DMagazine

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động

(Dân trí) - “5 năm qua, ngành đã nỗ lực xây dựng thể chế, đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ, đột phá trong giải quyết các vấn đề khó và chưa có tiền lệ, xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái…”.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động

“5 năm qua, ngành đã nỗ lực xây dựng thể chế, đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ, đột phá trong giải quyết các vấn đề khó và mới và tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ, xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái…”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ 5 (2020-2025). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 17/11 tại Hà Nội. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự chỉ đạo và phát biểu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc

 Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 75 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã đồng hành và liên tục đổi mới cùng đất nước, liên tục đổi mới sáng tạo và góp phần tích cực vào công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động - 1

Nhiều đại diện từ các Bộ, ban ngành tới dự Đại hội

“Ngành luôn thực hiện phương châm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo và hiệu quả. Ngành đã cùng đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng thể chế, đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ, đột phá trong giải quyết các vấn đề khó và mới và tạo ra nhiều nội dung chưa có tiền lệ. Kết quả đó đã tổng kết hàng năm và được Đảng, Nhà nước ghi nhận đánh giá và tặng những phần thưởng cao quý.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động - 2

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì tới Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).

Bộ đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trong gần 60 năm qua để tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng khẳng định: “Đây là dịp để toàn ngành đánh giá lại kết quả thi đua trong 5 năm, tôn vinh những cá nhân và tập thể tiên tiến trong phong trào. Đồng thời qua đây, chúng ta cũng tập trung xem xét lại và tạo ra những phong trào thi đua mới trong 5 năm tới, để ngành tiếp tục có những đổi mới ngành xứng đáng là hiện thân của lòng nhân ái”.

Thống kê của ngành LĐ-TB&XH, giai đoạn 2015-2020, thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thị trường lao động Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, lực lượng lao động cả nước tăng từ 53,9 triệu người lên 56,12 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì trên 70%.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động - 4

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (bên phải) và Nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tới dự Đại hội.

Ước 5 năm, cả nước giải quyết việc làm khoảng 7,854 nghìn người, đạt mục tiêu đề ra, trong đó: Giải quyết việc làm trong nước khoảng 7.234 nghìn người; đưa khoảng 620 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt chỉ tiêu 24%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tính chung cả năm 2020 dự kiến trên 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 64,5%; trong đó, có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%.

Công tác tuyển sinh có chuyển biến tích cực, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp có đầu vào tốt nghiệp trung học cơ sở, ước giai đoạn 2015 - 2020, cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp các cấp trình độ khoảng 11.077 nghìn người, đạt 103%. Ước tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo là 10.212 nghìn người.

Công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh. tính đến cuối tháng 6/2020 có 15,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Giai đoạn 2015-2020: Tạo việc làm cho hơn 7,8 triệu lao động - 5

Thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất; theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong nửa đầu năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi 5.344 tỷ đồng để giải quyết cho 430.576 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và các chi phí khác để thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Hệ thống chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh được tiếp tục hoàn thiện theo cơ chế thị trường, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đã đạt mục tiêu “bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” theo đúng lộ trình đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện; giai đoạn 2016-2019 tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá cao đạt 9,01%/năm.

Về tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có sự chuyển biến tích cực, hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể đã xử lý tốt các vấn đề vướng mắc, tranh chấp lao động, đình công phát sinh trong doanh nghiệp. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là triển khai Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, thông qua đó khuyến khích các hoạt động chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nhiều kết quả lớn trong thực hiện chính sách LĐ-TB&XH giai đoạn 2015-2020

Tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng; giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 3.232 liệt sĩ, cấp đổi lại trên 80.000 bằng Tổ Quốc ghi công.

Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đã rà soát, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng trên cả nước.

Năm 2018-2019, tiếp tục mở rộng phạm vi đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân; đến nay, theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố, có 27/50 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 23/50 địa phương còn hồ sơ tồn đọng, đang tiếp tục giải quyết.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, xây dựng mới 32.850 nhà tình nghĩa trị giá 1.518 tỷ đồng, sửa chữa 21.655 nhà tình nghĩa trị giá gần 475 tỷ đồng; các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục thực hiện rộng khắp trên cả nước.

Hỗ trợ trên 500 tỷ đồng mỗi năm để tu sửa, nâng cấp mộ liệt sỹ, các công trình nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm đảm bảo khang trang, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo bền vững lâu dài, phát huy tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Các chính sách giảm nghèo được rà soát, đánh giá và thực hiện tích hợp nhằm bảo đảm sự thống nhất, tránh chồng chéo và tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả hơn; thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, đầu mối về lao động, phúc lợi xã hội, phụ nữ, trẻ em trong hợp tác ASEAN; tham gia tích cực vào các cơ chế khu vực khác gồm Tiểu vùng sông Mê-Công, ACMECS, ba nước Đông Dương, đặc biệt là triển khai tốt các hoạt động năm Chủ tịch ASEAN.

Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử của Bộ; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực của Bộ, ngành có tác động nhiều đến người dân, doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ.

Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng giai đoạn 2018 - 2019; triển khai Hệ thống công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia...