(Dân trí) - Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, làm "quan tòa" mấy chục năm, lương của ông chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Công việc hiện tại cho ông thu nhập gấp nhiều lần cùng nhiều trải nghiệm, cơ hội mới.
Từng được dư luận biết đến với biệt danh "thẩm phán của những vụ đại án", ông Trương Việt Toàn, nguyên Phó Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội nổi tiếng qua hàng loạt phiên xử các cán bộ, quan chức cấp cao "dính chàm", từ thời Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng tới Hà Văn Thắm, Nguyễn Đức Chung, Đinh La Thăng… 5 năm trước, thẩm phán Trương Việt Toàn nghỉ chế độ. Ông quyết định sang làm việc tại một doanh nghiệp, với tư cách chuyên gia pháp luật.
Ông Trương Việt Toàn có cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên Dân trí về những trải nghiệm ở môi trường doanh nghiệp.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 1 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/7PgLdX5tnOXtEhi_zwiqaz6TahI=/2025/02/06/title-1pc-1738807942061.jpg)
Bước vào năm mới 2025, một vấn đề lớn được đặt ra, cần giải quyết là việc tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhà nước khiến 100.000 nhân lực sẽ phải rời khu vực công, đối mặt việc thất nghiệp nếu không linh hoạt chuyển đổi, thích ứng để kiếm việc làm mới trên thị trường lao động. Chuyện ông sang làm việc ở khu vực tư ít nhiều có những điểm tương đồng, rất thực tế với những công chức, viên chức sẽ rời bộ máy trong đợt tinh giản tới đây?
- Nói về quá trình công tác thì tôi thực sự đã có 42 năm làm trong nhà nước, đã trải qua rất nhiều thời kì biến động, biến đổi trong hệ thống bộ máy, từ thời kỳ bao cấp rồi chuyển sang cơ chế thị trường. Có những điều tôi nhận thấy và rất trăn trở trong suốt khoảng thời gian đó.
5 năm trước, sau khi nghỉ chế độ, tôi quyết định đến làm tại ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với tư cách một chuyên gia pháp lý tại đây. Công việc mới thực sự thú vị, nhiều không gian rộng mở bất ngờ với tôi.
Việc chuyển đổi với nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong đợt sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước lần này, tôi nghĩ cũng sẽ như vậy, là thách thức cũng là cơ hội trải nghiệm mới.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 3 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/JMD4EODUJs5mJRFCmUsiNzGs5-Y=/2025/02/06/anh-1pc-1738807941868.jpg)
Hơn 5 năm chắc đủ để ông trải nghiệm, va đập rồi mới thấy sự thú vị, hấp lực của thị trường lao động ở khu vực ngoài nhà nước như vậy. Cùng là công việc với chuyên môn về pháp luật nhưng qua nhận định của ông thì dường như sự khác biệt cũng rất lớn. Sự khác biệt đó cụ thể thế nào, thưa ông?
- Hai khu vực có 2 phương pháp làm việc, 2 hướng nhận thức về khái niệm "lao động" hoàn toàn khác nhau đấy. Ở khu vực nhà nước là công việc mang tính mệnh lệnh hành chính, không nhiều ràng buộc trách nhiệm cũng như tính động lực thúc đẩy trong khi tại doanh nghiệp, người lao động làm việc vì quyền lợi sát sườn là đồng lương, thu nhập hàng tháng.
Tôi từng rất băn khoăn, đất nước đã trải qua mấy chục năm đổi mới rồi, sau khi kết thúc cơ chế bao cấp nhưng sự trì trệ, ý thức bao cấp vẫn in sâu trong không ít cán bộ, công chức, viên chức, trong nhiều công việc, nếp nghĩ. Tính cạnh tranh, động lực thúc đẩy phát triển trong khu vực nhà nước cũng không thực sự rõ vì sự đánh giá nhiều khi như đánh đồng đã tạo ra trong đội ngũ một lực lượng nhân lực, như người ta vẫn nói là "công chức cắp ô" đâu đó vẫn còn.
Còn tại cơ quan kinh tế tư nhân, tôi được áp đủ biện pháp để chấm KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc), tính năng suất lao động tập thể. Tôi gần như không phải họp hành, chấm thi đua khen thưởng gì nhiều mà cứ hiệu suất công việc tốt thì có lương, thưởng tốt và ngược lại.
