DNews

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công?

Hằng Nguyễn

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp thủ khoa của Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Minh Quân được mời về làm việc cho tạp chí của một cơ quan nhà nước với hàng loạt đãi ngộ hấp dẫn.

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công?

Lương hấp dẫn và nhiều cơ hội phát triển

 Sau khi dự lễ vinh danh các thủ khoa của các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023, Minh Quân, 24 tuổi, được một tạp chí của cơ quan nhà nước đặt vấn đề muốn mời về làm việc chính thức.

"Ngoài lương nhân theo hệ số 2,34, lúc đó, tôi được hứa hẹn có thêm phụ cấp bằng 100% lương. Đến năm 2024, tôi được nghe trao đổi lại là sẽ nâng lên phụ cấp 150%. Bên cạnh đó, thông thường từ chuyên viên được thi lên chuyên viên chính thì mất 9 năm, nhưng những người thuộc diện thu hút nhân tài thì sẽ chỉ mất 3 năm", Minh Quân tâm sự.

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công? - 1

Sinh viên xuất sắc nằm trong nhóm được ưu tiên tuyển dụng với cơ chế hấp dẫn (Ảnh: Đoàn thanh niên).

Quân được mời về làm việc theo chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, được nêu trong Nghị định số 179/2024/NĐ-CP. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước nằm trong nhóm những người được ưu tiên tuyển dụng.

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự. 

Đồng thời, nhóm này được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng. Họ cũng được ưu tiên bồi dưỡng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác, được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế.

Đứng trước cơ hội hấp dẫn, Minh Quân quyết định tạm gác những kế hoạch khác lại để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tuyển dụng vào công chức. Quân cho biết đây là một cơ hội lý tưởng để cậu tập trung làm chuyên môn. Ngoài mức lương cao hơn so với công chức thông thường, Quân cho biết cơ hội được phát triển là một trong những yếu tố cậu quan tâm nhất. 

"Trước đó, vì không biết đến cơ chế này nên tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đi làm trong môi trường nhà nước. Nhưng khi có thông tin, tôi khá háo hức về vị trí này", Quân chia sẻ.

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công? - 2

Nhân lực vào nhà nước theo diện thu hút sẽ được hưởng lương gấp rưỡi so với thông thường và nhiều chế độ ưu đãi khác (Ảnh: Thục Hiền).

Tuy nhiên, chưa kịp hoàn thiện thủ tục, hành trình vào cơ quan nhà nước của Quân bị tạm gác lại khi cả nước thực hiện đợt tái cơ cấu bộ máy toàn diện. Việc tuyển dụng công chức, viên chức bị tạm dừng cho đến khi hoàn thành sáp nhập ở cấp địa phương.

"Từ đó đến nay tôi chưa nghe được thông tin gì khác. Trong thời gian này, tôi đành phải tìm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập, chờ đến lúc tình hình ổn định hơn", chàng thủ khoa nói.

Có kinh nghiệm làm việc cho các cơ quan, doanh nghiệp từ thời sinh viên, Quân tự tin có thể tìm được những công việc yêu thích với mức lương cạnh tranh hơn ngay khi mới ra trường. Tuy nhiên, mong muốn được cống hiến trong cơ quan nhà nước và nhận được mức đãi ngộ hấp dẫn, Quân vẫn "chờ thời" khi việc tuyển dụng công chức, viên chức được khởi động trở lại.

Cần thêm cơ chế để thu hút nhà khoa học từ nước ngoài về

 Năm 2004, TS Nguyễn Quốc Bình, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chuyển nạp gene trên cây trồng tại Canada, đã về quê hương theo lời mời của lãnh đạo UBND TPHCM thời đó, nhằm xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học đầy tham vọng.

Khi đó, dù chưa nhập quốc tịch Việt Nam trở lại, ông vẫn được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học đầu tiên của TPHCM. Đây là một trong những điểm đặc biệt trong cơ chế thu hút nhân tài của thành phố.

"Đó là một nỗ lực rất lớn của thành phố. Thứ hai nữa, hồi đó tôi được đặc cách về lương, dù không bằng so với nhu cầu của mình nhưng ít ra nó cũng gấp mấy lần lương của một nhà khoa học trong nước. Nó cũng là một cái an ủi", TS Bình cho hay. 

