DNews

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại

Vi Thảo

(Dân trí) - Từ cây cỏ bàng mọc tự nhiên, hơn 500 năm trước, người dân làng Phò Trạch (Thừa Thiên Huế) đã tạo ra các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại

Làng nghề hơn 500 năm tuổi

Theo các nhà nghiên cứu, làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) có lịch sử lâu đời của vùng đất Thuận Hóa, mang đậm dấu ấn của thời di dân mở nước cách đây hơn 500 năm. Kể từ đó, nghề đệm bàng (làm đệm từ cây cỏ bàng) đã xuất hiện và duy trì đến ngày nay. 

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 1

Người dân làng Phò Trạch thu hoạch cỏ bàng để phơi khô (Ảnh: Vi Thảo).

Cây cỏ bàng, nằm trong họ cói, sống chủ yếu ở các vùng ven biển hay đầm phá. Tại vùng hạ lưu sông Ô Lâu như Phong Bình, cây bàng mọc tự nhiên trên những đầm nước, nơi có nguồn than bùn trữ lượng lớn, cung cấp phân bón tự nhiên để cây phát triển mạnh.

Về sau, do nhu cầu nguyên liệu ngày càng nhiều nên người dân đã lấy giống cỏ bàng từ vùng đầm nước về trồng tại các chân ruộng trũng và bắt đầu thâm canh để phục vụ cho nghề đệm bàng.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 2

Sau khi thu hoạch, cỏ bàng sẽ được phơi 3-5 nắng rồi mang ra cối đập dập, xé nhỏ thành sợi (Ảnh: Vi Thảo).

Theo người dân địa phương, trước đây nghề đan đệm bàng Phò Trạch đã từng tạo ra nhiều sản phẩm như cánh buồm, bao đựng muối, chiếu đệm,… Đệm bàng rất nhẹ, tiện di chuyển, mùa hè nằm mát, còn mùa đông cho cảm giác ấm áp, đặc biệt đây là vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tự tiêu hủy.

Những năm 1980, sản phẩm đệm bàng Phò Trạch đã được ngành ngoại thương đặt thu mua để bao gói các loại hàng xuất khẩu với số lượng lớn.

Ông Lê Tấn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cho biết nghề đệm bàng truyền thống đã tạo ra những dòng sản phẩm có tính nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cho đến nay, đệm bàng Phò Trạch vẫn hoạt động và phát triển, mang lại nguồn kinh tế khá ổn định cho người dân.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 3

Trong quá trình phơi, người dân sẽ làm sạch những lớp vỏ lá bên ngoài, chỉ lấy phần thân ruột của cỏ bàng (Ảnh: Vi Thảo).

Như bao người lớn lên ở làng Phò Trạch, từ nhỏ, ông Ngô Định (63 tuổi, thôn Đông Mỹ, xã Phong Bình) đã biết phụ cha mẹ trong việc trồng, chăm sóc cỏ bàng, cắt, phơi cỏ và đập dập, tước thành sợi để đan đệm. Đến nay, gia đình ông vẫn gắn bó với nghề.

"Việc trồng cói bàng, làm cỏ, bón phân và thu hoạch là của đàn ông, còn khâu đan lát thành các sản phẩm là của phụ nữ. Cỏ bàng trồng không khó, chỉ cần chiết giống từ những cây bàng có sẵn, rồi cắm xuống ruộng. Một lần trồng có thể cho thu hoạch đến 10 năm tùy theo chân ruộng xấu, tốt và khâu chăm sóc", ông Định chia sẻ.

Theo ông Định, cứ độ tháng 2 đến tháng 3 Âm lịch hằng năm, người dân làng Phò Trạch lại ra đồng thu hoạch cỏ bàng để phơi khô. Đây là thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch vì tỷ lệ đồng đều giữa các cây cỏ và thời tiết có nắng nhiều để phơi bàng.

