DMagazine

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ

(Dân trí) - Trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Theo Bộ Y tế, trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 2

Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Chúng ta cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2).

Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, để làm rõ những thách thức đặt ra cho y tế Việt Nam, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh đồng loạt diễn biến phức tạp hiện nay.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 3

PV: Hiện nay ở thế giới và khu vực châu Á, CDC Hoa Kỳ đánh giá những dịch bệnh đang bùng phát nào đáng lo ngại nhất?

BS Eric Dziuban: Sự xuất hiện và lây lan của các bệnh truyền nhiễm mới chính là các nguy cơ hàng đầu đối với an ninh y tế toàn cầu hiện nay.

Dân số ngày càng tăng trong điều kiện được kết nối với nhau dễ dàng đang tạo điều kiện cho bệnh tật lây lan nhanh chóng và thậm chí còn đáng quan ngại hơn khi ngày càng có nhiều các tác nhân gây bệnh kháng thuốc.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng là mối quan ngại ở những nơi thường xuyên có tiếp xúc gần với động vật, như chợ gia cầm sống.

Tại Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, thông qua CDC Hoa Kỳ, đang hợp tác với Bộ Y tế và các đối tác khác để theo dõi và đáp ứng với các mối đe dọa như: cúm gia cầm, các chủng bệnh truyền nhiễm kháng thuốc, các bệnh lây truyền qua vector (vật trung gian truyền bệnh) như sốt xuất huyết, cũng như những thách thức đã tồn tại từ lâu đối với sức khỏe như bệnh lao và HIV.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 5

Khoảng trống vaccine trong thời gian dịch Covid-19 bùng nổ đóng vai trò như thế nào trong sự bùng phát mạnh trở lại của nhiều dịch bệnh?

BS Eric Dziuban: Các hệ thống y tế và nguồn lực y tế trên toàn thế giới tiếp tục bị thiếu hụt sau nhiều năm đáp ứng với đại dịch Covid-19, bao gồm cả y tế dự phòng và các chức năng y tế công cộng như tiêm chủng thường quy cho trẻ em.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch đã làm suy yếu các hệ thống y tế, làm suy kiệt đội ngũ nhân viên y tế và cản trở các nỗ lực giải quyết những thách thức hiện tại đối với sức khỏe như: HIV và các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine ở trẻ em.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 7

Đại dịch cũng bộc lộ những khoảng trống, thiếu hụt và các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thông tin sai lệch có thể có tác hại như thế nào đối với các nỗ lực đáp ứng với dịch bệnh.

Điều đáng mừng là đại dịch Covid-19 cũng mang lại những bài học quan trọng có thể giúp xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn đối với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai.

Đó là những bài học về tầm quan trọng của lãnh đạo chính trị, cam kết ngoại giao, hệ thống y tế vững mạnh và kiên cường, các cách tiếp cận đa ngành, truyền thông nguy cơ và sự tham gia của cộng đồng, hợp tác trong nghiên cứu và cải thiện khả năng tiếp cận công bằng với các phương pháp điều trị và vật tư y tế. 

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 9

Tại Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh/chùm ca bệnh bất thường về ho gà, bạch hầu, sởi… Theo CDC Hoa Kỳ, liệu có vai trò của khoảng trống vaccine trong sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm này?

BS Eric Dziuban: Ở Việt Nam, có đại dịch có nghĩa là tỷ lệ tiêm vaccine cho nhiều loại bệnh bị ảnh hưởng, do không dễ để có vaccine trong một thời gian dài.

Việt Nam đã có các ổ dịch và các báo cáo mới về số ca mắc bệnh sởi cho thấy chúng ta cần phải cảnh giác cao độ.

Bộ Y tế đã tiếp tục mua vaccine nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, để tiếp cận được những trẻ em bị bỏ lỡ tiêm chủng trong đại dịch Covid-19. CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Y tế để đảm bảo nhanh chóng tiêm vaccine cho trẻ em và người lớn khi cần, để Việt Nam có thể đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine lên mức cao hơn so với trước đại dịch.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 11

Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do H5N1. Trong lần bùng phát dịch trước Việt Nam cũng là một trong những nước tổn thất nặng nề nhất. Theo CDC Hoa Kỳ hiện Việt Nam cần làm gì để kiểm soát tốt cúm gia cầm, không để lịch sử lặp lại?

