Những cư dân của Trường Sa
(Dân trí) - Mỗi năm, trên 2.000 ngư dân câu mực xà lênh đênh ở Trường Sa khoảng 9-10 tháng. Con tàu và đại dương trở thành ngôi nhà, mảnh đất quê hương thứ hai của họ.
Những phiên biển tiền tỷ
Cuối tháng 10 âm lịch, những con tàu câu mực cuối cùng của ngư dân Quảng Ngãi về bến. Cửa biển Sa Cần nhộn nhịp, văng vẳng tiếng mặc cả của thương lái và ngư dân.
Chuyến biển cuối năm, tàu QNg 90857TS về từ Trường Sa chở theo 35 tấn mực xà khô. Với giá 170.000/kg, số mực này mang về cho ngư dân gần 6 tỷ đồng.
Ngư dân Bùi Văn Trung (54 tuổi, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNg 90857TS. Con tàu được đóng mới năm 2015 có công suất 850CV, trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Ông Trung là một trong những thuyền trưởng "mát tay" nhất trong làng câu mực xà ở Quảng Ngãi. Vì vậy, tàu ông thường có 45-50 lao động cho một chuyến biển.
Theo thuyền trưởng Trung, chuyến này người ít cũng được 700-800kg, người nhiều hơn 1,1 tấn mực khô. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân kiếm được 100-150 triệu đồng.
"Chuyến này đi gần 3 tháng. Giờ bán mực xong rồi nghỉ ăn Tết, chăm chút lại tàu bè. Khoảng đầu tháng Giêng năm sau, anh em chúng tôi lại ra khơi", thuyền trưởng Trung nói.
Ngư dân Đỗ Lợi, 54 tuổi, gắn bó với nghề câu mực xà Trường Sa gần 30 năm. Chuyến này, ông Lợi được 900kg mực khô. Ông nhẩm tính, sau khi trừ phí tổn, ăn chia với chủ tàu, ông còn khoảng 120 triệu đồng. Một phần ông sắm sửa đón Tết, phần còn lại tích góp cho lúc về già.
Ông Lợi lý giải, chủ tàu tự bỏ vốn đóng tàu, sau đó kêu gọi ngư dân tham gia đánh bắt. Những ngư dân này được gọi là người đi bạn. Giữa chủ tàu và người đi bạn thống nhất cách ăn chia chi phí, lợi nhuận. Phí tổn mỗi chuyến biển được chia đều cho những người đi bạn.
Chi phí cho một chuyến ra khơi trung bình khoảng 1 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là tiền dầu. Sau khi bán mực, ngư dân trả tiền phí tổn cho chủ tàu. Sau đó, mỗi ngư dân tiếp tục trích 17% tiền lãi sau khi trừ phí tổn cho chủ tàu.
Lênh đênh đời thúng trên biển đêm
Tàu câu mực xà luôn nổi bật với hàng chục thúng câu và giàn phơi mực tua tủa đinh nhọn. Mỗi tàu câu mực có 40-50 lao động nên phải mang theo từng ấy thúng câu. Mỗi mét vuông trên tàu đều được tận dụng để đặt thúng, phơi mực. Đất chật, người đông nên chủ tàu buộc phải chia lô cho mỗi người.
Trước chuyến biển đầu tiên trong năm, ngư dân được bốc thăm chọn vị trí phơi mực. Kết quả này được sử dụng cho cả năm. Tùy số lượng người đi bạn mà chủ chia tàu thành bao nhiêu lô. Mỗi vị trí trên tàu ảnh hưởng đến thời gian khô của mực. Mũi tàu, nơi đón nhiều gió, là vị trí đắc địa nhất.
Mỗi lô trên tàu có diện tích hơn 4m2. Do đó, ngư dân phải cơi nới bằng cách làm giàn phơi nhiều tầng. Một phần giàn phơi nhô ra biển. Giàn phơi chi chít khiến con tàu trông giống tàu sân bay lừng lững trên biển.
Ngư dân Nguyễn Tấn Hai (xã Bình Chánh) cho biết, mỗi chuyến câu mực ở Trường Sa kéo dài gần 3 tháng. Phiên câu mực bắt đầu từ 16h hôm trước đến sáng hôm sau. Tàu thả thúng cách rất xa nhau, mỗi người một thúng.
