(Dân trí) - "Nhiều bạn bè nhắn tôi, họ mất ăn mất ngủ khi trong nước chưa cho phép tiêm vaccine cho trẻ em. Họ nói, chừng nào chưa được tiêm, sẽ không để con đến trường" - TS Trần Nam Trung chia sẻ.
TS.BS Trần Nam Trung: "Bạn bè tôi mất ăn, mất ngủ khi con chưa được tiêm vaccine Covid-19"
***
(Dân trí) - Theo hiệp hội nhi khoa Mỹ, chỉ 0.8% trẻ em nhiễm Covid-19 phải nhập viện và chỉ 0.01% tử vong. Ở Anh, cứ một triệu ca nhiễm ở trẻ, có 2 ca tử vong. Các khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh các nhóm nguy cơ cao còn chưa được tiêm đầy đủ, dù có thể xoa dịu nỗi lo của các bậc cha mẹ, nhưng lại đi ngược với khoa học.
***
TS.BS Trần Nam Trung tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội, bảo vệ luận án Tiến sĩ ngành Dịch tễ học tại Đại học Tổng hợp California, Los Angeles (Mỹ); sau tiến sĩ tại viện Karolinska, Thụy Điển. Hiện ông là chuyên gia Dịch tễ học - sống và làm việc tại Maryland (Mỹ).
TS.BS Trần Nam Trung đã có hơn 60 công trình nghiên cứu xuất bản trên các tạp chí khoa học của thế giới.
Dân trí xin được giới thiệu bài viết của ông về các khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ em ở Việt Nam ở thời điểm này.
***
Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước mở cửa trở lại và chuyển sang bình thường mới sống chung với Covid-19, chúng ta phải có một chiến lược thích hợp về tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Chiến lược này phải tuân thủ khoa học, với tiêu chí bảo vệ sức khỏe trẻ em, đồng thời phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước trong chống dịch Covid-19.
Nên tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em khi nào?
Mới đây, trên trang facebook cá nhân, một chuyên gia y tế cho biết vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 12- 18 tuổi, vì lo ngại số ca nhiễm ở trẻ em sẽ tăng lên và cũng để trẻ sớm được quay lại trường học.
Nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam nhắn rằng họ mất ăn mất ngủ khi trong nước chưa cho phép tiêm vaccine cho trẻ em. Họ nói, chừng nào chưa được tiêm, sẽ không cho con họ đến trường.
Tôi chia sẻ với nỗi lo một số chuyên gia cũng như các bậc làm cha làm mẹ ở Việt Nam. Nhưng các số liệu thống kê trong đại dịch cho thấy thực tế không đáng sợ như những gì nhiều người đang lo lắng.
Đầu tiên cần phải hiểu Covid-19 có nguy hiểm với trẻ em không và mục tiêu chính của tiêm vaccine cho trẻ em là gì?
Lứa tuổi nào cũng có thể mắc Covid-19 và có thể thành ca bệnh nặng/tử vong, nhưng mức độ nguy hiểm của Covid-19 với trẻ em thấp hơn rất nhiều so với người lớn, và điều này đúng với tất cả các chủng.
Tôi lấy số liệu của CDC Mỹ để minh họa vì nó rất đầy đủ. Đồ thị dưới đây mô tả số ca nhập viện (bảng trên) và tỷ lệ nhập viện (bảng dưới) do Covid-19 theo nhóm tuổi từ tháng 3/2020 tới giữa tháng 9/2021. Nhóm 0-4 tuổi (màu vàng) và nhóm 5-17 (màu xanh rêu) là 2 nhóm trên cùng của cả hai đồ thị luôn chiếm phần rất nhỏ qua tất cả các đợt dịch so với nhóm người trưởng thành (>18).