BS Eric Dziuban: Điều quan trọng là Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các Trung tâm Cúm Quốc gia. Việt Nam cũng cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát để phát hiện các ổ dịch, bao gồm hoàn thiện các hướng dẫn để nhanh chóng phát hiện virus cúm và các loại virus đường hô hấp khác.

Các bạn cũng cần xây dựng kế hoạch hoạt động, tạo điều kiện cho các tỉnh có thể sử dụng các nguồn ngân sách một cách linh hoạt trong tình huống xảy ra ổ dịch.

Việt Nam cũng có thể tự bảo vệ mình bằng cách triển khai kế hoạch tiêm phòng cúm cho nhân viên y tế, tiếp tục xét nghiệm cúm định kỳ trên toàn quốc và điều chỉnh kế hoạch vaccine cho đại dịch, để đưa thêm các vaccine ngừa cúm gia cầm nếu có một đợt bùng phát mới. 

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 13

Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh cùng lúc bùng phát, CDC Hoa Kỳ đã phối hợp cùng y tế Việt Nam xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn như thế nào để kiểm soát và dự phòng?

Tôi muốn nhấn mạnh bốn lĩnh vực cốt lõi của an ninh y tế bao gồm:

- Các hệ thống giám sát để nhanh chóng phát hiện các đợt bùng phát trước khi chúng lây lan.

- Mạng lưới phòng xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và xác định các tác nhân gây bệnh mới.

- Phát triển nguồn nhân lực cho nhân viên tuyến đầu để xác định, theo dõi và ngăn chặn các ổ dịch ngay tại nguồn lây.

- Các hệ thống quản lý tình trạng khẩn cấp để điều phối các nỗ lực ứng phó khi xảy ra khủng hoảng.

Trong thời gian qua, CDC Hoa Kỳ cũng đã phối hợp cùng ngành y tế Việt Nam nhằm tăng cường năng lực trong bốn lĩnh vực cốt lõi này.

Bên cạnh đó, các hợp tác của CDC Hoa Kỳ với chính phủ Việt Nam và các đối tác cũng được triển khai theo nhiều cách. Các hợp tác này bao gồm phát triển nguồn nhân lực, một ví dụ là chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa đã đào tạo hơn 250 cán bộ giám sát kể từ năm 2019.

CDC Mỹ chỉ điểm những dịch bệnh Việt Nam phải cảnh giác cao độ - 15

Chúng tôi phối hợp trong báo cáo sớm các ổ dịch cũng như ngăn ngừa lây truyền và lây nhiễm trong bệnh viện, giảm bệnh tật và tử vong do kháng kháng sinh, đồng thời tăng cường an ninh sinh học để ngăn chặn vô tình hoặc cố ý phát tán tác nhân gây bệnh ra cộng đồng.

CDC Hoa Kỳ cũng hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế để hỗ trợ nhiều quy trình nội bộ và các chương trình để giúp hệ thống trở nên vững mạnh hơn, ví dụ như các kế hoạch tiêm chủng quốc gia, phát hiện các bệnh mới bằng các xét nghiệm tiên tiến và hiện đại hóa dữ liệu cho hệ thống y tế. 

Trong hơn 25 năm, CDC Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam để ngăn chặn, phát hiện và đáp ứng với các mối đe dọa về sức khỏe.

Các quan hệ hợp tác này đã gặt hái được nhiều thành công, bao gồm việc thành lập 5 Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nhằm điều phối đáp ứng hiệu quả khi xảy ra khủng hoảng.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến thành quả xây dựng hướng dẫn quốc gia về giám sát dịch bệnh dựa trên sự kiện, phát triển hệ thống giám sát các nhiễm khuẩn bệnh viện tại 50 bệnh viện trên toàn quốc và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giám sát ở các tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch mới.

Để liên tục duy trì được thành công, điều quan trọng là chúng ta phải liên tục nỗ lực phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chẩn đoán sớm và báo cáo sớm các ổ dịch cũng như giải quyết các khó khăn, thách thức về tỷ lệ tiêm vaccine.

Đây đều là những mục tiêu mà Việt Nam có thể đạt được và chúng tôi tự hào là đối tác của Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu đó.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Đức Bình