DBiz

Từ chuyện Heineken, các doanh nghiệp ngành bia kinh doanh ra sao?

Khổng Chiêm
Từ chuyện Heineken, các doanh nghiệp ngành bia kinh doanh ra sao?

Các đại gia ngành bia làm ăn ra sao?

Vừa qua, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Việt Nam) đã quyết định tạm ngừng hoạt động nhà máy bia Heineken chi nhánh Quảng Nam.

Phía doanh nghiệp nêu, từ sau giai đoạn Covid-19, ngành kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đã đối diện nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dẫn đến sụt giảm niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thay đổi thói quen uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Kết quả, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm một con số tính đến nay.

Do đó, đơn vị này cho rằng cần tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng và dự đoán những thay đổi của thị trường. Công ty cũng tinh giản hoạt động để tiếp tục đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam, qua đó hỗ trợ lực lượng lao động và duy trì hoạt động kinh doanh.

Heineken là một trong 4 hãng bia lớn tại thị trường Việt Nam, được xếp hạng "tứ hoàng bia Việt", cùng với Sabeco, Habeco và Carlsberg. Sự suy giảm của ngành bia đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận các doanh nghiệp.

Năm 2023, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) ghi nhận doanh thu giảm 13% còn lợi nhuận giảm 23% so với năm trước, đạt lần lượt 30.461 tỷ đồng và 4.255 tỷ đồng.

Sự sụt giảm của Sabeco ghi nhận diễn ra trong các năm 2020-2021, khi tình trạng dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2022, doanh nghiệp có sự cải thiện cả về mặt doanh thu và lợi nhuận.

Giải trình về kết quả năm 2023, Sabeco cho biết doanh thu thuần thấp hơn năm trước do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ quy định về xử phạt về vi phạm nồng độ cồn. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn, phần lãi trong liên doanh liên kết thấp hơn, mặc dù đã được bù đắp một phần bởi doanh thu tài chính cao hơn.

Chung tình trạng, cũng năm 2023, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN) có doanh thu giảm 8%, lợi nhuận sau thuế giảm 30% so với năm trước.

Vào năm 2021, doanh nghiệp cũng ghi nhận sự sụt giảm về cả về doanh thu và lợi nhuận so với đà tăng của các năm trước đó. Doanh thu giảm 7% còn lợi nhuận giảm 51%, lần lượt đạt 6.950 tỷ đồng và 324 tỷ đồng.

Giải trình kết quả năm 2023, Habeco cho rằng doanh thu bán hàng sụt giảm, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường bia. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng suy giảm trong bối cảnh Việt Nam và thế giới có nhiều biến động cùng với việc thực hiện chặt chẽ quy định về xử phạt về vi phạm nồng độ cồn.

Một số doanh nghiệp bia khác cũng chung tình trạng. Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Hải Dương (mã chứng khoán: HAD) công bố năm 2023, doanh thu thuần đạt gần 167 tỷ đồng, tăng 10% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 43%, còn hơn 6 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân, doanh nghiệp cho biết giá mua nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc tiêu thụ giảm do thời tiết không thuận lợi. Ngoài ra là tác động của hàng loạt các biện pháp nằm trong chính sách về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia.

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: BSH) báo kết quả kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 609 tỷ đồng, giảm 3% còn lợi nhuận sau thuế 49,4 tỷ đồng, giảm 14%.

Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa (mã chứng khoán: THB) báo cáo lợi nhuận năm 2023 giảm 50%, còn 5 tỷ đồng. Doanh thu thuần cũng giảm 7% còn 1.504 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành khó khăn, các ông lớn ngành bia vẫn mạnh tay chi tiền cho quảng cáo, khuyến mãi. Với Habeco, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ năm 2023 gần 591 tỷ đồng, chiếm 50% chi phí bán hàng.  Còn với Sabeco, chi phí này năm 2023 là 2.814 tỷ đồng, chiếm 63% chi phí bán hàng.

Bức tranh sáng tối đan xen, đại gia bia chỉ ra "cơ hội vàng"

Năm 2024, lãnh đạo Habeco đánh giá sức mua vẫn yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự phục hồi chậm của nền kinh tế vẫn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bán lẻ. Rủi ro lạm phát, chi phí vận hành cao, lượng hàng tồn kho lớn tiếp tục tạo áp lực với doanh nghiệp nói chung và Habeco cũng gặp các thách thức không nhỏ với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty đặt mục tiêu khẳng định vị thế dẫn đầu ở thị trường phía Bắc, phát triển và mở rộng thị trường miền Trung, miền Nam. Trên cơ sở này, mục tiêu doanh thu năm nay tăng 5% so với năm trước, đạt 6.543 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 42%, đạt gần 249 tỷ đồng.

Với Sabeco, doanh nghiệp đánh giá ngành bia Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 cũng như tác động từ một số cơ chế chính sách liên quan. Ngoài ra, việc người dân thắt chặt chi tiêu, thị hiếu và yêu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với thiết kế bao bì, chất lượng... cũng là những áp lực, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chi mạnh cho quảng cáo và khuyến mãi.

Ngoài ra, việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, bao gồm rượu bia... tiếp tục là sức ép không nhỏ đến doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Sabeco nhận thấy các "cơ hội vàng" của ngành bia như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh; tiềm năng lớn của phân khúc bia không cồn; tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Tập đoàn vẫn đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay tăng 13%, lợi nhuận sau thuế tăng 8% so với năm trước, lần lượt đạt 34.397 tỷ đồng và 4.580 tỷ đồng.

Trả lời cổ đông tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2024, lãnh đạo công ty bày tỏ ủng hộ Nghị định 100 cũng như ủng hộ việc uống bia rượu có trách nhiệm. Nhiều quốc gia trên thế giới có quy định về nồng độ cồn cho phép, có nghĩa là người dân có thể uống bia rượu một chút mà vẫn được phép lái xe.

Sabeco cho biết đang cố gắng giảm nhẹ tác động của Nghị định 100 bằng cách làm việc chặt chẽ với Chính phủ để thể hiện trách nhiệm trong việc kinh doanh bia và đảm bảo người tiêu dùng uống rượu bia có trách nhiệm, đồng thời có sự linh động phù hợp trong việc thực thi. 

Sáng nay (27/6), Quốc hội thông qua dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, phần lớn các đại biểu tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.