Trên thúng câu có đèn dụ mực. Mực thấy ánh sáng sẽ tập trung về phía thúng. Ngư dân dùng cần câu có nhiều lưỡi quăng xuống biển rồi kéo mạnh để bắt mực. Mỗi đêm, một người có thể bắt được 80-100kg mực tươi.
Đến sáng, thuyền trưởng dựa trên định vị điều khiển tàu đi tìm và kéo thúng lên. Vừa lên thuyền, thợ câu lại tất tả xẻ mực, phơi khô. Công việc hoàn thành khi mặt trời đứng bóng. Hàng chục ngư dân ăn vội bữa cơm rồi tranh thủ ngủ lấy sức cho đêm làm việc tiếp theo. Mỗi ngày, thợ câu mực chỉ ngủ được 4-5 tiếng đồng hồ.
"Biển mênh mông, thúng câu lại nhỏ, mỗi người một thúng lênh đênh hết đêm này qua đêm khác. Chẳng nghề nào nguy hiểm bằng nghề này", ngư dân Hai chia sẻ.
Gần 30 năm theo nghề câu mực, ngư dân Đỗ Lợi nếm trải đủ những nhọc nhằn của nghề. Thúng câu bị tàu hàng nước ngoài đâm trúng, lốc xoáy, bão biển là những nguy hiểm luôn rình rập thợ câu. Năm nào cũng có thợ câu mất tích.
"Mỗi đêm, một thợ câu có thể kiếm được 1-2 triệu đồng, một chuyến biển kiếm được mấy trăm triệu đồng. Nghe thì đã lắm nhưng rất nhọc nhằn, nguy hiểm. Mấy tháng trước, có 2 tàu của ngư dân Quảng Nam bị lốc nhấn chìm làm 15 người chết, mất tích đấy", ngư dân Đỗ Lợi nói.
Những cư dân Trường Sa
Nghề câu mực xà có quá nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt nhất có lẽ là thời gian đánh bắt trên biển nhiều hơn thời gian ở đất liền. Mỗi năm, thợ câu mực lênh đênh ở Trường Sa khoảng 9-10 tháng.
Nhiều người nói vui, thợ câu mực ở ngoài biển nhiều hơn ở nhà, gần mực hơn gần vợ. Người câu mực xà phải chấp nhận xa nhà, chấp nhận cực khổ, nguy hiểm. Vì vậy, dù thu nhập khá cao nhưng hiện chỉ còn ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và một ít người ở Bình Định theo nghề.
Người làm nghề câu mực được ví như những cư dân của Trường Sa. Với họ, con tàu và Trường Sa trở thành ngôi nhà, quê hương thứ hai.
Thuyền trưởng Bùi Văn Trung nói rằng, Trường Sa thăm thẳm nhưng ngư dân không đơn độc. Mỗi lần ngư dân đau ốm các bệnh xá trên các đảo ở Trường Sa luôn tiếp đón, chăm sóc chu đáo. Khi tàu gặp nạn, lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển luôn có mặt kịp thời.
"Những thuyền trưởng như tôi ngày nào chẳng trò chuyện với hải quân. Chuyện thời tiết, dòng chảy, chuyện tàu bè các nước qua lại trên biển. Ngoài đó mà có tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển mình là chúng tôi báo về đất liền ngay", thuyền trưởng Trung chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Trọng Thân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Chánh, tỉnh Quảng Ngãi có hàng nghìn tàu cá với nhiều ngành nghề đánh bắt khác nhau. Riêng nghề câu mực xà chỉ có tại xã Bình Chánh.
Xã có trên 120 tàu làm nghề câu mực, phân nửa trong số này hành nghề dài ngày ở Trường Sa. Đội tàu câu mực xà của xã Bình Chánh đứng đầu cả nước về số lượng lẫn công suất. Sản lượng mực xà đánh bắt hàng năm khoảng 4.200-4.500 tấn.
Nghề câu mực ở Trường Sa cho thu nhập khá cao. Do đó, đa phần người dân địa phương có cuộc sống khá sung túc. Nhiều ngư dân sở hữu đôi tàu trị giá hơn 10 tỷ đồng. Ngoài việc mang lại lợi nhuận cao, ngư dân câu mực giống như những cột mốc chủ quyền trải dài khắp quần đảo Trường Sa.
"Mỗi năm 10 tháng, ngư dân câu mực bám biển Trường Sa. Với họ, Trường Sa là quê hương thứ hai. Sự hiện diện của hàng nghìn thúng câu nhỏ bé ở Trường Sa mang lại ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Thân nhấn mạnh.