Hot girl Thanh Hóa tái chế những thứ bỏ đi thành sản phẩm thời trang
(Dân trí) - Đam mê thiết kế thời trang, Đinh Thị Tuyết (23 tuổi, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) biến quần áo cũ thành những sản phẩm độc đáo.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Đinh Thị Tuyết (ở phố Kiều Đại, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn) lựa chọn theo đuổi đam mê nghề may mặc. Không đi học đại học, cô gái trẻ lựa chọn học lớp đào tạo thiết kế thời trang tại thành phố Hà Nội để lập nghiệp.
Kết thúc khóa đào tạo, Đinh Thị Tuyết về quê, tận dụng gian phòng của gia đình để mở tiệm may.
Tình cờ một lần thấy các sản phẩm được tái chế từ quần áo cũ hết sức độc đáo, Đinh Thị Tuyết nảy sinh ý tưởng sẽ bắt đầu công việc của mình bằng cách sản xuất các vật dụng như túi, váy...
Thời gian đầu, cô tận dụng quần, áo cũ của bản thân rồi tự vẽ, thiết kế các mẫu túi xách, ba lô.
Tuyết kể, sau khi những sản phẩm đầu tay được hoàn thiện, cô chia sẻ lên mạng xã hội thì nhận được nhiều lời khen và đơn đặt hàng. Nhiều vị khách từ các tỉnh, thành phố xa xôi như Đồng Nai, Đắk Lắk, Cần Thơ, Hà Nội... gửi những chiếc quần Jeans cũ để nhờ cô gia công, tái chế thành túi xách và váy.
"Mới làm được hơn 3 tháng nhưng kết quả ngoài mong đợi, mỗi tháng tôi nhận khoảng 40 đơn hàng. Đa số các sản phẩm được tái chế từ quần Jeans cũ, họ đặt hàng làm túi xách", Tuyết chia sẻ.
Chiếc váy tái chế từ quần Jeans cũ vừa được Tuyết hoàn thiện. Cô gái trẻ chia sẻ, ngoài kiếm thêm thu nhập, công việc tái chế quần áo cũ còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa rác thải ngành may mặc.
Quá trình tái chế quần áo cũ, Tuyết thường sử dụng điện thoại để ghi lại các công đoạn làm việc, sau đó dựng thành video rồi đăng tải trên nền tảng mạng xã hội. Nhờ đó mà Tuyết nhận được đơn đặt mỗi ngày một nhiều.
Suốt 3 tháng qua, trong gian phòng nhỏ tại gia đình, hàng ngày Tuyết làm bạn với kim, chỉ, và chiếc máy may. Cô gái trẻ tâm sự, công việc tuy không vất vả nhưng phải có sự sáng tạo để làm nên những sản phẩm bắt mắt, được nhiều người yêu thích.
"Trung bình một ngày tôi có thể làm được 3-4 sản phẩm. Mỗi sản phẩm tôi nhận tái chế với tiền công 100.000-150.000 đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tập trung thiết kế các dạng túi xách với mẫu mã đa dạng hơn để tạo ra sự khác biệt, thu hút nhiều đơn đặt hàng hơn nữa", Tuyết chia sẻ.