Tiểu thương lỗ bạc tỷ, khóc ướt gối vẫn cố gồng: "Hãy tỉnh táo tự cứu mình"
(Dân trí) - "Tiểu thương phải chấp nhận việc chợ truyền thống sẽ dần biến mất. Họ phải thay đổi toàn diện hoặc chuyển hẳn sang ngành nghề khác ngay từ bây giờ", chuyên gia kinh tế nhận định.

Thanh lý gấp hàng hóa, bỏ cọc mặt bằng với tổng vốn lên đến hàng tỷ đồng là cách mà nhiều tiểu thương chợ, chủ cửa hàng kinh doanh theo kiểu truyền thống "tháo chạy" trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Trong khi đó, không ít tiểu thương vẫn đang cố gồng gánh chi phí lớn, chấp nhận chịu lỗ bạc tỷ trong thời gian dài chỉ để nuôi hi vọng "mọi thứ sẽ dần tốt hơn".


Hết thời thu hàng trăm triệu đồng/tháng
Chị Kim Hoàng (45 tuổi) là chủ cửa hàng quần áo trên tuyến phố thời trang Lê Văn Sỹ (TPHCM). Hơn 130 triệu đồng/tháng là chi phí trung bình mà chị phải trả. Chỉ tính riêng 2 gian hàng trên đường Lê Văn Sỹ, mỗi tháng chị Hoàng đã mất hàng nghìn USD tiền thuê.
Thế nhưng, từ đầu năm ngoái đến nay, doanh thu chỉ dừng ở mức 60-70 triệu đồng/tháng, khiến chị Hoàng phải thừa nhận rằng: "Tiểu thương thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng giờ chỉ còn là chuyện quá khứ".
Từng là thương hiệu thời trang nổi tiếng hơn 10 năm trong ngành, giờ đây cảnh kinh doanh trở nên đìu hiu. Từ sở hữu 3 chi nhánh đắc địa trên địa bàn thành phố, chị Hoàng đành ngậm ngùi đóng vội 2 chi nhánh, thậm chí phải năn nỉ chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng cơ sở còn lại.


Để cạnh tranh với thị trường trực tuyến (online), chị Hoàng ráo riết đến các lớp dạy kinh doanh online, nhờ người thân chỉ cách tạo trang bán hàng để theo kịp người khác. Thế nhưng, sự thay đổi không thấm vào đâu, khiến chị Hoàng nhận ra đây chưa phải cách đúng đắn.
Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, bà chủ khóc ướt gối vì công sức hàng chục năm gầy dựng giờ trên bờ vực phá sản. Nhưng cũng giống nhiều tiểu thương khác, chị Hoàng vẫn cố gồng vì nếu nghỉ ngang ở độ tuổi này, họ cũng không biết làm gì khác.
Anh Nguyễn Văn Toản (45 tuổi), tiểu thương kinh doanh quần áo trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TPHCM), chia sẻ, từ sau giai đoạn Covid-19, anh phải vật lộn, xoay sở đủ thứ vì cảnh tượng ế ẩm chưa từng thấy. Doanh thu của cửa hàng giảm hơn 50%, mỗi ngày chỉ có 1-2 khách lui tới, thậm chí có ngày không có nổi một vị khách.
Cửa hàng từ 2 nhân viên, giờ chỉ còn một mình anh Toản làm hết mọi việc. Ông chủ từ lo chuyện quản lý, vận hành, giờ phải tự soạn, bán hàng, thậm chí dắt xe cho khách.


"Tôi đang cố bán hết số quần áo này, chờ hết hạn hợp đồng để trả mặt bằng, rồi bỏ nghề luôn. Một người anh thân thiết của tôi thậm chí chấp nhận mất 500 triệu đồng tiền cọc để trả mặt bằng sớm hơn thời hạn trong hợp đồng, vì không gồng lỗ nổi nữa", anh Toản nói, miệng cười méo xệch.
Anh Trịnh Thế Hưng (36 tuổi), tiểu thương chợ An Đông Plaza (quận 5), cũng gồng lỗ suốt nhiều năm qua. Nhìn khu chợ vắng tanh, anh Hưng rầu rĩ vì dù tìm mọi cách vẫn không thay đổi được tình hình.