Cũng theo CDC Mỹ, tính tới tháng 5, nhóm 0-17 tuổi chiếm 22% tổng số ca nhiễm, nhưng chỉ 3% số nhập viện và 0,04% số ca tử vong, so với nhóm trên 50 tuổi chiếm 27% số ca nhiễm, nhưng tới 72% số ca nhập viện, và 95% số ca tử vong.
Gánh nặng ca nhiễm giữa 2 nhóm khá tương đương nhưng nhóm trên 50 tuổi chiếm gần hết số ca nặng và tử vong. Theo hiệp hội nhi khoa Mỹ, chỉ 0,8% ca nhiễm trẻ em phải nhập viện và 0,01% tử vong. Số liệu tại Việt Nam cho tới nay cũng đồng thuận với thế giới.
Cũng theo bảng dưới, dường như tỷ lệ trẻ em trong số ca nhập viện tăng lên chút ít từ tháng 5, phù hợp với quan sát cho rằng ca nhập viện ở trẻ em tăng do nhóm này ít được tiêm vaccine so với người lớn và do chủng Delta. Tuy tăng nhưng số ca nhập viện và tỷ lệ vẫn rất nhỏ so với người lớn.
Khi các tỉnh, thành phố Việt Nam đang dần có độ bao phủ vaccine cao ở người lớn và chưa tiêm cho trẻ em, chúng ta cũng sẽ thấy trẻ em dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng số nhập viện. Điều này không quá đáng lo vì tổng thể tỷ lệ này sẽ vẫn ở mức rất thấp so với người lớn.
Như vậy trẻ em tuy có thể nhiễm Covid-19 nhiều nhưng không phải là gánh nặng của hệ thống y tế do rất ít bị bệnh nặng. Nguy cơ trẻ em là nguồn lây, ảnh hưởng tới cộng đồng và công tác chống dịch lớn hơn nguy cơ trẻ em là nhóm bị bệnh nặng bởi Covid-19.
Tuy nguy cơ trở nặng rất thấp, vẫn có trẻ em bị bệnh nặng. Trong một nghiên cứu gần đây ở Anh, từ đầu dịch tới tháng 2, trong số hơn 3.100 ca tử vong trong 12 triệu trẻ em dưới 18, chỉ có 25 trẻ chết do Covid-19 (2 ca/triệu) và khoảng một nửa trong số đó là những trẻ em có bệnh nền nặng cần chăm sóc y tế tích cực. Nghĩa là tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn nhiều so với các bệnh khác.
Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em có bệnh nền như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hệ thần kinh tăng nguy cơ bị bệnh nặng so với trẻ không có bệnh nền, nhưng nguy cơ tuyệt đối vẫn rất thấp.
Như vậy, về phương diện bảo vệ sức khỏe trẻ em, các bậc cha mẹ không phải quá lo lắng về nguy cơ bệnh nặng do Covid-19, trừ khi trẻ em có bệnh nền. Hầu hết trẻ em khỏe mạnh nếu nhiễm cũng không có triệu chứng, hoặc có nhưng rất nhẹ, thoáng qua, tự khỏi.
Ngoài nguy cơ bệnh nặng (tuy nhỏ), cũng như người lớn, một số trẻ em có thể mắc chứng Covid-19 kéo dài với biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, đau cơ, hồi hộp trống ngực…trong vài tuần thậm chí vài tháng sau khi đã hết Covid-19. Có ít số liệu về tần suất chứng Covid-19 kéo dài ở trẻ em và kém đồng thuận giữa các nghiên cứu nhưng có lẽ nó cũng không hiếm.
Không nên làm ngược với thế giới trong chiến lược tiêm vaccine cho trẻ nhỏ
Mục đích của tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em là nhằm:
-Giảm thấp nữa ca nhập viện và tử vong.
-Giảm lây Covid-19 trong trẻ em dẫn tới giảm lây trong cộng đồng.
-Giảm lây giúp giảm tác hại tiềm tàng của chứng Covid-19 kéo dài.
