(Dân trí) - Giật mình phát hiện mình có thói quen bạo hành con để giải tỏa cơn trầm cảm vô hình, nhiều ông bố, bà mẹ ở TPHCM đã lo lắng tìm đến bác sĩ nhờ trợ giúp.
Bác sĩ tâm lý tiết lộ bệnh nhân là phụ huynh mang hình bóng "mẹ kế quận Bình Thạnh"
(Dân trí) - Giật mình phát hiện mình có thói quen bạo hành con, nhiều ông bố, bà mẹ ở TPHCM đã lo lắng tìm đến bác sĩ nhờ trợ giúp.
Bác sĩ CK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TPHCM) cho PV Dân trí biết, những ngày gần đây khi nhiều sự việc trẻ bị bạo hành tàn nhẫn được phát hiện, trong đó có những bi kịch do chính cha, mẹ ruột gây ra gây xôn xao dư luận, đã có nhiều phụ huynh tìm đến ông "cầu cứu", nhờ trợ giúp tâm lý.
Giật mình nhận ra có thói quen đánh con
Điển hình là trường hợp của anh Quân (tên đã thay đổi). Kể với bác sĩ, anh Quân cho biết mình là một nhân viên kinh doanh, thường xuyên bị áp lực về doanh số, cuối tuần mà điện thoại công việc vẫn reo liên tục khiến anh rất căng thẳng. Anh có hai con nhỏ đang học cấp một và cấp hai.
Những lúc bực mình, nếu nghe con "đòi thứ này, muốn thứ kia", anh cảm thấy bị làm phiền và bắt đầu quát mắng, đánh con. Việc này kéo dài liên tục vài tháng qua nhưng người cha không để ý. Mãi đến khi sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dã man đến tử vong ở quận Bình Thạnh bị phanh phui, anh Quân mới giật mình nhận ra bên trong mình cũng có "hình bóng" của người cha, người mẹ kế tàn nhẫn.
Hoảng hốt, người đàn ông khẩn cấp lên mạng tìm kiếm bác sĩ mong được trợ giúp thoát khỏi thói quen đáng sợ trên. Thời điểm đến gặp bác sĩ CK2 Trần Minh Khuyên, Trưởng khoa Tâm thể, phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, anh Quân đã trong tình trạng tâm lý bất ổn.
Sau khi tư vấn về cách điều chỉnh cũng như trấn an tâm lý, bác sĩ kê cho người đàn ông này thêm các thuốc hỗ trợ giảm lo âu, chống stress, vitamin nhóm B và thuốc tăng cường tuần hoàn não.
Gần nhất là trường hợp của một phụ nữ làm trong ngành giáo dục, được chồng đưa đến phòng khám của bác sĩ Khuyên trong tình trạng căng thẳng lo âu và buồn bã, thậm chí nghĩ đến cái chết.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết thời gian gần đây vì hay tin cha ruột bị ung thư, chị bắt đầu xuống tinh thần. Đến khi nhà trường thông báo con nhỏ có kết quả học tập không tốt, người mẹ bực tức, trút giận bằng việc đánh con rất nặng nề. Nhận thấy có điều không ổn, người chồng lập tức đưa vợ đi gặp bác sĩ.
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ Khuyên kết luận bệnh nhân bị trầm cảm nặng, đến mức rối loạn hành vi và có suy nghĩ tự sát. Chuyên gia đề nghị người chồng phải theo dõi chặt các biểu hiện bất thường của vợ, và dự tính trường hợp này phải điều trị kéo dài.
Làm gì để không coi trẻ là "bao cát" trút giận?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Dung, đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ, trẻ em phát triển tốt hay có những bất ổn trong quá trình phát triển, phụ thuộc nhiều vào sự giáo dục của gia đình. Khi cha mẹ, người chăm sóc dạy trẻ bằng cách đánh đòn, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, tổn thương và đáp trả bằng cách bất hợp tác.
Đánh đòn dạy trẻ rằng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ trừng phạt trẻ hơn là đưa ra những hướng dẫn thông cảm, và trẻ có thể học được rằng bạo lực là cách để giải quyết vấn đề.
Theo chuyên gia Mỹ Dung, chỉ cách đây vài thập kỷ, một số nhà nuôi dạy trẻ đã xem việc đánh đòn là một cách có thể chấp nhận để kỷ luật trẻ em. Ngày nay, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ và các tổ chức sức khỏe trẻ em khác cực lực phản đối hình phạt thể xác ở trẻ em.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2002, một nhà tâm lý học đã nghiên cứu về trừng phạt thân thể đã phát hiện ra rằng, nó khiến trẻ em có nguy cơ bị tổn hại lâu dài hơn nhiều so với lợi ích ngắn hạn của việc vâng lời ngay lập tức.
Đánh đòn có thể nguy hiểm về thể chất, đặc biệt nếu cha mẹ đánh mạnh hơn dự định ban đầu chỉ để hù dọa. Đôi khi đánh đòn có thể làm trẻ bị bầm tím, để lại máu tụ hoặc làm tổn thương mô mềm. Một số trẻ em thậm chí phải nhập viện và nguy cơ tử vong vì điều đó.
Trở lại với câu chuyện nhiều phụ huynh trầm cảm vì phát hiện thói quen bạo hành con, bác sĩ Khuyên phân tích, những cha mẹ có nhiều áp lực công việc, cuộc sống sẽ làm tinh thần mệt mỏi, ức chế… Ở bên ngoài, họ liên tục kiềm chế lại mà không được bộc lộ, nên khi về nhà lại chọn cách trút giận, đánh thẳng tay lên người con cái để xả hết những bực bội. Việc này lâu dần sẽ thành thói quen và từ khi nào không còn nghĩ đó là hành vi sai trái.
Muốn thoát khỏi việc bị stress nặng và gây ra các hành động tiêu cực như bạo hành con cái, người lớn cần biết cách sắp xếp công việc phù hợp. Để làm sao khi ra khỏi cơ quan là buông bỏ, không suy nghĩ và ngưng hết mọi hoạt động bên ngoài.
Khi về nhà, điều phụ huynh cần làm là tham gia nấu nướng, giải trí, chơi với con… Ngoài ra, cha mẹ hãy siêng năng tập thể dục, vì khi vận động thì cơ thể sẽ tiết ra chất serotonin chống trầm cảm, stress. Chất khoái cảm sinh học endorphin cũng được sinh ra, tạo cảm giác dễ chịu.
Thay vì cắm mặt vào công việc, cha mẹ có thể chọn bàn về âm nhạc, tổ chức đi dã ngoại cuối tuần… để cân bằng cuộc sống và giải phóng năng lượng tiêu cực. Điều quan trọng là phụ huynh hãy thường xuyên lắng nghe, tâm sự cùng con để nắm được tâm tư tình cảm của trẻ, nhằm hướng đến điều chỉnh hành vi phù hợp.
Nội dung: Hoàng Lê