Sau hơn 10 năm, khi Trung tâm Công nghệ sinh học đã thành hình hài, với hàng loạt công trình phục vụ ngành nông nghiệp, thủy sản và sản xuất thuốc được nghiên cứu, đăng ký bản quyền, ông đến tuổi về hưu theo quy định. 

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công? - 3

Các chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ sinh học đầu tiên của TPHCM (Ảnh: HCMBIOTECH).

Khi không còn làm Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, ông được mời làm cố vấn khoa học theo chương trình thí điểm thu hút nhân tài của TPHCM. Ông tiếp tục làm việc cho đến năm 2017, dù với ông, "đây mới là thời điểm chín muồi của một nhà khoa học".

Đến nay, ở tuổi ngoài 70, TS Nguyễn Quốc Bình vẫn làm chuyên gia tư vấn cộng tác cho một số doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong hơn 10 năm đầu sau khi về nước, ông vẫn tiếc vì "nếu được tạo thêm cơ hội, ông có thể tiếp tục cống hiến và đưa Trung tâm Công nghệ sinh học thực sự phát triển.

"Tôi biết TPHCM đã rất nỗ lực để có những kết quả đó, nhưng làm khoa học thực sự cần nhiều hơn thế. Khi làm ở nước ngoài, tôi được thỏa sức nghiên cứu, dù không phải công trình nào cũng cho kết quả. Và đó là cái giá phải chấp nhận khi đầu tư nghiên cứu khoa học.

Theo tôi, phải đầu tư như thế thì nước ngoài mới có những sản phẩm như bom nguyên tử, chương trình vũ trụ, những chương trình chip,…", ông Bình trăn trở.

Theo ông, để các đơn vị công lập thu hút được người giỏi trở về, cơ chế cho nghiên cứu khoa học cần phải được cởi mở hơn, có cơ chế chấp nhận rủi ro cho những nghiên cứu tiên phong.

"Các nhà nghiên cứu họ rất ngại cơ chế, đặc biệt cứ đụng đến nhiều thủ tục hành chính phức tạp là họ né. Hầu hết những dự án nghiên cứu khoa học bây giờ phải thông qua phê duyệt như từ trước đến nay. Có nghĩa là được phê duyệt bao nhiêu thì chỉ được dùng trong mức đó, không được vượt qua, không được thuê nhân công bên ngoài hoặc trả lương cho các thử nghiệm. Cơ chế như thế rất khó để làm", TS Bình nêu quan điểm.

Người tài cần gì khi đầu quân về khu vực công? - 4

Các nhà khoa học cần cơ chế cởi mở hơn cho công tác nghiên cứu (Ảnh minh họa: Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Minh bạch và cạnh tranh

Rời môi trường nhà nước để đi làm cho các đơn vị tư nhân, nhiều người cho biết nguyên nhân chủ đạo là do ở các cơ quan nhà nước còn chưa thực sự cạnh tranh, thiếu sự linh động, cơ chế cào bằng,...

Chị Hoàng Lam, 38 tuổi, một kỹ sư thủy văn cho biết, chị rời khỏi môi trường nhà nước sau hơn 15 năm cống hiến vì lương chưa cao và làm được bao nhiêu việc cũng chỉ nhận một mức đãi ngộ nhất định. 

Theo TS kinh tế Huỳnh Thanh Điền, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, quá trình tinh gọn bộ máy cần chú ý tạo điều kiện để nhân tài có động lực vào khu vực công:

"Nếu có một hệ thống KPI công bằng và minh bạch, khu vực công sẽ càng hấp dẫn, tạo ra hệ thống hành chính hiệu lực, hiệu quả", ông kỳ vọng.

Theo TS khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời của Viện nghiên cứu ISEAS (Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore), chỉ khi mô hình hoạt động minh bạch, có cơ chế ghi nhận đúng và đủ những nỗ lực của người lao động, loại bỏ cơ chế hành chính phức tạp, nhiêu khê, khi đó môi trường nhà nước mới đủ hấp dẫn để thu hút người tài.