Do cả 3 mục tiêu này đều là thứ yếu so với mục tiêu giảm ca nặng và tử vong ở người lớn, các vaccine Covid-19 được nghiên cứu, phát triển, và cấp phép ở người lớn trước rồi mới tới loại giành cho trẻ em, và ở các nước đã tiêm đủ vaccine rất cao (hoặc cao nhất có thể) cho nhóm nguy cơ cao thì người ta mới tính đến tiêm cho trẻ em.
Ngay cả ở các nước giàu đã có bao phủ vaccine cao cho người lớn, quyết định mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em không hề dễ dàng, phải cân nhắc thận trọng giữa lợi ích và nguy cơ.
Ví dụ Anh quốc dù đã tiêm phủ trên 80% 2 mũi ở người lớn nhưng chỉ mới cho phép tiêm một mũi cho nhóm 12-15 bằng vaccine Pfizer từ đầu tháng 9, và chỉ đồng ý tiêm mũi 2 nhóm 12-15 trong trường hợp có bệnh nền.
Theo tính toán của Ủy ban vaccine và tiêm chủng Anh quốc, cứ tiêm một triệu mũi một cho nhóm 12-15 tuổi giảm được 87 ca nhập viện, giảm 2 ca phải vào phòng hồi sức, chấp nhận nguy cơ 3-17 ca viêm cơ tim do vaccine. Với một triệu mũi 2, hạn chế thêm được 6 ca nhập viện, 0,16 ca vào phòng hồi sức và nguy cơ 3-17 ca viêm cơ tim. Mở rộng tiêm cho trẻ em còn phải cân nhắc ưu tiên tăng phủ vaccine cho nhóm ≥18, vaccine cho mũi 3…
Hiện tại, Mỹ và châu Âu đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ em 12-17. Sinovac và Sinopharm được Trung Quốc cấp phép từ 3 tuổi và vaccine Cuba từ 2 tuổi trở lên. Tất cả các vaccine cho nhóm 12-17 đều là loại dùng cho người lớn và hiện chỉ có vaccine Pfizer cho nhóm 5-11 - đang chờ Mỹ cấp phép là khác loại (dùng liều thấp hơn). Vì vậy, mở rộng tiêm cho nhóm 12-17 chắc chắn sẽ giảm lượng vaccine vốn đang dành để tiêm cho người lớn.
Thời điểm hiện tại Việt Nam có độ bao phủ vaccine thấp so với thế giới. Ngay cả ở Hà Nội và TPHCM là hai nơi được ưu tiên thì tỷ lệ bao phủ mũi 2 ở nhóm trên 18 tuổi chỉ mới hơn 20% tại Hà Nội và hơn 50% ở TPHCM. Các tỉnh thành khác tỷ lệ bao phủ vaccine ở nhóm trên 50 tuổi còn rất thấp và càng thấp với nhóm trên 18 tuổi.
Trong điều kiện hiện nay, muốn khống chế nhanh nhất và hiệu quả nhất tác hại của dịch Covid-19 để sống chung với nó, Việt Nam phải tập trung tối đa vaccine cho nhóm cao tuổi (trên 50) và người có bệnh nền (gồm cả trẻ em dưới 18 tuổi có bệnh nền. Do trẻ em dưới 18 nói chung có nguy cơ bệnh nặng rất thấp và do vaccine Covid-19 chủ yếu có tác dụng giảm bệnh nặng chứ không phải giảm lây, Việt Nam chỉ nên tiêm cho trẻ em sau khi đã bao phủ vaccine cao nhất cho nhóm cao tuổi (trên 50), nhóm có bệnh nền và phần lớn người trưởng thành (trên 18).
Sống chung với Covid-19 nghĩa là chấp nhận vẫn có người nhiễm nhưng ít người bị nặng, bệnh viện không quá tải, ít người tử vong. Một khi nhóm nguy cơ cao đã được bao phủ vaccine, kể cả Covid-19 vẫn còn lưu hành trong cộng đồng chúng ta cũng không sợ vì khi đó hầu hết sẽ chỉ bị nhẹ hoặc không triệu chứng. Trẻ em càng ít nguy cơ bị nặng.