Theo lời anh Hưng, việc đồng nghiệp chấp nhận mất hàng tỷ đồng, bán sạp, bỏ nghề để... cắt lỗ không còn là chuyện hiếm ở khu chợ.
"Tiểu thương chợ truyền thống không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn cạnh tranh với thị trường online. Thậm chí, khách hàng giờ cũng tự nhập hàng về kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất cũng tự mở kênh online, không cần chợ đầu mối trung gian như chúng tôi nữa", anh Hưng trải lòng.
Theo số liệu 3 tháng đầu năm 2024 của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM), tình hình kinh doanh của các thương nhân tại chợ diễn ra vô cùng khó khăn. Sản lượng tiêu thụ tại chợ chỉ đạt 2.100 tấn/ngày, giảm 10-20% so với cùng kỳ các năm trước.
Đại diện công ty cho hay, tình hình khó khăn này đã kéo dài từ năm 2021 đến nay. Nguyên nhân do tình hình kinh tế chung, hàng quán, quán ăn vắng khách nên chợ cũng ế ẩm theo.
"Sau giai đoạn Covid-19, phương thức kinh doanh trực tuyến cũng trở nên phổ biến, người tiêu dùng từ đó đã có thói quen mua hàng theo phương thức này, dẫn đến việc hạn chế vào chợ đầu mối mua hàng. Tình trạng công nhân thất nghiệp, bỏ về quê, tiểu thương ở các khu chợ nhỏ buôn bán ế ẩm, cũng khiến các tiểu thương ở chợ đầu mối khó khăn theo", đại diện công ty chia sẻ.
Năm 2024, đại diện Sở Công thương TPHCM thông tin thành phố có 224/233 chợ hoạt động. Lượng khách đến chợ giảm trung bình 20%-30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30%-50% so với thời điểm năm 2019. Trong đó, ngành vải giảm 60-90%; tạp hóa, giày dép, quần áo… giảm 50-70% lượng khách.
Cần quy hoạch, thay đổi toàn diện
Theo chuyên gia kinh tế TS. Huỳnh Thanh Điền, những khó khăn của các tiểu thương chợ truyền thống là biểu hiện của sự thay đổi tất yếu trên thị trường.
"Sự thật đau lòng là không sớm thì muộn, các kênh bán hàng online sẽ dần thay thế chợ truyền thống và ngày càng nhiều người bán không trụ được sẽ tự khắc rút khỏi thị trường. Hiện tại, đến nông sản còn mua bán online thì rõ ràng thương mại điện tử đã lấy đi thị phần rất lớn", vị này khẳng định.
TS. Huỳnh Thanh Điền phân tích nguyên nhân đầu tiên đến từ hành vi mua hàng và chi phí vận hành.


Trong giai đoạn Covid-19, người dân đã quen với hình thức mua sắm online và nhận ra rằng việc này giúp họ tiết kiệm thời gian và công sức hơn so với việc đi đến chợ truyền thống để lựa chọn hàng hóa. Bên cạnh đó, giá cả, nguồn gốc hàng hóa cũng được niêm yết rõ ràng, người tiêu dùng không cần phải trả giá, mặc cả.
"Người bán online không cần bỏ nhiều chi phí vận hành cố định nên giá cả sẽ rẻ hơn so với chợ truyền thống. Hơn nữa, thời buổi bây giờ phải cạnh tranh nhau bằng tốc độ.
Khách hàng ngồi ở nhà, chỉ cần lướt điện thoại, trong thời gian ngắn là có người giao hàng tới ngay thì tại sao họ phải mất thời gian ra chợ? Không những vậy, các sàn thương mại điện tử giờ còn cho đổi trả miễn phí", chuyên gia phân tích.
Nguyên nhân kế tiếp là chợ truyền thống dần mất đi vai trò trung gian giữa nhà sản xuất và khách hàng.


"Trước đây, nhà sản xuất sẽ phân phối hàng ra chợ để tiểu thương tiếp cận đến khách. Nhưng bây giờ, kênh online phát triển, chính họ có thể trực tiếp bán qua các nền tảng như TikTok, Shopee, Facebook, giúp tiết kiệm chi phí trung gian và tối ưu hóa lợi nhuận", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Một nguyên nhân khác là sự gia tăng các cửa hàng tiện lợi. Những cửa hàng này phân bố khắp các địa bàn tỉnh, thành, đặc biệt là các khu dân cư. Nguồn gốc hàng hóa tại đây có nhãn mác rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại sự tin tưởng cao. Thời gian hoạt động cũng linh hoạt (nhiều cửa hàng mở cửa 24/7) giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi hơn.
Ngoài ra, các siêu thị và trung tâm thương mại ngày càng kết hợp nhiều dịch vụ (mua sắm, ăn uống, giải trí), tạo ra trải nghiệm toàn diện hơn cho khách hàng.
TS. Huỳnh Thanh Điền cho hay ông không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh hàng loạt sạp hàng "cửa đóng then cài", nhiều tiểu thương dù biết kinh doanh khó khăn, chịu lỗ số tiền lớn nhưng vẫn cố gồng gánh.
"Như vậy là lãng phí, hãy chấp nhận xu thế và tỉnh táo để tự cứu mình", vị chuyên gia nhấn mạnh.


TS. Huỳnh Thanh Điền cho rằng, các địa phương cần quy hoạch lại chợ truyền thống, học hỏi các nước ở châu Âu, chỉ nên giữ lại một số chợ mang giá trị văn hóa như Bến Thành, An Đông, Bình Tây… để phát triển du lịch. Các chợ không còn phù hợp có thể chuyển đổi công năng thành trung tâm thương mại, dịch vụ.
Đồng thời, các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương chuyển đổi số hoặc chuyển dịch ngành nghề để thích ứng với xu hướng mới.
"Nếu muốn tiếp tục buôn bán, tiểu thương phải xác định bán cho ai rồi chủ động tìm tới, nâng cấp dịch vụ và trải nghiệm mua sắm của đối tượng khách hàng đó.
Chẳng hạn như một số tiểu thương ở chợ mà tôi biết, họ hiểu rằng không thể cạnh tranh với kênh online nên tự liên lạc với khách, hằng ngày hỏi nhu cầu mua sắm của họ rồi chạy đi giao ngay lập tức. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời", TS. Huỳnh Thanh Điền nói.
Về lâu dài, chuyên gia kinh tế khuyên các tiểu thương nên chuyển sang kinh doanh, làm việc lĩnh vực khác hoặc tập trung đầu tư, thay đổi hẳn sang kênh bán hàng online.