1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

"Ngồi yên hưởng lộc", Habeco kinh doanh ra sao?

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi giới kinh doanh nhà hàng đang xôn xao danh sách gắn sao Michelin thì một hãng đồ uống "ngồi không" cũng thơm lây vì được… truyền thông miễn phí. Doanh nghiệp này kinh doanh ra sao?

Ngay sau khi đáp chuyên cơ xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào ngày 3/6, một trong những hoạt động gây chú ý của Thủ tướng Australia Anthony Albanese là cùng các cộng sự đến một quán bia trên phố Đường Thành (quận Hoàn Kiếm) để thưởng thức bia hơi Hà Nội và bánh mì. Một điều thú vị thường xuyên xuất hiện trong các khung hình được truyền thông trong và ngoài nước truyền tải là bộ nhận diện thương hiệu của Bia Hà Nội.

Thủ tướng Australia uống bia cùng người dân thủ đô Hà Nội (Video: Anthony Albanese Twitter).

Bối cảnh đó khiến nhiều người liên tưởng đến chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain hồi năm 2016. Thời điểm đó, loạt ảnh ông Obama và vị đầu bếp cùng ăn bún chả, uống bia Hà Nội đã gây "bão mạng" trên mọi phương tiện truyền thông, và phải rất lâu sau "cơn bão" đó mới lắng xuống.

Thậm chí, mới đây, khi thương hiệu bún chả cựu Tổng thống Mỹ từng ăn được Michelin điểm danh thì câu chuyện của 7 năm lại được nhắc tới. Và đương nhiên, trong sự kiện này người ta không thể quên nhãn hiệu bia mang tên gọi của Thủ đô. Một số người cho rằng không hề quá khi nói bia Hà Nội là đơn vị hưởng lợi lớn nhất trong các sự kiện nói trên nhờ được những nhân vật lớn… truyền thông miễn phí.

Ông Obama dùng bún chả và bia Hà Nội năm 2016 (Video: Mạnh Thắng).

Trên thực tế, cũng như các nhãn hàng tiêu dùng khác, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN, đơn vị sở hữu nhãn hiệu bia Hà Nội) hàng năm phải chi rất "đậm" cho các chương trình truyền thông, quảng cáo.

Trong năm 2022, Habeco tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ lên 700 tỷ đồng, cao hơn 79% so với năm 2021. Con số này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí bán hàng (chiếm 54%). Tổng chi phí bán hàng trong năm ngoái của Habeco là 1.289 tỷ đồng.

Với việc mạnh tay truyền thông cho nhãn hàng, trong năm vừa qua, hoạt động kinh doanh của Habeco cũng khởi sắc, một phần nguyên nhân đến từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid.

Báo cáo kiểm toán năm 2022 của Habeco cho thấy, trong năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 8.398 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2021. Lãi trước thuế ghi nhận tăng mạnh 54% lên 632 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 503 tỷ đồng (tăng 55%).

Bước sang năm 2023, điều bất ngờ đã xảy ra khi Habeco đột ngột ghi nhận sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh. Cụ thể, doanh thu thuần giảm hơn 13% so với cùng kỳ, còn 1.173 tỷ đồng. Lãi trước thuế vỏn vẹn chỉ bằng hơn 10% so với quý I năm ngoái, theo đó, Habeco lỗ sau thuế 3,7 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi gần 35 tỷ đồng). Lỗ thuộc về cổ đông không kiểm soát là hơn 15 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải sụt giảm doanh thu, lợi nhuận do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh so cùng kỳ, thói quen chi tiêu của người Việt có xu hướng giảm...

Chi phí bán hàng của Habeco trong kỳ ở mức 205 tỷ đồng, giảm so với mức 235 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ bị tiết giảm rất mạnh, từ mức 122 tỷ đồng của cùng kỳ xuống còn 74 tỷ đồng.

Hiện tại, Nhà nước vẫn đang nắm phần lớn cổ phần tại Habeco với tỷ lệ nắm giữ 81,79% (tương ứng 1.896 tỷ đồng). Vốn góp của Carlsberg Breweries A/S là 17,34% (tương ứng 402 tỷ đồng); vốn góp của Công ty TNHH Thương mại Carlsberg Việt Nam là 0,16%, tương ứng 3,8 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHN của Habeco đang giao dịch quanh ngưỡng 43.000 đồng, thị giá thấp hơn 6,5% so với đầu năm.