Đánh giá chung tôi thấy khu vực doanh nghiệp tư nhân năng động, tính trách nhiệm lao động cao hơn so với nhân sự ở khu vực nhà nước.
Vậy quyết định làm việc ở môi trường doanh nghiệp của ông được nung nấu trong bao lâu, được ông chuẩn bị thế nào? Sự thay đổi mang lại thu nhập ra sao, thưa ông?
- Tôi suy nghĩ và đưa ra quyết định này trong mấy tháng. Thực tế, thu nhập của tôi cũng khác hẳn. Trước làm thẩm phán, lương của tôi cộng đủ loại ngạch bậc, phụ cấp cũng chỉ được hơn 10 triệu đồng trong khi giờ là mấy chục triệu một tháng.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 5 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/R2QK_QPi23UGl67ihEihQJYOYZg=/2025/02/06/anh-2pc-1738807942072.jpg)
Quá trình thích nghi của ông khi sang làm nhân viên ngân hàng chắc hẳn cũng không dễ dàng. Khó khăn lớn nhất là gì và cần bao nhiêu thời gian để ông tự chuyển mình?
- Cái khó nhất với tôi là tôi chỉ có một tháng để thay đổi. Trong khi đó, sau này tôi mới hiểu là không ít nhận thức của tôi khi ở khu vực nhà nước mấy chục năm phải thay đổi. Thực ra tôi đã rất lo lắng là liệu mình có đáp ứng được với công việc mới mà doanh nghiệp đòi hỏi hay không. Tôi mang theo mối lo lắng ngổn ngang đó trong sự chuyển đổi của mình.
Dù vẫn luôn tự tin về trình độ chuyên môn của mình nhưng trở ngại về ý thức, tâm lý, nhận thức về sự khác biệt trong cung cách làm việc giữa hai khu vực lao động là điều khiến tôi thực sự lo. Vì vậy, ngay khi quyết định, tôi đã luôn nhắc mình về sự thay đổi ý thức.
Đến ngân hàng là tôi vào việc ngay. Tôi phải tự tập cho mình tác phong, cứ 8h đến cơ quan là bật máy tính, tiếp nhận tất cả những thông tin, yêu cầu công việc từ các đối tác gửi đến qua kênh này. Và rồi tôi cuốn theo guồng công việc liên tục như vậy, không thể khác được.
Mỗi ngày đều phải cố gắng, sau cùng tôi cũng đã quen, hình thành ý thức lao động mới. Cũng mất một thời gian với nỗ lực uốn chỉnh mình, học tập, trau dồi để đáp ứng được guồng lao động với đòi hỏi cao, cạnh tranh lớn tại đơn vị của chúng tôi. Tính ra phải mất 6 tháng tôi mới hòa nhập và cảm nhận được nếp lao động mới đó.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 7 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 7](https://cdnphoto.dantri.com.vn/4u_nRI-9ilz3aT4X3eWTJuXN9cI=/2025/02/06/anh-3pc-1738807942485.jpg)
Có ý kiến phân tích, với người từng làm ở cơ quan nhà nước như ông, sự chuyển đổi thậm chí là cuộc đổi vai từ vị thế "người nhà quan" sang thành "người phục vụ", "người làm công". Ông có nhận thức rõ về việc phải chuyển vai của mình?
- Có chứ. Phải ý thức sâu sắc là có phục vụ tốt thì mới được hưởng chế độ tốt, chính những người mình phục vụ mang lại nguồn thu nhập cho mình.
Công việc hàng ngày ở ngân hàng đòi hỏi tôi phải có những phản hồi, giải đáp lập tức vì đó là việc liên quan đến các khách hàng ngồi đó, chờ câu trả lời từ chúng tôi. Phương pháp, cung cách làm việc như vậy khác hẳn quy trình qua nhiều khâu, từ tiếp nhận tới tham mưu, thẩm định, trình chờ… ở cơ quan nhà nước.