Khi phần lớn nhóm nguy cơ cao chưa được bao phủ vaccine, tùy tình hình dịch, chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp chống dịch ở các mức độ khác nhau trong đó có thể phải hạn chế trẻ em tới trường. Cách hiệu quả nhất để trẻ em có thể nhanh chóng tới trường (tránh phải thực hiện các biện pháp giãn cách mạnh tay) là tập trung tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao. Đó là một mũi tên bắn trúng nhiều đích, vừa giúp giảm gánh nặng y tế, giảm tử vong, sử dụng tối ưu nguồn vaccine ít ỏi, vừa cũng góp phần giảm lây, giúp nhanh chóng mở cửa trở lại.
Các nước trên thế giới cũng đều như vậy, trừ khi vaccine giành cho trẻ em là loại khác với vaccine giành cho người lớn (ví dụ vaccine cho nhóm 5-11 tuổi của Pfizer). Dồn vaccine cho trẻ em để sớm được tới trường trong khi nhóm nguy cơ cao chưa được tiêm đủ là đi ngược với khoa học và sẽ phản tác dụng. Nhóm nguy cơ cao càng chậm được tiêm chủng đầy đủ ngày nào thì nguy cơ tăng nhập viện và tử vong còn đó, và sẽ còn nhiều giãn cách, đóng cửa.
Tóm lại, Việt Nam nên ưu tiên vaccine cho người cao tuổi và người có bệnh nền trước (gồm cả trẻ em có bệnh nền), rồi tới các lứa tuổi thấp hơn trong nhóm trên 18. Cuối cùng mới là ưu tiên cho trẻ em dưới 18 không có bệnh nền. Nếu có nguồn vaccine loại dành riêng cho trẻ em dưới 12 (khi đã được cấp phép) mà không ảnh hưởng tới lượng vaccine cho người lớn thì có thể tiêm cho nhóm dưới 12 trước khi bao phủ đủ cho người lớn.
Bộ Y tế dự kiến tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi từ tháng 10
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngành y tế của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM sáng 9/10, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố cùng cả nước đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp trẻ em nhiễm SARS-CoV-2. Dù đa số trẻ nhỏ nhiễm bệnh mắc độ nhẹ, nhưng vẫn tồn tại một số bé béo phì, bệnh nền gặp diễn tiến nặng, cần can thiệp ECMO và tử vong.
"TPHCM có khoảng 1,8 triệu trẻ em đang độ tuổi tới trường. Khi người lớn đã được chích ngừa đa số, sự nguy hiểm của dịch bệnh sẽ dồn về nhóm đối tượng này", bác sĩ Hùng nhìn nhận.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, TPHCM đã đưa ra lộ trình dự kiện cho các cháu tới trường vào tháng 1 năm 2022. Như vậy, thành phố còn 3 tháng để thực hiện việc tiêm vaccine Covid-19 cho các cháu để đảm bảo an toàn trước khi quay lại học tập.
Bác sĩ Hùng đánh giá, thành phố đã có đủ điều kiện để thực hiện phần việc này khi Chính phủ và Quốc hội mới phê chuẩn mua 10 triệu liều vaccine Covid-19 Abdala - loại vaccine có thể dùng tiêm cho trẻ em. Bên cạnh đó, sắp tới , vaccine Pfizer cũng có thể được dùng để tiêm cho trẻ trên 5 tuổi.
Đối với vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch cho việc này. Dự kiến, vaccine Covid-19 sẽ được tiêm cho trẻ 12-17 tuổi từ tháng 10 năm nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, trước mắt, nguồn vaccine tiêm cho trẻ dự kiến từ số vaccine Pfizer sắp về Việt Nam và 2 loại vaccine của Cuba mà Chính phủ đã đặt vấn đề mua.