bộ kỹ thuật ghép gan, nhưng nguồn cho từ người chết não còn rất hạn chế, đó là khó khăn, trở ngại lớn nhất. Mong rằng người dân ngày càng cởi mở hơn với vấn đề hiến tạng sau chết não, một cuộc đời không may dừng lại nhưng sẽ không là vô nghĩa khi người thân của họ hiến tạng, để lại cơ hội cho những cuộc đời mới", BS Thành nói.

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện TWQĐ 108 thực hiện từ 40 - 50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 -150 ca/mỗi năm. Chi phí ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối ở nước ta. Bệnh viện cũng vinh dự nhận chứng nhận thành viên của Hiệp hội phẫu thuật Hoàng gia Anh.

GS Bàng thông tin thêm, trong lĩnh vực ghép tim, bệnh viện đang xây dựng đề án ghép tim nhân tạo. "Mỹ đã sản xuất được quả tim nhân tạo, ghép thành công cho một số bệnh nhân. Thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng đề án này, nếu được sẽ cử nhân lực sang mỹ để học ghép tim nhân tạo. Ghép tim nhân tạo giá thành đắt, nhưng triển khai kỳ vọng lớn, hi vọng một số lượng lớn bệnh nhân có thể ghép", GS Bàng nói.

Sau 4 năm thực hiện đề án "Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người" tại Bệnh viện TWQĐ 108, đến nay đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 300 ca ghép (110 ca ghép thận, 108 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 132 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép tủy, 2 ca ghép chi thể…). Các ca ghép được thực hiện với tỉ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.

Hồng Hải