Có một thực tế là công chức, viên chức của chúng ta đôi khi vẫn như phụ mẫu, chưa phải công bộc của dân như nguyên lý đáng ra cần như vậy đâu. Cách thức giải quyết công việc đôi lúc vẫn còn màu sắc của cơ chế xin - cho, người cần phải đi xin, người giải quyết là người cho, dẫn đến người trong cơ quan công quyền thường tự cho rằng mình ở vị thế bên trên.
Còn khi làm việc bằng đồng lương, bằng chế độ sát sườn rồi thì không thể có chuyện nói với khách hàng, với "ông chủ" của mình là mời về chờ được. Không ai xin mình cả mà đòi hỏi mình thực hiện dịch vụ mà mình cung cấp, không thực hiện được thì có người khác thế vị trí của mình ngay.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 9 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 9](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Jc9b83EYNXNnKAAwWTF35TFrb4U=/2025/02/06/anh-4pc-1738807942471.jpg)
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 11 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 11](https://cdnphoto.dantri.com.vn/kznlMu3_rU7hSnYph2zmnt4tXsw=/2025/02/15/title-3pc-2-1739583450586.jpg)
Trong phát biểu chỉ đạo mới đây liên quan đến việc thực hiện tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một câu hỏi mở, cần chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm, để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số cả trăm ngàn cán bộ tinh giản đợt này. Từ trải nghiệm của bản thân, ông nhận định thế nào về việc này?
- Vấn đề cách mạng trong cuộc sắp xếp, tinh giản bộ máy nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập vừa qua, theo tôi, là chuyện thực sự bức bách, cấp thiết, cần làm ngay, để khắc phục những tồn tại, trì trệ trong hệ thống.
Vì thực sự, những nhân tố có thể gọi là người thừa trong bộ máy cũng không ít và khi cắt giảm thì số nhân lực còn lại vẫn đáp ứng được công việc. Thực tại, những người làm được việc đang phải "gánh team", bù cho phần những người làm rất ít hoặc không làm được việc đó.
Nhưng tôi cho rằng việc chuyển đổi công việc với lượng nhân lực thực hiện tinh giản đợt này không đơn giản.
![Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 13 Đằng sau chuyện sắm vai… người phục vụ của vị thẩm phán nổi danh - 13](https://cdnphoto.dantri.com.vn/dtH8J84jJ-x2vdNguB0hw4ruosU=/2025/02/06/ainh-5pc-1738811957729.jpg)
Có một thực tế là những cán bộ tinh giản lần này sẽ nằm nhiều ở khung tuổi trên 50. Ông cũng đến với khu vực tư nhân khi tuổi không còn trẻ và đã qua nhiều trải nghiệm. Theo ông, khu vực công việc nào phù hợp để tiếp nhận, hấp thụ nhóm nhân lực tinh giản lần này?
- Nói đến độ tuổi thì thực sự ngoài 40-50 là thách thức với hầu hết cán bộ công chức viên chức thuộc diện tinh giản đợt này. Tôi phải nói là rất khó. Với những người đó, để tìm được và làm được công việc trong môi trường doanh nghiệp không đơn giản gì. Trở ngại trước hết là ở tuổi đó có xin được việc ở đâu không.
Khối doanh nghiệp, các cơ quan kinh tế bên ngoài đòi hỏi nền tảng kiến thức, chuyên môn vững vàng cũng như nhiều kỹ năng mềm khác. Thế hệ những người đã qua tuổi 50 có khi máy tính còn không biết sử dụng, ngoại ngữ cũng bằng nọ bằng kia nhưng có khi lại không dùng được. Vì vậy cần phải xác định trước, sẽ có tỷ lệ nhất định không tìm được việc làm trong cả trăm ngàn người tinh giản tới đây. Những công việc phù hợp để lựa chọn, chuyển đổi với họ cũng không thực sự nhiều. Cho nên tăng khả năng hấp thụ khối lao động dôi dư tới đây sẽ là thách thức chính sách rất lớn.
Tôi thực sự muốn nhắn nhủ những người tinh giản cần lập tức thay đổi nhận thức, phải ý thức sâu sắc chỉ có lao động mới có thể tồn tại và phát triển. Ở khu vực tư, mỗi người phải làm việc, làm cật lực thì mới có thu nhập, mới đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!