Cỏ sau khi thu hoạch sẽ được phơi 3-5 nắng rồi mang ra cối đập dập, xé nhỏ thành sợi. Từ sợi cỏ bàng, phụ nữ làng Phò Trạch sẽ đan thành các sản phẩm để bán trong cả năm.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 4

Ngày nay, người dân dùng phương tiện để vận chuyển cỏ bàng về nhà thay vì gánh bộ như trước đây (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Phạm Bá Thị (thôn Đông Mỹ, xã Phong Bình) cho biết, nghề trồng, đan đệm bàng tuy không tạo ra nguồn thu nhập lớn nhưng ổn định. Nghề này giúp người dân vùng thôn quê có thêm việc làm vào thời gian nông nhàn, nhất là với những người lớn tuổi, không muốn đi làm ăn xa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cả xã hiện có khoảng 14ha diện tích trồng cói bàng. Người làm nghề đan đệm bàng tập trung ở 6/12 thôn của xã, mỗi thôn có 10-15 hộ, bình quân thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, với những hộ chuyên làm nghề, có thể cao hơn.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 5

Cỏ bàng được phơi từ sân nhà ra đến cổng làng Phò Trạch (Ảnh: Vi Thảo).

Vào những năm trước 2013, làng Phò Trạch có hơn 300 hộ tham gia làm nghề đan nệm bàng. Sau đó, khi có các loại vật liệu mới, sản phẩm làng nghề truyền thống bị cạnh tranh khốc liệt, nhiều người bỏ nghề đan đệm bàng, hầu như chỉ còn người trung niên, người già bám nghề sống qua ngày.

Để phục hồi và phát triển làng nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, tháng 12/2019, UBND huyện Phong Điền khai trương, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất làng nghề đệm bàng Phò Trạch. Xã Phong Bình cũng đã quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu với mục tiêu nhân rộng lên 20ha vào năm 2030, tạo việc làm cho hơn 900 lao động.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 6

Phụ nữ làng nghề đệm bàng Phò Trạch đan các sản phẩm thô để nhập cho công ty (Ảnh: Vi Thảo)

Năm 2022, một lớp đào tạo nghề đan đệm bàng cho 21 lao động nữ tại địa bàn xã Phong Bình được mở. Toàn bộ số lao động sau khi học nghề xong đã được Công ty Huế Việt tiếp nhận, giải quyết việc làm.

Đưa sản phẩm từ cỏ bàng xuất ngoại

Với xu hướng ưa chuộng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, trong 5 năm trở lại đây, các sản phẩm từ đệm bàng Phò Trạch đã hồi sinh mạnh mẽ, tạo được sức hút trên thị trường. Đặc biệt, người dân làm nghề không còn đơn độc như xưa, mặt hàng thô làm ra đã có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu, đặt trước mẫu mã.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 7

Các sản phẩm từ cỏ bàng được "hô biến" thành những mặt hàng có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Vi Thảo)

Từ năm 2019, Công ty Huế Việt đã liên kết với bà con nông dân tập trung sản xuất các sản phẩm ống hút, túi xách, hộp đựng đồ,… từ cỏ bàng để cung ứng cho khách sạn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đến năm 2021, Công ty Maries (thành phố Huế) tiếp tục đồng hành cùng người dân làng Phò Trạch, tạo ra các sản phẩm cao cấp từ cây cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, cũng như tăng giá trị sản phẩm.

Bà Hồ Thị Sương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Maries, cho biết sau thời gian thử nghiệm bán các sản phẩm đệm bàng Phò Trạch, bà nhận ra muốn tiếp cận với dòng khách hàng tầm trung, tầm cao, phải cải tiến mẫu mã, có sự sáng tạo, giữ nét truyền thống nhưng cần thổi vào tính hiện đại.

Làng nghề hơn 500 năm tuổi biến cỏ dại thành sản phẩm xuất ngoại - 8

Bên trong cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp từ cỏ bàng Phò Trạch (Ảnh: Vi Thảo).

"Hàng thủ công mỹ nghệ rất kén khách mua. Khách hàng cao cấp họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua một sản phẩm đắt tiền làm quà lưu niệm hoặc tặng bạn bè, người thân nhưng nó phải xứng đáng và có sự sáng tạo, tính nghệ thuật cao", bà Lan nhận định.

Theo bà Lan, các mặt hàng không chỉ được bán cho khách hàng trong nước, khách nước ngoài khi đến Huế du lịch mà đã bắt đầu có đơn hàng xuất đi các nước như Pháp, Mỹ, Canada,... Bà Lan dự định sẽ đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử quốc tế để nhiều người biết đến hơn, qua đó quảng bá thương hiệu, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.